Cố vấn Rice và Đại sứ Power có thể không nổi bật nhưng cả hai có lẽ là nguồn ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách của Mỹ với Syria.
Kể từ cuối tháng 8/2013, thế giới đã chứng kiến sự lưỡng lự về ý định can thiệp vào Syria của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Khi đó, Washington đã “trống giong cờ mở” về một cuộc chiến vì lý do nhân đạo để trừng phạt việc Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào chính người dân của mình.
Theo Phó Giáo sư Terence Lee - thuộc Khoa Chính trị học, Đại học Quốc gia Singapore - dù quân đội Mỹ đã tấn công Serbia trong thập niên 1990, hay gần đây là Libya, thì đó vẫn là những trường hợp hiếm hoi và ít nguy cơ hơn nhiều so với một cuộc tấn công nhằm vào Tổng thống Bashar al-Assad của Syria. Vậy tại sao Mỹ lại sốt sắng can thiệp quân sự vào Syria?
Theo Phó Giáo sư Terence Lee - thuộc Khoa Chính trị học, Đại học Quốc gia Singapore - dù quân đội Mỹ đã tấn công Serbia trong thập niên 1990, hay gần đây là Libya, thì đó vẫn là những trường hợp hiếm hoi và ít nguy cơ hơn nhiều so với một cuộc tấn công nhằm vào Tổng thống Bashar al-Assad của Syria. Vậy tại sao Mỹ lại sốt sắng can thiệp quân sự vào Syria?
Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm bà Susan Rice (phải) và Samantha Power (trái) vào bộ máy hoạch định chính sách của mình (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong bài viết đăng trên nhật báo "Today", ông Terence Lee cho rằng bằng việc đánh giá lại những kinh nghiệm của nhóm chính sách đối ngoại hiện nay của ông Obama, gồm Ngoại trưởng John Kerry, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Samantha Power, người ta có thể hiểu tại sao lý do nhân đạo lại đóng vai trò trung tâm trong chính sách với Syria của Mỹ.
Theo đó, Ngoại trưởng Kerry là người ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực nhằm vào Syria. Ông ủng hộ hỗ trợ hơn nữa cho phe đối lập cũng như một hành động quân sự mạnh mẽ có giới hạn nhằm vào Damascus. Ông Kerry đặc biệt xúc động sau các vụ tấn công hóa học, cảnh báo “quy tắc quốc tế không thể bị vi phạm mà không chịu bất kỳ hậu quả nào”.
Trong khi đó, Cố vấn Rice và Đại sứ Power có thể không nổi bật trong vài tuần qua nhưng cả hai có lẽ là nguồn ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách của Mỹ với Syria. Cả hai đều được coi là “những người theo chủ nghĩa can thiệp tự do”. Kinh nghiệm chính trị của họ là vụ diệt chủng ở Rwanda năm 1994 và các vụ thảm sát trong chiến tranh Balkan.
Bà Rice từng tham gia Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) dưới thời chính quyền Clinton, trong khi bà Power từng là nhà báo và chứng kiến trực tiếp tình trạng thảm sát ở Sarajevo và Srebrenica (Bosnia và Herzegovina). Cả hai thất vọng trước sự thụ động của Mỹ, và sau này đều ủng hộ hành động can thiệp quân sự nhằm ngăn cản một “vụ tắm máu” ở Libya năm 2011.
Rwanda là một thử thách cá nhân của bà Rice. Bà đã công khai tự trách bản thân khi không thể thúc đẩy sự can thiệp của Mỹ nhằm ngăn chặn vụ diệt chủng khiến ít nhất 800.000 người Rwanda bị giết. Bà nói: “Tôi đã tự thề với mình rằng nếu như còn đối mặt với một cuộc khủng hoảng như vậy lần nữa, tôi sẽ hết lòng ủng hộ hành động mạnh mẽ, thậm chí nhảy vào lửa nếu cần”.
Bà Rice sau đó được bổ nhiệm là Giám đốc cấp cao khu vực châu Phi của NSC rồi Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi. Bà đã tới Rwanda nhiều lần và giúp phát động một chương trình nhỏ huấn luyện những lực lượng quân đội châu Phi có chọn lọc để đối phó với các vụ diệt chủng trong tương lai.
Trong khi đó, Samantha Power - vốn tự gọi mình là “diều hâu nhân đạo” và lớn tiếng hơn cả so với hai người còn lại, có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại từ việc đưa tin về các điểm nóng trên thế giới. Từ những trải nghiệm này, bà Power đã viết cuốn sách đạt giải Pulitzer “Một vấn đề từ địa ngục: Nước Mỹ và thời đại diệt chủng”.
Trong cuốn sách, bà Power đã chất vấn về thái độ dửng dưng của các chính phủ phương Tây trước những vụ thảm sát quy mô lớn trên toàn thế giới. Bà Power cam kết sẽ không bao giờ để những vụ thảm sát ghê tởm có thể dễ dàng xảy ra lần nữa.
Theo nữ Đại sứ Mỹ, việc can thiệp nhân đạo đòi hỏi những cân nhắc mang tính chiến lược. Bà Power nói: “Những người dân trở thành nạn nhân diệt chủng hoặc bị cộng đồng quốc tế bỏ mặc sẽ không trở thành những hàng xóm tốt, bởi họ khao khát trả thù, mong muốn phục hồi lãnh thổ và sự chấp thuận bạo lực của họ là phương tiện biến họ trở thành những mối đe dọa trong tương lai”.
Bà Power là một trong những cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Bà đã trở nên nổi tiếng khi gọi bà Hillary Clinton là “quái vật” và buộc phải từ chức trước áp lực dư luận.
Sau khi trở thành tân Đại sứ Mỹ tại LHQ hồi tháng 6 vừa qua, bà Power tiếp tục “khiếm nhã” khi mô tả Hội đồng Bảo an LHQ gồm “những nước thiếu uy tín để được coi là những người phân xử đáng tin cậy về làm thế nào để cân bằng giữa ổn định và dân chủ, hòa bình và công lý, cũng như an ninh với nhân quyền”. Bà Power cũng gọi sự thất bại của LHQ trong việc đưa ra hành động với Syria là “một nỗi hổ thẹn mà lịch sử sẽ phán xét nghiêm khắc”.
Trong khi hành động quân sự dường như ít có khả năng xảy ra ngay lập tức, do Mỹ và Nga đã nhất trí về một khuôn khổ chung cho Syria nhằm phá hủy vũ khí hóa học của nước này, bóng ma can thiệp vẫn hiển hiện mạnh mẽ do các vụ thảm sát vẫn tiếp diễn ở quốc gia Trung Đông này mà không bị trừng phạt. Các bước đi trong tương lai của Mỹ dường như được định hướng bởi câu nói cô đọng nhưng thẳng thắn của bà Power: “Chúng ta chịu trách nhiệm bởi chính sự lưỡng lự của mình”.
Vietnam+
Bình luận