Trước khi COVID-19 xuất hiện, ngành y tế thế giới từng phải đối phó với nhiều đại dịch nguy hiểm và có khả năng lây lan cao như dịch hạch, dịch cúm Tây Ban Nha, bệnh vàng da,... Trong lịch sử, các y bác sĩ đã sử dụng phương pháp phòng ngừa tương tự với COVID-19 để xử lý các bệnh truyền nhiễm này - bao gồm khử trùng, giãn cách xã hội, sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân (PPE),...
Trong số đó, cách ly luôn là một trong những biện pháp hàng đầu nhằm ngăn chặn dịch bệnh và hạn chế thiệt hại về người. Ở cuộc chiến chống dịch thì ngay cả những khu kiến trúc tráng lệ, những địa điểm thơ mộng nhất cũng được trưng dụng làm cơ sở cách ly.
"Hòn đảo cách ly" của Venice, Italy
Có thể nói, Venice là thành phố tiên phong trong công cuộc ứng phó với bệnh truyền nhiễm.
Phương pháp di chuyển phổ biến nhất để tới Venice là qua đường thủy. Vào thế kỷ 15, vô số tàu thuyền từ các khu vực thuộc mạng lưới thương mại Địa Trung Hải rộng lớn đổ về Venice, đem theo hàng hóa và cơ hội giao thương giúp thành phố trở nên giàu có. Tuy nhiên, những thủy thủ đoàn này không chỉ mang lại cho Venice lợi nhuận, họ còn mang theo mình cơn ác mộng của con người thời đó - bệnh dịch hạch.
Vào năm 1468, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền địa phương Venice đã xây dựng cơ sở cách ly lại Lazzaretto Nuovo - hòn đảo nằm ở cửa ngõ nơi các tàu đến từ phương Đông phải đi qua trước khi tiến vào thành phố. Tất cả thủy thủ đoàn qua đây đều phải cách ly bắt buộc 40 ngày theo quy định kiểm dịch.
Địa điểm được sử dụng làm cơ sở cách ly là tòa nhà lịch sử lớn thứ ba ở Venice. Khu kiến trúc dài 100 m với thiết kế mái vòm được đục lỗ để cung cấp không khí trong lành, cũng như ánh sáng tự nhiên. Vào thời điểm dịch hạch hoành hành, tòa nhà là nơi ở của cộng đồng gồm người bị cách ly và các giám sát viên. Khu cách ly chủ yếu hoạt động theo cách “tự cung tự cấp”.
Trong hơn một tháng trời phải sống biệt lập, thành viên từ các thủy thủ đoàn thường giải tỏa tâm trạng bằng cách viết. Họ viết về đủ mọi chủ đề như các sự kiện chính trị, cuộc bầu cử lãnh đạo ở Venice vào năm 1585, thậm chí một số người còn để lại những lời nguyền rủa. Ngày nay, những dòng chữ được viết bằng sơn đỏ vẫn còn in dấu trên các bức tường của khu cách ly Lazzaretto Nuovo.
Trong thời gian cách ly, hàng hóa của các đoàn thương nhân sẽ được khử trùng bằng cách xông khói với cành cây bách xù và hương thảo. Sau đó, chúng được lưu giữ tại kho để chờ chủ nhân nhận lại.
Nhà thám hiểm người Ý Giacomo Casanova từng viết về trải nghiệm thăm Venice trong một cuốn tự truyện. Trong đó, ông cho biết mình không dám tiến vào Venice mà chỉ đến phòng khách của Lazzaretto Nuovo vì lo ngại quy trình kiểm dịch. Tại đây, khách tới thăm có thể trò chuyện với bất kỳ ai trong khu cách ly, nhưng hai người sẽ bị ngăn cách bởi một tấm lưới và phải giữ khoảng cách 2 m.
Venice đã xây dựng một bảo tàng tại hòn đảo Lazzaretto Nuovo - nơi lưu trữ tất cả tài liệu liên quan đến bệnh dịch hạch và các phát hiện khảo cổ được thực hiện trên đảo.
Tòa nhà quốc hội Andalusia, Tây Ban Nha
Trong khoảng thời gian từ năm 1918-1919, đại dịch cúm xuất phát từ Tây Ban Nha cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Một trong những nỗ lực nhằm hạn chế số nạn nhân căn bệnh này là quy định cách ly 21 ngày.
Khách du lịch người Anh Alexander Kinglake đã chia sẻ trải nghiệm băng qua biên giới giữa các đế quốc Áo-Hung và Ottoman. Trong chuyến đi, quy định cách ly nghiêm ngặt của Tây Ban Nha đã để lại cho ông ấn tượng sâu sắc: “Nếu bạn dám vi phạm luật kiểm dịch, bạn sẽ nhanh chóng bị xét xử bằng biện pháp quân sự”.
Theo lời kể của ông Kinglake, những người chống lại các biện pháp kiểm dịch thậm chí có thể bị xử tử.
Vào thế kỷ 16, Tây Ban Nha xây dựng nhiều cơ sở cách ly ở các địa điểm trên toàn quốc. Trong đó, ấn tượng nhất là tòa nhà quốc hội của tỉnh Andalusia. Cơ sở này có tới 9 sân cùng dãy phòng thiết kế sang trọng với trần cao, cửa sổ lớn giúp nơi ở thông thoáng và có điều kiện ánh sáng tốt. Đến nay, hệ thống thông gió tại tòa nhà này vẫn được khuyến khích sử dụng cho các cơ sở y tế mới.
Đến thế kỷ 17, có tới gần 27.000 bệnh nhân buộc phải ở lại nơi này, hơn 90% trong số họ không thể qua khỏi.
Hiện tòa nhà quốc hội Andalusia đã trở thành một điểm tham quan nổi tiếng nhờ thiết kế tinh xảo được gìn giữ cẩn thận qua năm tháng. Khách đến thăm sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng khu kiến trúc “sang trọng tới mức đáng kinh ngạc” với cổng vào, hành lang, sân trong lát đá và gần 300 cột trụ hoàn toàn bằng đá cẩm thạch.
Pháp cải tạo khu cách ly thành khách sạn 5 sao
Rời khỏi Andalusia, du khách có thể khám phá một khu cách ly lịch sử khác cũng lộng lẫy không kém. Đó là bệnh viện cũ dành cho bệnh nhân dịch hạch ở Marseilles, Pháp - nơi đã được cải tạo thành khách sạn 5 sao InterContinental Marseille. Khách sạn nằm trên sườn đồi nhìn ra bến cảng của Marseilles, cung cấp cho khách dừng chân một tầm nhìn tuyệt đẹp. Đa số kiến trúc của khu cách ly cũ vẫn được giữ lại: phòng ở có trần cao, ban công rộng và thoáng mát được bố trí bàn ghế để nghỉ ngơi.
Trên đảo Ratonneau, chỉ cách Marseilles một chuyến phà ngắn, là bệnh viện Caroline 1822-28. Đây là nơi được trưng dụng làm cơ sở kiểm dịch trong đại dịch sốt vàng da. Caroline 1822-28 nằm trên một trên vách đá cao, thông thoáng và biệt lập. Du khách ưa thích khám phá địa điểm này do bệnh viện có tầm nhìn ra nhà tù kiên cố khét tiếng Chateau d'If của Pháp.
Tuy nhiên, cơ sở cách ly của đảo Ratonneau không lưu giữ được kiến trúc hoàn chỉnh do địa điểm này bị đánh bom vào năm 1941. Hiện chính quyền địa phương đang tiến hành tu sửa bệnh viện.
Bình luận