• Zalo

Những dấu hiệu cơ thể ‘tố cáo’ bệnh ung thư phổi

Sức khỏeThứ Tư, 01/05/2019 11:49:00 +07:00Google News

Người bị ung thư phổi thường ho nhiều, ho ra máu, ho có đờm, sụt cân và khó thở.

Theo các chuyên gia, ung thư phổi là 1 trong số những bệnh ung thư phổ biến nhất hiện nay. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, cứ 5 người chết vì ung thư thì có một người mắc ung thư phổi.

Hiện thế giới có khoảng 1,8 triệu người mắc ung thư phổi mỗi năm, trong đó 1,6 triệu người chết vì căn bệnh này (tương đương với mỗi phút trôi qua sẽ có 3 người chết). Con số này cao hơn số người chết của 3 loại ung thư là ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng.

ung thu phoi di can

 Ung thư phổi là căn bệnh có tỷ lệ chết người cao. (Ảnh: Soha)

Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp ở cả nam và nữ, đây cũng là nguyên nhân gây chết người hàng đầu.

Mỗi năm, nước ta có khoảng 114.871 người chết do ung thư, trong đó, ung thư phổi có số người chết cao nhất 41,1/100.000 người. Bệnh có xu hướng gia tăng và xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi do thói quen hút thuốc lá.

Những dấu hiệu của bệnh ung thư phổi

Theo GS Nguyễn Bá Đức – nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, những ai thường xuyên bị đau tức ngực, ho kéo dài nhiều ngày, ho ra máu, sụt cân, khó thở, dù đã điều trị nhưng không giảm thì có nguy cơ cao đã mắc ung thư phổi.

Cụ thể, khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có các triệu chứng như: đau xương sườn (di căn xương), đau xương sống, mệt mỏi, sút cân hay đau đầu (bệnh di căn não)…

ung thu phoi

 Người có thói quen hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 10 lần người không hút.

Đa số người mắc ung thư phổi thường có tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm, hóa chất độc hại hay sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích. Trong đó, có tới 90% người bị ung thư phổi do hút hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá lâu năm. Như vậy, người có thói quen hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 10 lần so với người bình thường.

Theo giáo sư Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai điều trị ung thư phổi ở giai đoạn sớm có thể phẫu thuật. Ở những giai đoạn bệnh muộn hơn, khi tình trạng ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở ngực, điều trị thường sẽ bao gồm hóa trị và xạ trị.

Tuy nhiên, điểm yếu của hóa xạ trị là thời gian sống của bệnh nhân ngắn, chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề vì phải chịu nhiều tác dụng phụ, người bệnh mệt mỏi, mất niềm tin và không tích cực phối hợp điều trị.

Vì vậy, để ngăn ngừa và chẩn đoán sớm ung thư phổi, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, qua đó tầm soát ung thư phổi và chụp phổi 6 tháng/lần để phát hiệu những dấu hiệu lạ, nhất là đối với những nam giới tuổi trên 50 có tiền sử hút thuốc lá.

Ngoài ra, người dân cũng nên tự tập cho mình một lối sống lành mạnh, ăn uống có nhiều rau xanh, trái cây tươi, khoáng chất, tránh xa rượu bia, khói thuốc lá hay môi trường không khí, hóa chất độc hại và tập thể dục, rèn luyện thể thao thường xuyên để có một thể trạng tốt, chống chọi với bệnh tật.

Video: Diễn viên Mai Phương phục hồi nhanh sau khi mắc ung thư phổi di căn

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn