• Zalo

Những điều 'kỳ bí' khu nhà công vụ Hoàng Cầu

Thời sựThứ Sáu, 21/03/2014 06:00:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Nhiều cán bộ cao cấp nghỉ hưu nhưng vẫn sở hữu nhà công vụ đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi, khiến dư luận bất bình.

(VTC News) - Nhiều cán bộ cao cấp nghỉ hưu nhưng vẫn sở hữu nhà công vụ đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi, khiến dư luận bất bình.

Gần đây, dư luận xôn xao khi biết chuyện ở khu Nhà công vụ Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) có rất nhiều cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu, nhưng vẫn “sở hữu” nhà công vụ. 
Nhiều người tỏ ra bức xúc khi biết có tới 50% cán bộ đã về hưu hiện đang ủy quyền cho con, cháu, người thân sử dụng, thậm chí cho thuê nhà công vụ ở đây.
Sau khi tìm hiểu khá kỹ lưỡng về khu nhà này, phóng viên VTC News tá hỏa trước những điều rất kỳ quặc và chưa thấy cách tháo gỡ.

Thứ nhất, nếu như ngày nay khi được cấp nhà công vụ người ta chỉ việc xách vali tới để ở vì trong nhà đã có đầy đủ tiện nghi, hỏng đâu Nhà nước chi tiền sửa chữa chỗ đó thì cách đây khoảng hơn chục năm, vào những năm 1999, mọi chuyện rất khác. 
nhà công vụ Hoàng Cầu vtc
Cổng vào của khu nhà công vụ Hoàng Cầu (Ảnh: Phong Nguyên) 
Qua tìm hiểu, phóng viên VTC News được biết vào những năm 1999 khi giao nhà công vụ cho cán bộ, người ta chỉ giao “xác” nhà, tức là phần thô chứ không có bất cứ tiện nghi nào trong nhà. Hầu hết các cán bộ khi chuyển tới khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu ở đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để cải tạo, tu sửa, trang bị nội ngoại thất cho căn nhà của họ. 
Từ sàn gỗ, cửa kính, sơn tường tới các thiết bị hiện đại khác trong nhà đều do cán bộ tự móc hầu bao ra sắm. Chưa kể, thông thường nếu nhà công vụ bị hỏng, Nhà nước phải bỏ tiền ra tu sửa, trong khi do không có kinh phí nên khu nhà này bị “bỏ rơi”, các chủ hộ phải tự túc. 
Nhiều hộ dân ở đây cho biết, ban quản lý nhà tuyên bố rằng những cái ở bên ngoài căn hộ nếu bị xuống cấp họ sẽ sửa còn nếu nội thất trong nhà có vấn đề, chủ hộ phải tự chủ động bỏ tiền ra sắm, sửa. 
Do vậy, khi không sử dụng nhà công vụ ở đây nữa, các cán bộ đã về hưu hoặc chuyển công tác yêu cầu ban quản lý khu nhà phải đảm bảo quyền lợi cho họ tức là hoàn trả khoản tiền họ đã đầu tư cho căn nhà này. 
Trước thực trạng trên, phía Văn phòng Chính phủ nhận thấy vấn đề khó xử lý bởi vậy đến giờ họ vẫn chưa có thông tin hay văn bản hướng dẫn về cách chi trả khoản tiền các chủ hộ đã đầu tư cho những căn nhà ở đây.
Mọi rắc rối cũng bắt đầu nảy sinh từ đó. 
Thứ hai, trong bản hợp đồng cấp nhà công vụ cho cán bộ cấp cao thuộc khu nhà này cũng không ghi rõ thời gian giao trả nhà. Lưu ý, khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu chỉ dành cho các cán bộ cấp cao từ Thứ trưởng trở lên. 
Được biết trong bản hợp đồng giao nhà đó thậm chí còn có thêm một điều khoản đó là cán bộ sau khi nghỉ hưu vẫn được thuê lại nhà công vụ đó để ở lâu dài nếu có nhu cầu. 
Nhờ những chính sách ưu đãi đó, đặc biệt chế độ “được ở lâu dài” mà nhiều cán bộ, công chức được cấp nhà công vụ đã đưa cả gia đình ra Hà Nội sinh sống. Không ít người trong số họ đã bán hết nhà đất ở quê, đưa gia đình ra thủ đô định cư. Vậy nếu trả lại nhà công vụ, họ sẽ về đâu? 
Vài năm trở lại đây, khi nhận thấy bất cập đó các cơ quan chức năng đã sửa luật, bổ sung thời gian giao trả nhà vào bản hợp đồng cấp nhà công vụ đồng thời ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn sử dụng nhà công vụ, nhưng rõ ràng để luật đi vào thực tiễn cuộc sống, còn cần thêm thời gian. 
nhà công vụ Hoàng Cầu vtc
Tòa nhà B1 - nơi có nhiều cán bộ đã về hưu vẫn sở hữu nhà công vụ (Ảnh: Phong Nguyên) 
Thứ ba,
khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu trước đây thuộc sở hữu, quản lý của văn phòng Chính phủ chứ không phải của Bộ Xây dựng như bây giờ. Bộ Xây dựng chỉ mới tiếp quản khu nhà đó vào ngày 1/1/2014. 
Một người dân hiện đang sinh sống trong khu nhà này xin được giấu tên cho biết: “Không hiểu sao Bộ Xây dựng tự dưng làm toáng lên đòi thu hồi nhà công vụ, đuổi người ta đi, thậm chí nếu không được còn dọa cưỡng chế. 
Làm như vậy tức là họ chưa có nghiên cứu kỹ luật pháp. Họ mới chỉ áp dụng thông tư do chính Bộ mới ban hành vào tháng 1/2014 và chính thức có hiệu lực vào 6/3. Tuy nhiên, nên nhớ bối cảnh và quyết định bàn giao nhà của khu nhà này vào năm 1999 khác hoàn toàn so với bây giờ”. 
Như vậy, ở đây, sự chồng chéo của các văn bản luật và những cuộc “vả nhau đôm đốp” giữa các nhà soạn thảo văn bản luật lại xuất hiện.
Thứ tư, Thực tế, một số cán bộ thuộc khu nhà này khi nghỉ hưu từng làm đơn gửi ban quản lý với nội dung chính là xin trả nhà đồng thời kiến nghị Văn phòng Chính phủ giới thiệu cho họ một khu nhà nào đó tiện lợi, giá cả phải chăng để họ thuê ở. 
Khi đó ban quản lý khu nhà – một đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ phản hồi với các cán bộ đã về hưu muốn trả lại nhà là do chưa có văn bản đề nghị thu hồi nhà công vụ nên họ rất lúng túng chưa biết xử lý ra sao. 
Nói cách khác, không ai biết chủ trương thu hồi như thế nào, thực hiện ra sao rồi thu hồi hàng loạt hay từng hộ…, cộng thêm điều khoản cán bộ đã về hưu vẫn có thể ở đó nếu có nhu cầu nên nhiều gia đình vì thế mà vẫn ở lại đó. 
Rõ ràng, ban quản lý khu nhà đã tạo điều kiện cho các cán bộ về hưu và gia đình họ ở lại khu nhà này bởi nếu họ đưa ra chính sách thu hồi rõ ràng, có lẽ nhiều người đã chuyển đi nơi khác. 
“Nếu họ có văn bản thu hồi nhà công vụ, chúng tôi sẽ trả nhà đàng hoàng rồi chuyển đi nơi khác, nhưng lúc đó ngay cả ở các khu nhà công vụ khác, cán bộ đã về hưu vẫn được sử dụng khi có nhu cầu, tại sao chúng tôi phải trả?
Ban quản lý cũng nói khi nào có chính sách họ sẽ thu hồi đồng loạt chứ không áp dụng lẻ tẻ từng trường hợp nên khi đó gia đình tôi có làm đơn xin trả lại nhà cũng…không được. Cũng có một số cán bộ chuyển đi do họ quyết định về hẳn địa phương hoặc chuyển qua khu nhà khác tiện nghi hơn còn những người có nhu cầu vẫn ở lại khu nhà Hoàng Cầu này”, một cán bộ thuộc khu nhà này xin được giấu tên nói. 
Thứ  năm, nhiều cán bộ ở khu nhà này đang cảm thấy khó hiểu với cách làm “bán chuyên” của Bộ Xây dựng. 
Vào cuối năm 2013, Văn phòng Chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng đã bàn giao khu nhà đó cho Bộ Xây dựng. Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã triệu tập các chủ hộ ở khu nhà này tới họp. Lãnh đạo Bộ tuyên bố giờ cứ theo luật mà làm, ai không thuộc diện được sử dụng nhà công vụ ở đây nữa thì sẽ phải bàn giao lại nhà. 
“Một số hộ rất bức xúc trước tuyên bố này, nhưng đa số các hộ đều vui vẻ bàn giao lại nhà khi hai bên đạt thỏa thuận. Chúng tôi yêu cầu phía đơn vị quản lý nhà công vụ được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ thu hồi nhà cử đại diện xuống làm việc với các hộ gia đình ở đây. 
Thế nhưng, 3 tháng nay kể từ ngày Bộ nhận bàn giao quản lý khu nhà vẫn chưa thấy ai xuống liên hệ công việc. Thay vì làm việc trực tiếp với các chủ hộ để tìm hướng giải quyết thỏa đáng, họ công bố các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để gây sức ép cho chúng tôi. 
Xin khẳng định là các cô chú, bác ở trong khu nhà này là những người rất có tự trọng chứ không phải là những kẻ chây ỳ. Trong khi hai bên chưa gặp trực tiếp để đối thoại, Bộ Xây dựng đã làm rùm beng lên như thể chúng tôi thuộc diện phải cưỡng chế. Tôi cho rằng họ làm như thế là chưa thực sự tôn trọng nhau”, một cán bộ hiện đang sinh sống ở khu nhà này nêu quan điểm. 
Như vậy, có thể thấy rõ cả phía Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các chủ hộ ở đây đều đang có những vấn đề chưa thể tìm được tiếng nói chung nên chuyện bàn giao nhà công vụ mới kéo dài dai dẳng và chưa biết khi nào mới đến hồi kết. 
Chúng tôi cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là việc đền bù các khoản đầu tư cho những chủ hộ ở khu nhà này. Cũng có nhiều chủ hộ ở đây đã “tự xử” bằng cách thỏa hiệp khoản đầu tư cho nội thất của căn nhà với những chủ hộ mới đến trước khi họ bàn giao lại căn nhà đó và rời đi nơi khác. 
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy và đó là lý do họ còn ở lại. 
Còn nữa…

Minh Quân
 
Bình luận
vtcnews.vn