• Zalo

Những điều chưa biết về lịch sử đền Trần ở Nam Định

Đời sốngThứ Tư, 28/02/2018 15:55:00 +07:00Google News

Đền Trần (Trần Miếu) là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ XV.

Khu di tích đền Trần nằm ở sát quốc lộ 10 thuộc đường Trần Thừa (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định). 

Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ Hán Chính nam môn (cổng chính phía nam) và Trần Miếu (Miếu thờ nhà Trần).

Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiền Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch.

Cả ba đền đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu.

ThumbnailImage

Đền Trần ở Nam Định. (Ảnh: Internet) 

Đền Thiên Trường: Được xây trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các Thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc.

Đền Trần hiện nay được dân địa phương xây bằng gỗ từ năm Chính Hòa thứ 15 (tức năm 1695). Các năm 1773, 1854, 1895, 1907-1908, đền được mở rộng và xây thêm.

Đền Thiên Trường hiện tại gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, thiêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch.

Đền Cố Trạch: Nằm phía Đông của đền Thiên Trường, nhìn từ sân là bên phải đền Thiên Trường. Đền Cố Trạch được xây vào năm 1894.

Theo bia "Trùng kiến Hưng Đạo thân vương cố trạch bi ký" thì lúc tu sửa đền Thiên Trường năm 21 đời Tự Đức (năm 1868), người ta đào thấy ở phía Đông đền Thiên Trường một mảnh bia vỡ có ghi chữ Hưng Đạo thân vương cố trạch (nhà cũ của Hưng Đạo thân vương).

Do đó, khi xây đền này vào năm 1894 khánh thành vào năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch Từ (đền nhà cũ). Đền Hạ là tên thường gọi.

Đền Cố Trạch đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Tiền đường của đền Cố Trạch là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo, đó là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa.

Thiêu hương (kinh đàn) là nơi đặt long đình trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Bên trái đặt bài vị các quan văn. Bên phải đặt bài vị của các quan võ. Gian tả vu là nơi đặt bài vị Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân và các bài vị văn thần triều Trần. Gian hữu vu là nơi đặt bài vị võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân họ Trần.

Tòa trung đường là nơi đặt bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, bài vị của 4 người con trai, của Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân.

Tòa chính tẩm là nơi đặt bài vị của cha và mẹ Trần Hưng Đạo, của Trần Hưng Đạo và vợ (công chúa Thiên Thành), của 4 người con trai và 4 người con dâu của Trần Hưng Đạo, của con gái và con rể (Phạm Ngũ Lão).

Đền Trùng Hoa: Mới được chính quyền tỉnh Nam Định với sự hỗ trợ về kinh phí của chính phủ xây dựng từ năm 2000. Đền được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị Thái thượng hoàng.

Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.

Video: Đủ ấn để phát cho du khách tại lễ khai ấn đền Trần 2018

Xưa kia, lễ hội đền Trần được tổ chức trong các ngày từ 15-20/8 âm lịch hàng năm nhằm tri ân công của 14 vị vua Trần.

Từ năm 2000, Nam Định tổ chức lễ khai ấn đền Trần vào rạng sáng 15 tháng Giêng. Lúc đầu lệ khai ấn chỉ bó hẹp trong không gian làng Tức Mặc, dần trở thành lễ hội lớn.

"Trần miếu tự điển" là chiếc ấn được dùng để đóng ấn dịp lễ hội Đền Trần hiện nay. Ấn hình vuông, làm bằng gỗ, được chế tạo vào thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Hai mặt Đông-Tây của viền ấn khắc hình hai con rồng, mặt Nam của viền ấn khắc chìm 4 chữ "Tích phúc vô cương." "Trần miếu tự điển" mang nội dung điển lệ, tục lệ thờ tự tại miếu nhà Trần, phạm vi, quy mô nhỏ hẹp là dòng họ Trần tại làng Tức Mặc.

QUỲNH HẢI
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn