• Zalo

Những điểm nhấn đáng chú ý của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2023

Thời sự quốc tếThứ Hai, 16/01/2023 12:22:24 +07:00Google News
(VTC News) -

Diễn ra trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ, Diễn đàn Davos 2023 lấy chủ đề "Hợp tác trong một thế giới phân mảnh".

Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, hôm nay (16/1), Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 53 khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ, quay trở lại với khung thời gian thường lệ là tháng 1 hằng năm. Các phiên họp dự kiến sẽ xoay quanh chủ đề về xu hướng toàn cầu hóa, tác động của căng thẳng thương mại và gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng biến đổi khí hậu.

Những điểm nhấn đáng chú ý của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2023 - 1

Davos 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều nguy cơ khủng hoảng.

Điểm nhấn đáng chú ý của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos lần thứ 53

Sau 3 năm đại dịch, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos năm 2023 đã trở lại với khung thời gian truyền thống là tháng 1 đầu năm, sau năm 2021 phải họp trực tuyến và năm 2022 phải họp vào tháng 5.

Dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng đây cũng có thể được xem là một điểm đáng chú ý đầu tiên, mang tính biểu tượng, rằng Davos đã chính thức bước qua giai đoạn đại dịch và cuộc gặp mặt cấp cao hàng năm của giới chính trị gia, thương gia, truyền thông cũng như các tổ chức dân sự thế giới đã trở lại một cách trọn vẹn.

Điểm đáng chú ý thứ hai của Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm 2023 có lẽ là sự thiếu vắng khá nhiều các nguyên thủ các cường quốc kinh tế lớn trên thế giới. Trong số nhóm nước công nghiệp phát triển G7, chỉ có Thủ tướng Đức Olaf Scholz là sẽ góp mặt và sẽ có một bài phát biểu trong ngày 18/1, còn lại tất cả nguyên thủ các nước G7 khác đều vắng mặt.

Chi tiết này nói lên nhiều điều, đầu tiên, đó là dù với lí do khách quan hay chủ quan, vai trò và tầm ảnh hưởng của Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos cũng đang suy giảm rõ nét trong vài năm qua.

Ngoại trừ năm 2018, khi Davos thu hút sự tham dự của 6/7 nguyên thủ các nước G7, với các phiên thảo luận nóng bỏng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đa số các năm gần đây các nguyên thủ các cường quốc lớn đều không đến Davos, với lí do thường gặp là bận xử lý các vấn đề đối nội nhưng nguyên nhân sâu xa, như rất nhiều nhà phân tích châu Âu đã chỉ ra, đó là nguyên thủ các nước lớn ngày càng thận trọng trước việc có thể bị xem là “xa rời thực tế” khi đến góp mặt tại một cuộc gặp của giới thượng lưu, tinh hoa chính trị - kinh doanh - truyền thông thế giới trong khi người lao động ở rất nhiều nước đang vật lộn với cuộc sống thường nhật ngày càng khó khăn hơn. 

Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Thủ tướng Anh hiện nay, ông Rishi Sunak. Nếu như cuối năm 2022, ông Rishi Sunak buộc phải thay đổi ý định và đến dự COP27 ở Ai Cập sau khi bị chỉ trích thờ ơ với vấn đề môi trường thì tại Davos năm nay, việc vắng mặt của ông Rishi Sunak được cho là để tránh tối đa các liên hệ giữa mức độ hoành tráng của Davos với gia sản khổng lồ của gia đình ông (trên 800 triệu bảng) trong bối cảnh nước Anh đang đối mặt với các bất ổn xã hội nghiêm trọng vì lạm phát, khủng hoảng kinh tế.

Có thể xem các tính toán kiểu này là một nét mới của Davos 2023 và là một điều khác biệt so với quá khứ, khi Davos là cuộc gặp gỡ mà hầu như mọi gương mặt lớn trong giới chính trị - kinh doanh - truyền thông - dân sự thế giới đều muốn góp mặt.

Cuối cùng, một điểm nhấn nhỏ khác có lẽ là việc Davos năm nay sẽ họp mà không có tuyết, hoặc rất ít, dù đang giữa mùa Đông, một biểu hiện rất rõ khác của tình trạng biến đổi khí hậu, một chủ đề lớn quen thuộc của Diễn đàn này.         

Hợp tác trong một thế giới phân mảnh

Một tuần trước khi khai mạc Diễn đàn 2023, Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos đã công bố bản “Báo cáo rủi ro toàn cầu” về những vấn đề được xem là cấp bách nhất mà thế giới phải đối mặt hiện nay. Đây là bản điều tra thường niên, được thực hiện với 1.200 chuyên gia, chính trị gia, lãnh đạo các tổ chức dân sự lớn trên toàn thế giới nhằm xác định đâu là những mối đe doạ lớn nhất đối với thế giới trong ngắn hạn, tức 2 năm tới, và trong dài hạn, tức 10 năm tới.

Trong các báo cáo vài năm qua, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu luôn được xác định là các mối bận tâm lớn nhất. Tuy nhiên, cuộc điều tra năm nay đã mang đến các kết quả khác, đó là khủng hoảng mức sống gây ra bởi việc tăng giá năng lượng và thực phẩm đã trở thành nguy cơ lớn nhất.

Ngoài ra, báo cáo năm nay cũng nhận định, rằng tình trạng giá năng lượng và thực phẩm ở mức quá cao có thể sẽ vẫn duy trì trong 2 năm tới và trở thành đe doạ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nói cách khác, là tình trạng khẩn cấp ngắn hạn đã trở thành nguy cơ lớn nhất, thay cho tình trạng đe doạ về dài hạn.

Tổng Giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới, bà Saadia Zahidi đánh giá, thế giới đang rơi vào một vòng luẩn quẩn, khi lạm phát tiêu diệt sức mua, buộc các chính phủ gia tăng chi tiêu và gánh thêm nợ, làm xói mòn nền tảng tài chính công, gây ra khủng hoảng chính trị khi không còn đủ tiền đầu tư vào y tế, giáo dục, môi trường, làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, chênh lệch giàu nghèo và khi đó sẽ bùng nổ cùng lúc 3 cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị và xã hội.

Cộng thêm bối cảnh địa chính trị thế giới bất ổn nhất trong vài thập kỷ qua do xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng an ninh ở nhiều khu vực trên thế giới, các quan chức, chuyên gia của WEF đều nhận định rằng, WEF Davos 2023 diễn ra trong một bối cảnh bất ổn và nhiều nguy cơ nhất mà thế giới phải đối mặt trong vài thập kỷ.

Xuất phát từ chính các nhận định đó nên Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2023 mang chủ đề là “Hợp tác trong một thế giới phân mảnh” và sẽ có khoảng 250 phiên thảo luận, tập trung vào 5 nhóm chủ đề lớn, bao gồm: lạm phát, nợ công cao trong bối cảnh tăng trưởng giảm; các rủi ro địa chính trị trong thế giới đa cực mới; khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực; ứng dụng công nghệ tạo động lực tăng trưởng và cuối cùng là các chủ đề về xã hội như chính sách cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong hệ thống an sinh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Trần Hồng Hà dự kiến cũng sẽ tham dự phiên thảo luận chiều ngày 17/01 với chủ đề liên quan đến lương thực, năng lượng và nước. 

Xu hướng toàn cầu hóa đang dần bị thế chỗ

Đây chính là một trong những câu hỏi được đề cập đến đầu tiên tại WEF Davos 2023, với một phiên thảo luận mang tên “Phi toàn cầu hoá hay tái toàn cầu hoá?”, tổ chức vào sáng ngày 17/1.

Trong các tranh luận về toàn cầu hoá vài năm qua, giới phân tích thường hay nhắc đến một cột mốc tại chính Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, đó là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Davos 2017 và có một bài phát biểu hết sức đề cao chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại quốc tế cũng như các động lực của toàn cầu hoá.

Vào thời điểm đó, bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình được xem như tương phản với xu hướng bảo hộ, biệt lập chủ nghĩa mà Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi sau khi lên nắm quyền trước đó 1 năm. Tuy nhiên, các biến động lớn trong vài năm qua đang ủng hộ nhận định của những người cho rằng toàn cầu hoá đã đi đến hồi kết.

Cuộc chiến thương mại mà Mỹ phát động nhằm vào Trung Quốc từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump đến nay vẫn được ông Joe Biden duy trì và tiếp tục lan rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là cuộc chiến công nghệ. Giữa Mỹ và Trung Quốc ngày nay đang có những dấu hiệu chia cắt rất rõ nét, đặc biệt từ phía Mỹ, dù cả hai đều ý thức được rằng trong ngắn hạn điều này là bất khả thi.

Đại dịch COVID-19 và việc chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều lần đứt gãy cũng khiến nhiều nước phương Tây thay đổi chiến lược, tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở châu Á, ít nhất là trong các lĩnh vực chiến lược.

Ví dụ rõ nhất trong thời gian qua là các Đạo luật bán dẫn, Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ nhằm lôi kéo các công ty trong các ngành chiến lược như bán dẫn, pin ô-tô điện… đầu tư và dịch chuyển sản xuất về Mỹ.

Cách đây vài ngày, các nước Mỹ, Canada và Mexico cũng ký thoả thuận hướng tới việc sản xuất tại Bắc Mỹ ít nhất 20% các mặt hàng hiện đang phải nhập khẩu.

Một dấu hiệu khác của việc toàn cầu hoá ngày càng bị đe doạ, đó là vai trò mờ nhạt, gần như bị vô hiệu hoá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong vài năm qua khi phải giải quyết các tranh chấp của các nước thành viên. Do đó, có lí do để nói rằng toàn cầu hoá đang bị thế chỗ hoặc nói cách khác là toàn cầu hoá như chúng ta đã biết từ đầu thế kỷ 21 đang dần đi đến hồi kết, nhường chỗ cho những mô hình hợp tác kinh tế mới đang hình thành.

Quang Dũng(VOV-Paris)
Bình luận
vtcnews.vn