Trong buổi làm việc với lãnh đạo các quận của TP.HCM, Bí thư Đinh La Thăng đặc biệt quan tâm đến những 'điểm tử thần' ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân như những khu chung cư cũ chờ sập, chợ hoá chất Kim Biên hay các điểm sạt lở. Bí thư Thăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tai hoạ ập đến bất cứ lúc nào.
Những chung cư “ma” hoang tàn
Chung cư 727 Trần Hưng Đạo cách trung tâm quận 1 (TP.HCM) gần 2km từng được xem là biểu tượng cho sự phát triển, náo nhiệt của thành phố với tổng cộng 13 tầng và gần 600 căn hộ.
Tuy nhiên, sau hơn 50 năm chung cư này lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ đổ sập có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhiều căn phòng bị rạn nứt, lõi thép nhô ra từ trần nhà, nền nhà có dấu hiệu bị sụt lún. Hành lang khu chung cư xuất hiện một số hố lõm có thể nhìn xuyên thấu căn nhà phía dưới.
Hệ thống đường dây điện cũng xuống cấp trầm trọng, dây điện lõng thõng giữa trần nhà và ổ điện không được bảo vệ, có nguy cơ xảy ra chập, cháy bất cứ lúc nào.
Nhiều căn phòng để hoang do dân đã di dời trở thành bãi rác với rất nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh và rác thải sinh hoạt. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Dù đã có lệnh giải tỏa của thành phố này nhưng đến nay vẫn có 10 hộ dân sinh kiên quyết bám trụ sống tại khu nhà chờ sập này.
"Chúng ta chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, nó đổ sập xuống mới lo cuống cuồng làm. Cái kiểu cơ chế bây giờ như vậy, ví dụ cầu Ghềnh hơn trăm tuổi biết bao hội thảo, báo cáo bàn tính việc xây mới nhưng không được, cuối cùng ông lái xà lan quyết một cái là có cầu mới luôn. Đừng để lợi ích của mấy người ảnh hưởng đến nghìn người khác", ông Thăng nói trong cuộc họp Quận ủy quận 5 và chỉ đạo thành phố nhanh chóng di dời.
Cũng nằm trong diện cảnh báo nguy cơ sập đổ, khu chung cư cũ Cô Giang (quận 1) gồm 4 lô, cao 5 tầng nằm trên một khu đất rộng hơn 14.500m2. Qua nhiều năm sử dụng chung cư này đã bị xuống cấp nặng. Nhiều cột trụ bê tông bị bật cốt thép ra, trần và sàn nhà nứt nẻ, hư hỏng, đe dọa sinh mạng của cư dân nơi đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn có đến 165 hộ đang sinh sống.
Tiếp đó là chung cư ở 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) được Công ty cổ phần Đức Khải tiến hành đền bù giải tỏa từ năm 2010. Sau 6 năm vẫn còn khá nhiều hộ vẫn đang ở lại cho dù căn nhà đã xập xệ, rạn nứt.
Chợ “tử thần” Kim Biên
Nhiều năm qua, người dân sống quanh chợ luôn nơm nớp, sợ hại sẽ có một ngày “kho bom hóa chất” lớn nhất cả nước gây tai họa cháy nổ bất cứ lúc nào.
Nhằm phòng ngừa cháy nổ đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân, UBND TP.HCM chỉ đạo khẩn về quản lý hóa chất, trong đó đặc biệt di dời 'chợ tử thần' Kim Biên.
Tại buổi họp mới đây với quận 5, sau khi bày tỏ nỗi lo: “Chợ tử thần mà nằm giữa thành phố, nghe thật khủng khiếp!”, ông Đinh La Thăng chỉ đạo thành phố khẩn trương di dời khu chợ này.
Tuy nhiên, hiện tại những tiểu thương vẫn đang kinh doanh hóa chất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hiện hữu.
Theo thống kê của UBND quận 5, hiện khu vực chợ Kim Biên có đến 76 doanh nghiệp và 36 cá thể kinh doanh hóa chất. Trong đó, bên trong chợ có 14 sạp hàng, số còn lại nằm bên ngoài, ở các tuyến đường Gò Công, Vạn Tượng, Kim Biên, Phan Văn Khỏe… Nơi đây không chỉ cung cấp nguồn hàng cho TP.HCM mà còn phân phối toàn miền Nam.
Điểm sạt lở kênh Thanh Đa
Là điểm thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập úng rất nguy hiểm nhưng đến nay nhiều hộ dân sống tại phường 27 quận Bình Thạnh (bán đảo Thanh Đa) vẫn chưa chịu di dời.
Theo người dân sống tại đây, việc chưa di dời là do vấn đề đền bù chưa thỏa đáng và chưa tìm được nơi mới để định cư. Một số người lại cho rằng nơi này gắn bó với hàng chục năm thuận tiện cho việc làm ăn nên chuyển đi không biết làm gì.
Theo quan sát của PV, công trình bờ kè Thanh Đa đã được xây dựng đến điểm khu dân cư. Do vướng các hộ dân chưa giải phóng được mặt bằng nên công trình đành dừng lại. Khu vực đất ở đây bị lở hàm ếch, lượng đất bồi chênh lệch so với nền đất cũ gần 1m nên sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Được biết, tại các phường: 25, 26, 27, 28 quận Bình Thạnh (bán đảo Thanh Đa) có hơn 10 điểm sạt lở nhưng nhiều người dân vẫn không di dời.
Bình luận