• Zalo

Những điểm du lịch hút khách không cần bay từ TP.HCM

Gia đìnhThứ Hai, 29/04/2024 06:24:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Không cần bay tốn kém, từ TP.HCM, chỉ cần di chuyển bằng tàu lửa hoặc ô tô vài tiếng đồng hồ, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt... đã giang tay đón bạn để khám phá.

Phan Thiết

Dịp nghỉ lễ 30/4 dài ngày, Phan Thiết (Bình Thuận) có lẽ là nơi được rất đông du khách chọn để trốn thời tiết nóng bức ở TP.HCM vì lợi thế chỉ cách trung tâm TP 200km. Địa phương này kết nối tiện lợi qua Quốc lộ 1A, cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết và có các chuyến tàu lửa chạy từ ga Phan Thiết - Sài Gòn.

Để đi Phan Thiết, nếu gia đình có ô tô riêng thì bất cứ giờ nào trong ngày, thậm chí đi đêm, bạn chỉ cần lái xe khoảng 3 tiếng đồng hồ tính từ trung tâm TP.HCM.

Phan Thiết cách TP.HCM chỉ 200 cây số là điểm du lịch rất được yêu thích. (Ảnh: TL)

Phan Thiết cách TP.HCM chỉ 200 cây số là điểm du lịch rất được yêu thích. (Ảnh: TL)

Còn nếu đi tàu lửa, bạn nhớ mua vé trước. Thời gian di chuyển bằng tàu lửa từ ga Sài Gòn đến Phan Thiết khoảng 4 giờ. Hàng ngày nhiều chuyến tàu Sài Gòn - Phan Thiết với nhiều khung giờ từ 6h sáng đến đêm khuya. Trong đó, 2 tàu SPT 2 và SPT4 sẽ xuất phát từ ga Sài Gòn đến ga Phan Thiết khung giờ 6h40 sáng và 18h30 chiều. 5 chuyến còn lại xuất phát từ ga Sài Gòn đến ga Mương Mán, và cần di chuyển về Phan Thiết thêm 30 phút, nên bạn cân nhắc ưu tiên tàu SPT.

Nếu đi xe khách thì hết sức tiện lợi vì bạn có thể xuất phát bất cứ thời điểm nào trong ngày với các thương hiệu xe quen thuộc như Phương Trang, Tâm Hạnh, Kumho…. Ở TP Thủ Đức, bạn chỉ cần 2h30 phút là tới Phan Thiết, còn nếu xuất phát từ trung tâm TP.HCM thì cần khoảng 3 tiếng đồng hồ.

Từ TP.HCM đi Phan Thiết chỉ khoảng 2,5-3 tiếng đồng hồ qua các tuyến cao tốc hiện đại. (Ảnh: Thy Huệ)

Từ TP.HCM đi Phan Thiết chỉ khoảng 2,5-3 tiếng đồng hồ qua các tuyến cao tốc hiện đại. (Ảnh: Thy Huệ)

Giá vé tàu lửa, xe khách từ TP.HCM đến Phan Thiết quanh mức 250.000 đồng.

Các điểm nghỉ dưỡng mát mẻ, trốn nóng hợp lý dịp 30/4 này là khu vực “thủ đô resort” dọc biển Hàm Tiến – Mũi Né từ Đá ông Địa đến Hòn Rơm. Bạn cũng có thể ở trung tâm TP Phan Thiết với loạt khách sạn có view nhìn ra bờ biển Thương Chánh và tham quan Mũi Né, hải đăng Kê Gà rất thuận lợi. Hoặc lựa chọn nghỉ ngơi tại khu vực phía Nam Phan Thiết với rất nhiều điểm lưu trú dọc biển, và trải nghiệm loạt trò chơi mạo hiểm, vui nhộn tại Novaworld Phan Thiết.

Với khách thích khám phá đảo Phú Quý thì đây là thời điểm lý tưởng ra đảo vì biển êm, hải sản rẻ và trái cây trên đảo như dưa hấu, xoài, mãng cầu đã vào mùa. Dịp nghỉ lễ này với thời gian “xông xênh” là lựa chọn hợp lý để bạn trải nghiệm khám phá đảo Phú Quý.

Nha Trang

Nha Trang (Khánh Hòa) cách TP.HCM khoảng 450 cây số với bãi biển đẹp, hàng loạt khu vui chơi nghỉ dưỡng nổi tiếng và hải sản ngon, đã là lựa chọn quen thuộc của du khách. Để đến điểm du lịch này, rất nhiều khách TP.HCM không chọn bay vì giá cao, lại bất lợi tốn thời gian di chuyển khá xa từ sân bay Cam Ranh về trung tâm TP Nha Trang. Đường bộ với tàu lửa và ô tô là lựa chọn “ổn áp” để giúp bạn giảm chi phí trong dịp lễ này.

Bờ biển đẹp, nước trong xanh là "đặc sản" của Nha Trang thu hút khách. (Ảnh: TL)

Bờ biển đẹp, nước trong xanh là "đặc sản" của Nha Trang thu hút khách. (Ảnh: TL)

Nếu đi tàu lửa thì thời gian di chuyển mất tầm 6 giờ 50 phút – 9 giờ 5 phút tùy chuyến tàu. Từ TP.HCM đi Nha Trang trong ngày có rất nhiều chuyến tàu để bạn chọn. Chuyến sớm nhất khởi hành từ 6h sáng và chuyến muộn nhất khởi hành lúc 20h30 hàng ngày. Giá vé tàu từ TP.HCM đến Nha Trang dao động 220.000 - 720.000 đồng.

Bạn muốn trải nghiệm những dịch vụ cao cấp thì nên chọn tàu Sài Gòn Nha Trang 5 sao (SNT2). Giá vé ở mức 340.000 - 636.000 đồng. Nếu chọn khung giờ 19h45 hoặc 20h30 thì rất hợp lý, bạn chỉ cần ngủ một giấc và sáng sớm hôm sau đã thoải mái hít hà mùi biển.

Là điểm du lịch nổi tiếng nên tuyến TP.HCM - Nha Trang có rất nhiều nhà xe khai thác. Du khách cũng thường chọn xe giường nằm đến Nha Trang vì tiện lợi, chi phí thấp với thời gian di chuyển khoảng 7 - 8  tiếng đồng hồ. Cũng như tàu lửa, du khách muốn tận dụng thời gian sẽ chọn đi vào khung giờ chiều tối hoặc đêm, để kịp đến nơi vui chơi vào sáng sớm.

Tàu lửa là phương tiện rất thuận lợi được khách chọn trong hành trình TP.HCM- Nha Trang. (Ảnh: TL)

Tàu lửa là phương tiện rất thuận lợi được khách chọn trong hành trình TP.HCM- Nha Trang. (Ảnh: TL)

Giá vé xe giường nằm TP.HCM - Nha Trang từ 270.000 - 550.000 đồng. Các hãng xe khai thác tuyến này có Phương Trang, Tâm Hạnh, Hạnh café, Trà Lan Viên, An Phúc, Liên Hưng, Cúc Tùng, Huỳnh Gia…

Một số địa chỉ vui chơi giúp bạn “chữa lành” những ngày nắng nóng này khi đến Nha Trang như Đảo Trí Nguyên - Đảo Bích Đầm, Bảo tàng Yersin, VinWonders Nha Trang, Hòn Tằm, Núi Cô Tiên, Đảo Khỉ - Hòn Lao, Bảo tàng Hải dương học… cùng nhiều trải nghiệm độc đáo tùy vào quỹ thời gian bạn có.

Đà Lạt

Đà Lạt (Lâm Đồng) là địa chỉ mà bất cứ du khách nào cũng muốn đến ít nhất vài lần, và đây chính là nơi đầu tiên nhiều người nghĩ đến để trốn nóng trong dịp lễ 30/4 này. Cách TP.HCM khoảng 310 cây số, đi lại tiện lợi nên khách du lịch từ TP.HCM thường chọn ô tô đến Đà Lạt để tiết kiệm thời gian, chi phí.

Có rất nhiều nhà xe khai thác TP.HCM-Đà Lạt và ngược lại. Phổ biến nhất hiện nay là Phương Trang, Kumho Samco, xe khách Amazing Limousine, Xe khách Amazing, Long Vân Limousine, The Sinh Tourist, Nguyễn Kim… với giá 250.000 - 450.000 đồng/vé, có loại limousine 700.000 đồng.

Đà Lạt là nơi chính là nơi đầu tiên nhiều người nghĩ đến để trốn nóng trong dịp lễ 30/4 này. (Ảnh: H.Linh)

Đà Lạt là nơi chính là nơi đầu tiên nhiều người nghĩ đến để trốn nóng trong dịp lễ 30/4 này. (Ảnh: H.Linh)

Cầu kính 7D ở Thung lũng Tình yêu - điểm check in mới hấp dẫn du khách trẻ đến Đà Lạt. (Ảnh: H.Linh)

Cầu kính 7D ở Thung lũng Tình yêu - điểm check in mới hấp dẫn du khách trẻ đến Đà Lạt. (Ảnh: H.Linh)

Dừng chân nơi nào ở Đà Lạt cũng khiến bạn thư thái bởi không khí trong lành, khí hậu mát mẻ và hoa trái rực rỡ. Để tránh chen lấn đông đúc những ngày này, bạn có thể chọn những địa điểm xa trung tâm thành phố một chút như Bảo tàng chocolate Đà Lạt. Nơi này mới ra mắt năm 2019 nhằm quảng bá thương hiệu chocolate từ ca cao Lâm Đồng.

Một số điểm đến như Ga xe lửa, The Florest Hoa Trong Rừng, Chika Farm, Lavender Túi Thương Nhớ, Khu du lịch Lavender hồ Tuyền Lâm… cũng rất đáng để bạn trải nghiệm dịp này. 

Phan Rang – Tháp Chàm

Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) cách TP.HCM khoảng 350 cây số, địa chỉ du lịch này gần đây rất được yêu thích và săn lùng. Khách TP.HCM thường chọn tàu lửa và ô tô để đến Phan Rang – Tháp Chàm. Nếu đi tàu lửa từ TP.HCM, bạn sẽ mất gần 6 tiếng đồng hồ sẽ đến ga Tháp Chàm.

Trung bình mỗi ngày có 7 chuyến tàu từ ga Sài Gòn về ga Tháp Chàm. Các chuyến cách nhau khoảng 3 tiếng đồng hồ, với giá vé từ 300.000-600.000đồng tùy thuộc vào loại ghế hoặc giường.

Nếu đi xe khách, các hãng xe được nhiều người lựa chọn hiện nay như Phương Trang, Hoàng Nhân, Liên Hưng, Thanh Vân, An Anh Limousine… Giá vé xe đi Phan Rang từ 250.000- 550.000 đồng/vé tùy dịch vụ.

Các vườn nho là "đặc sản" của Ninh Thuận mà du khách khó tìm được ở nơi khác. (Ảnh: B. Ngọc)

Các vườn nho là "đặc sản" của Ninh Thuận mà du khách khó tìm được ở nơi khác. (Ảnh: B. Ngọc)

Mùa này đến Phan Rang - Tháp Chàm, bạn tha hồ check-in sống ảo và thu hoạch kho hình đẹp vô tận từ bãi biển Ninh Chữ, bãi biển Bình Sơn, vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, làng gốm Bàu Trúc, vườn nho Ba Mọi, đồi cát Nam Cương…

Dịp 30/4 này, Ninh Thuận đang tổ chức nhiều lễ hội, song song với công bố quy hoạch tỉnh với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, ẩm thực sôi động tại TP Phan Rang- Tháp Chàm.

Tây Ninh

Tây Ninh là địa chỉ đang rất hút khách. Không chỉ ngày lễ mà du khách TP.HCM cuối tuần thường hành hương viếng chùa Bà trên núi Bà Đen.

Với khoảng cách dưới 100 cây số, nhiều khách TP.HCM chọn xe máy đi Tây Ninh. Với  những du khách không có xe cá nhân, có thể đi xe buýt, xe khách Phương Trang với rất nhiều chuyến trong ngày.

Xe bus hiện vẫn được nhiều người lựa chọn vì tiết kiệm nhất nhưng bất tiện là tốn nhiều thời gian.

Núi Bà Đen - ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ - điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến Tây Ninh.

Núi Bà Đen - ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ - điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến Tây Ninh.

Các tuyến xe buýt đi Tây Ninh từ TP.HCM gồm xe số 703 từ Bến Thành đi đến Mộc Bài, với thời gian khoảng 150 phút. Tại Mộc Bài, khách đi tiếp xe số 5 để đến TP Tây Ninh. Hoặc khách có thể đi xe buýt từ rất nhiều điểm trong thành phố đến Củ Chi và tiếp tục đi xe buýt từ Củ Chi đến Tây Ninh.

Một lựa chọn được ưu tiên hiện nay là xe khách Phương với giá vé từ 100. 000 đồng, bắt đầu từ 5h30 đến 18h40 mỗi ngày.

Ngoài ra, tuyến TP.HCM - Tây Ninh còn có rất nhiều xe khách 16, 24, 29 chỗ ngồi, và cũng có xe limousine chất lượng cao.

Gỏi bưởi - đặc sản độc đáo của Tây Ninh. (Ảnh: TL)

Gỏi bưởi - đặc sản độc đáo của Tây Ninh. (Ảnh: TL)

Hầu hết khách đến Tây Ninh sẽ đến núi Bà Đen, là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ với chiều cao 986m, nằm trong quần thể di tích văn hóa - lịch sử Tây Ninh.

Những điểm có thể ghé thăm khi đến Tây Ninh như hồ Dầu Tiếng, Tòa thánh Tây Ninh, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Thung lũng Ma Thiên Lãnh… Các cơ sở sản xuất bánh tráng, làm muối sẽ là những điểm đến trước khi quay về TP.HCM.

Ẩm thực Tây Ninh thì không cần phải bàn, bạn nhớ thưởng thức bò tơ nướng, bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc rau rừng, bánh canh Trảng Bàng, gà nướng, thằn lằn núi Bà Đen…

Cần Thơ

Từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ hơn 170km, bạn mất khoảng 3 giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô hoặc có thể tự chạy xe máy tầm hơn 4 giờ đồng hồ là có thể khám phá các địa điểm nổi tiếng và ẩm thực ở đây.

Giá xe khách khoảng 150.000 đồng - 220.000 đồng, tùy dịch vụ.

Đến Cần Thơ, địa điểm mà bạn không thể bỏ lỡ chính là chợ nổi Cái Răng. Chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng, cách bến Ninh Kiều 30 phút đi thuyền, được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX. Khu chợ này chủ yếu buôn bán các loại trái cây, nông sản, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đến chợ nổi du khách không chỉ tham quan các xuồng trái cây, nông sản mà còn được trải nghiệm các món phở, món nhậu, hủ tiếu, cà phê ngay trên thuyền. Năm 2016, chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Một góc chợ nổi Cái Răng. (Ảnh minh họa: VOV)

Một góc chợ nổi Cái Răng. (Ảnh minh họa: VOV)

Chợ thường hoạt động từ mờ sáng nên bạn phải dậy sớm nếu muốn tận hưởng trọn vẹn không khí nhộn nhịp trên chợ. Thời gian lý tưởng nhất để đi chợ nổi là khoảng từ 5h - 7h.

Ngoài ra bạn có thể khám nhà cổ Bình Thủy - ngôi trăm tuổi này được coi là một trong những công trình có lối kiến trúc đẹp nhất miền Tây.

Một địa điểm không thể bỏ qua là Bến Ninh Kiều. Ở đây bạn có thể ngắm trọn vẹn cầu Cần Thơ hoặc đi bộ dạo bước ở cầu tình yêu. Bạn có thể mua vé lên một chiếc du thuyền để có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của bến Ninh Kiều về đêm. Tại đây bạn có thể khám phá chợ đêm với nhiều món ngon pizza hủ tiếu, bún gỏi dà, gỏi tôm trứng, vịt nấu chao... cũng như đồ lưu niệm, quần áo. 

Tại Cần Thơ bạn cũng có thể ghé thăm Đền Hùng, lò hủ tiếu ba đời, vườn cò Bằng Lăng...

Hà Linh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn