Trong nhiều tháng qua, Ukraine và các đối tác phương Tây đã thảo luận về kế hoạch tiến hành cuộc tấn công lớn trong mùa Xuân, nhằm giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga và phe ly khai kiểm soát. Hiện giờ, khi đà tiến của Nga trên chiến trường đang chững lại, có nhiều đồn đoán cho rằng cuộc phản công của Ukraine sắp bắt đầu.
Nhưng rủi ro đối với Ukraine là rất lớn. Kiev cần phải chứng minh họ có thể sử dụng tốt xe tăng, xe bọc thép, pháo và tên lửa do phương Tây cung cấp để đẩy lùi Nga. Ukraine được cho là sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh Nga đã dành thời gian dài để đào hào và xây dựng các công sự nhằm củng cố tuyến phòng thủ tại các khu vực họ đang kiểm soát. Chưa kể, cả Nga lẫn Ukraine đều chịu thương vong nặng nề sau các cuộc giao tranh ở miền Đông, đặc biệt là vùng “chảo lửa” Bakhmut.
Nhiều suy đoán về cuộc phản công Ukraine
Ukraine không công bố kế hoạch phản công của nước này để bảo mật thông tin, nhưng họ có thể “đáp trả các lực lượng Nga trong những tuần tới”, tờ Wall Street Journal dự đoán.
Trả lời phỏng vấn tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine đang chờ các đối tác cung cấp thêm vũ khí và đạn dược trước khi phát động cuộc phản công. Đánh giá về kế hoạch phản công của Ukraine, một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi và cho rằng quân đội Ukraine có thể đưa ra ý tưởng này để khiến Nga lo lắng và buộc họ phải dàn mỏng lực lượng dọc theo chiến tuyến để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp bị tấn công thay vì tập trung lực lượng tại những địa điểm cụ thể, chẳng hạn như thành phố Bakhmut ở phía Đông.
Nhưng nhiều chuyên gia khác nhấn mạnh, Ukraine sẽ không “nói suông”. Ông Mick Ryan, cựu tướng quân đội Australia nhận định: “Sẽ không chỉ có một cuộc tấn công lớn mà có thể có rất nhiều cuộc tấn công khác nhau. Điều này là do Ukraine có cơ hội tấn công cả ở phía Đông và phía Nam. Nhưng cũng không loại trừ khả năng Ukraine muốn đánh lạc hướng Nga giống như những gì họ đã thực hiện trong cuộc phản công vào mùa Thu năm 2022”.
Hiện chỉ có 3 nhân vật biết rõ nhất về kế hoạch tấn công của Ukraine gồm: Tổng thống Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng nước này và Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết trên mạng xã hội. Bà Hanna Malyar viết: “Hãy dừng đặt câu hỏi cho các chuyên gia về cuộc phản công, dừng các bài viết về chủ đề này và ngừng thảo luận công khai về kế hoạch quân sự của chúng tôi”.
Thời gian là yếu tố quan trọng nhất
Ông Mick Ryan cho rằng, thời gian là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc phản công. Điều cần cân nhắc là thời tiết ẩm ướt và bùn lầy trong mùa Xuân sẽ gây khó khăn cho xe tải, xe tăng lực lượng bộ binh và các phương tiện khác của Ukraine khi di chuyển. Hơn nữa, Ukraine phải chờ cho đến khi các lực lượng của họ hoàn thành khóa huấn luyện ở nước ngoài và sẵn sàng chiến đấu, khi phương tiện, vũ khí của phương Tây được chuyển giao hoàn toàn và khi cơ hội “gõ cửa”.
“Tình báo Ukraine cần theo dõi chặt chẽ sức mạnh, tinh thần của quân đội Nga, dự trữ đạn dược, vũ khí cùng nhiều vấn đề khác để nắm được sơ hở của họ”, ông Ryan lưu ý. Theo nhà phân tích này, cuộc phản công của Ukraine có thể diễn ra sớm hơn so với dự đoán.
Kịch bản phù hợp nhất với Ukraine là tiến về phía đông nam, đi qua Zaporizhzhia, tới Melitopol và Biển Azov, cắt đứt cây cầu trên đất liền kết nối bán đảo Crimea với lục địa Nga và cắt đứt các tuyến tiếp tế của Moskva tới các vị trí xa hơn ở phía tây, Phillips O'Brien – Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland nhận định. Nhưng Nga đã chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công như vậy bằng cách xây dựng các công sự phòng thủ kiên cố ở Zaporizhzhia. “Thành công hay thất bại sẽ phụ thuộc vào việc liệu Nga có để lộ điểm yếu hay không và liệu Ukraine có thể khai thác sơ hở của đối phương hay không”.
Những dấu hiện cho thấy cách thức phản công của Ukraine
Ukraine vẫn giữ bí mật về kế hoạch hành động nhưng một số dấu hiệu có thể dự báo trước cách thức phản công của họ, chẳng hạn như những loại vũ khí và các đợt huấn luyện mà phương Tây đã và đang cung cấp cho họ trong thời gian gần đây. Theo Wall Street Journal, nhiều nhóm binh sỹ Ukraine đã được đào tạo về cách thức sử dụng vũ khí và xe tăng mới của phương Tây tại một số nước châu Âu, cũng như cách sử dụng các loại vũ khí đó phối hợp với đơn vị pháo binh, bộ binh cùng nhiều khí tài khác trong chiến lược tác chiến kết hợp.
Wall Street Journal cho rằng, Ukraine sẽ “không thể tiến hành một cuộc tấn công theo kiểu NATO” do thiếu hụt máy bay chiến đấu và chưa giành được quyền kiểm soát bầu trời. Do vậy, thay vì tiến hành các cuộc không kích, họ có thể thực hiện một cuộc tấn công lớn hoặc nhiều cuộc tấn công nhỏ sử dụng vũ khí chính xác trên mặt đất, như lựu pháo M777 hoặc HIMARS, hay phóng tên lửa tầm xa.
Wall Street Journal dự đoán, sau các cuộc tấn công bằng pháo binh và tên lửa, lực lượng bộ binh Ukraine sẽ tiến lên với số lượng lớn. Họ có thể huy động xe tăng tiến lên phía trước, theo sau là hàng chục xe chiến đấu bọc thép và phương tiện chở quân có thể vận chuyển lính bộ binh để tấn công và kiểm soát thổ hoặc đối phó với bộ binh Nga.
Khác với giai đoạn đầu, ở giai đoạn này, quân đội Ukraine sẽ phải vượt qua các chướng ngại vật dày đặc hơn mà Nga dựng nên ở phía Đông và phía Nam được thiết kế để đẩy đối phương vào những khu vực dễ bị tấn công, cũng như làm chậm hoặc phá vỡ sự gắn kết của các đợt phản công mà Kiev thực hiện.
Vũ khí mới của phương Tây có tạo ra sự khác biệt?
Theo giới quan sát, các loại vũ khí hiện đại mà phương Tây chuyển giao cho Ukraine có thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường và mang lại lợi thế cho Ukraine nhưng không rõ Kiev sẽ duy trì được lợi thế đó trong bao lâu.
Ông Ryan cho rằng, trong trường hợp Ukraine tiếp nhận đầy đủ và kịp thời các loại vũ khí do NATO cung cấp như xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo binh, phương tiện chiến đấu bộ binh cùng nhiều thiết bị khác thì điều này sẽ đặt ra thách thức lớn với Nga trong việc giữ vững các vùng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát.
Các chiến hào, xe tăng, tuyến phòng thủ răng rồng, mìn và nhiều chướng ngại khác do Nga thiết lập sẽ khiến lực lượng của Ukraine đối mặt với nhiều nguy hiểm và tiến lên một cách chậm chạp, nhưng một gói viện trợ của Mỹ trong thời gian gần đây với rất nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại có thể làm giảm bớt gánh nặng cho họ.
Cựu chỉ huy quân đội Mỹ John Nagl cho rằng nếu Ukraine có thể xuyên thủng các tuyến phòng thủ này và đột nhập vào khu vực phía sau của Nga, họ có thể đẩy lùi được đối phương và giành lại một số khu vực đã mất.
Mục tiêu của phương Tây cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine là giúp Kiev tạo ra lợi thế áp đảo trên chiến trường, nhằm buộc Tổng thống Putin phải tiến tới bàn đàm phán hòa bình và chấp nhận với các điều kiện của Ukraine, Wall Street Journal nhận định. “Nhưng có rất ít quan chức phương Tây tin tưởng xung đột sẽ sớm chấm dứt. Một số người thậm chí còn cho rằng, ngay cả khi được cung cấp vũ khí mới, các lực lượng Ukraine khó có thể đạt được lợi thế trên chiến trường ở mức độ quyết định để có thể giành lại tất cả các vùng lãnh thổ bị mất”.
Bình luận