Lần đầu tiên, một người Việt được tạp chí Forbes xướng tên trong danh sách các tỉ phú trên thế giới với khối tài sản khoảng 1,5 tỉ USD. Người đó là Phạm Nhật Vượng, ông chủ Vingroup, tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Ông Phạm Nhật Vượng - Ảnh: Đức Duy
Nhưng khác với hầu hết các doanh nhân, Phạm Nhật Vượng hầu như chưa bao giờ trực tiếp xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Mọi việc liên quan đến Vingroup đều có người khác phát ngôn. Rất nhiều thời điểm, báo chí "phát cuồng" tìm cách tiếp cận ông.
Tôi - "cậy" quen biết - cũng nhiều lần muốn phỏng vấn ông nhưng đều bị những người làm đối ngoại của Vingroup "loại" từ vòng đề xuất. Phạm Nhật Vượng, lạ là vậy.
Vingroup được “định giá” khoảng 3 tỉ USD với hàng chục dự án bất động sản cao cấp trải dài trên cả nước. Năm 2013, Vingroup chính thức lấn sân sang lĩnh vực giáo dục, bán lẻ với những dự án bài bản, chuyên nghiệp, nên việc ông chủ của tập đoàn này chính thức xuất hiện khi được vinh danh là tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam đã vẽ lên bức tranh kinh tế một nét lạc quan, tươi mới.
'Vua' cáp treo
Đầu tháng 11.2013 tại Lào Cai, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát lệnh khởi công dự án xây dựng hệ thống cáp treo phục vụ du khách tham quan từ Sapa đi thung lũng Mường Hoa và đỉnh Fansipan.
Ông Lê Viết Lam
Dư luận tò mò, truyền thông cũng tò mò tìm hiểu và một đại gia "quen mà lạ" nữa đã chính thức lộ diện với tên gọi mới "Vua cáp treo tại Việt Nam". Đó là Lê Viết Lam, ông chủ Sun Group.
Gọi Lê Viết Lam là "vua cáp treo" hoàn toàn chính xác, bởi trước dự án cáp treo duy nhất trên thế giới không cần hệ thống cứu hộ thông thường nói trên, Lê Viết Lam và Sun Group cũng đã là chủ đầu tư của dự án Cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng).
Dự án này, theo xác nhận của Hiệp hội Cáp treo thế giới, đã lập 2 kỷ lục Guinness. Đó là tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62 m) và có cao độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81 m). Tổng kinh phí đầu tư cho công trình gần 300 tỉ đồng, là cáp treo có kinh phí xây dựng lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.
Điểm qua các dự án mà Sun Group và các công ty thành viên đầu tư cho thấy Lê Viết Lam thực sự là tên tuổi lớn trong danh sách các đại gia Việt hiện nay.
Chủ thương vụ máy bay gần chục tỉ USD
Ông Nguyễn Thanh Hùng Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Ảnh: Đức Duy
Mặc dù phía VietJetAir đã giải thích khá rõ ràng “làm thế nào để có 9,1 tỉ USD mua máy bay”, nhưng dư luận vẫn đặt nhiều dấu hỏi xung quanh vấn đề này. Một cuộc săn tìm đại gia đứng sau thương vụ "tỉ đô" đã được mở ra. Người ta lục vào danh sách các cổ đông lớn để tìm dấu vết và cuối cùng, một đại gia nữa chính thức lộ diện.
Đó là chủ nhân của Tập đoàn tư nhân Sovico Holdings, cổ đông lớn nhất của VietJetAir - vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch điều hành Sovico Holdings. Trên thực tế, Sovico Holdings không phải là cái tên xa lạ với giới đầu tư, nhưng vị thế, nguồn lực của tập đoàn này lộ ra qua thương vụ khủng nói trên mới chính là sự bất ngờ lớn với nhiều người.
Nhưng thương vụ mua máy bay chỉ là "cột mốc" đánh dấu sự xuất hiện của cặp vợ chồng doanh nhân nói trên trong danh sách các đại gia của Việt Nam. Còn thực ra, "lý lịch" đầu tư của họ trước đó cũng rất "hoành tráng".
Họ đều là những doanh nhân tài năng, chuyên nghiệp; những dự án của họ là điểm sáng giúp bức tranh kinh tế năm 2013 bớt gam màu trầm, tạo ra sự hứng khởi, niềm hy vọng về một lớp doanh nhân thành đạt đủ tâm và tầm để sánh vai với các doanh nhân trên thế giới.
Bình luận