Trước khi làm lễ thoái vị, trao lại quyền điều hành cho Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chiều 30/8/1945 thì điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế được vua Bảo Đại chọn là nơi tiếp xúc với phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị. (Ảnh Tư liệu).
Tiếc là năm 1947, do chiến tranh, điện Kiến Trung gần như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng. (Ảnh: Lê Chung)
Sau 72 năm tồn tại ở dạng phế tích, ngày 16/2/2019, di tích điện Kiến Trung được khởi công tu bổ, phục hồi và tôn tạo với tổng kinh phí hơn 123 tỷ đồng. Việc tu bổ, phục hồi được hoàn thành vào cuối năm 2023. (Ảnh: Lê Hoàng)
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cùng với điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái thì điện Kiến Trung một trong 5 công trình độc đáo và quan trọng nằm trên trục thần đạo của Tử Cấm thành - Đại Nội Huế thời nhà Nguyễn. (Ảnh: Lê Hoàng)
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, điện Kiến Trung là công trình có quy mô lớn nhất được nghiên cứu phục hồi. (Ảnh: Lê Hoàng)
Theo Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Thừa Thiên - Huế, việc trùng tu khôi phục điện Kiến Trung có ý nghĩa rất lớn, khẳng định năng lực của Thừa Thiên - Huế trong trùng tu, bảo tồn di sản của kiến trúc cung đình Huế. (Ảnh: Lê Hoàng)
Sau khi được phục hồi, điện Kiến Trung cũng trở thành nơi hút khách du lịch bậc nhất trong cụm di tích Hoàng thành Huế. (Ảnh: Lê Hoàng).
Di tích này cũng được chọn là nơi khai mạc, bế mạc cũng như nhiều chương trình quan trọng tại sự kiện Tuần lễ nghệ thuật quốc tế Festival Huế 2024 với chủ đề "Rạng rỡ ngàn sau" và nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế. (Ảnh: Lê Hoàng)
Chiều 30/8/1945, Ngọ Môn (Đại Nội Huế) trở thành nơi đánh dấu một thời khắc lịch sử khó quên khi vua Bảo Đại chọn làm địa điểm làm lễ thoái vị, trao ấn và kiếm - biểu tượng quyền lực của vương triều Nguyễn, cho đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. (Ảnh: Lê Hoàng)
Sau 75 năm, Ngọ Môn vẫn tiếp tục được bảo vệ khoa học và trở thành hình ảnh biểu tượng của Cố đô Huế cùng với cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ... (Ảnh: Lê Hoàng)
Ngọ Môn Huế ngày nay cũng là nơi tái hiện nhiều nghi lễ quan trọng triều Nguyễn xưa như Lê Ban Sóc, Lễ Đổi Gác... thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước trải nghiệm. (Ảnh: Lê Hoàng)
Ở Thừa Thiên - Huế hiện còn nhiều địa danh mang đậm dấu ấn Cách mạng Tháng 8 năm 1945 như Nhà lưu niệm Xứ ủy Trung kỳ; đình Bàn Môn, đình Hòa Phong, đình Hiền Sỹ, chợ Viễn Trình, chợ Mỹ Lợi, đình An Cựu, nhà ông Lê Tư Minh, nhà máy vôi Long Thọ, nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu, bến đò Vĩnh Tu, đầm Cầu Hai...
Bình luận