Dịch hạch
Bệnh gây ra bởi trực khuẩn Yersinia pestis lưu hành trong quần thể các loài gặm nhấm đào hang, trong đó có chuột và bọ chét sống ký sinh trên chuột.
Các triệu chứng ban đầu là sốt cao, đổ mồ hôi, gặp vấn đề tiêu hóa, người bệnh sau đó nổi hạch màu xanh đen trên người, đặc biệt ở nách và háng. Nếu không được trích bỏ kịp thời, hạch sẽ hóa mủ, tự vỡ, chảy dịch, người bệnh tử vong vì nhiễm độc. Song, trích hạch cũng rất nguy hiểm đến tính mạng, hơn thế có thể khiến nguồn bệnh lây lan trong không khí.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đây là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm bởi tốc lây lan mạnh, tỷ lệ thiệt mạng cao (trên 70%) và diễn tiến nhanh. Dịch hạch từng làm rung chuyển châu Âu vào thế kỷ 14. Dịch hạch lần đầu tiên được ghi nhận là ở Justinian (năm 541-542) cướp đi sinh mạng khoảng 5.000 người châu Âu, Bắc Phi và Nga.
Ngày nay, dịch hạch vẫn được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử y khoa, dù đã có vắcxin phòng bệnh.
Đậu mùa
Bệnh đậu mùa do virus variola gây ra, dễ dàng lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc. Bệnh được đánh giá rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong 30%. Người sống sót sẽ bị biến chứng do nhiễm trùng như sẹo, viêm khớp, mù lòa.
Bệnh đậu mùa được cho là xuất hiện lần đầu khoảng 12.000 năm trước. Chứng tích xưa nhất của bệnh đậu mùa là những vết mụn mủ trên xác ướp của Pharaon Ramses V thời Ai Cập cổ đại. Vào thế kỷ thứ 6, căn bệnh đã có mặt tại châu Âu, châu Á và châu Phi. Cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, thực dân châu Âu câm chiếm châu Mỹ mang theo virus đậu mùa và lây lan tại châu lục này. Ước tính, khi ấy gần 90% người Mỹ bản địa tử vong do bệnh đậu mùa, nhiều hơn rất nhiều so với số người Mỹ chết trong chiến tranh thời trung cổ.
Căn bệnh đã giết chết khoảng 400.000 người dân châu Âu mỗi năm trong những năm cuối thế kỷ 18, trong đó có 5 quốc vương đương tại vị. Cuối năm 1960, dịch đậu mùa hoành hành tại châu Á và châu Phi, khoảng 2 triệu ca tử vong mỗi năm.
Thế kỷ 18, bác sĩ Edward Jenner, Anh, tìm ra vắcxin phòng đậu mùa. Năm 1800, tiêm chủng phổ biến ở hầu hết các nước châu Âu, sau đó lan rộng ra toàn thế giới, đẩy lùi đại dịch. WHO chính thức tuyên bố xóa sổ dịch bệnh đậu mùa vào năm 1979.
Bại liệt
Ngày nay, bại liệt là căn bệnh hiếm gặp. Trước khi Jonas Salk phát triển vắcxin bại liệt năm 1957, bệnh dễ dàng lây lan qua phân hoặc nước bọt, trở thành một trong những vấn nạn sức khỏe cộng đồng đáng sợ nhất thế giới. Năm 1952, Mỹ chứng kiến đợt bùng phát tồi tệ nhất với gần 58.000 ca nhiễm, 3.145 người chết, 21.269 người sống sót với di chứng bại liệt.
Bệnh bại liệt thường không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi các triệu chứng xuất hiện, cơ thể người bệnh sẽ suy nhược rất nhanh, cơ thể tê liệt, phải thở máy hay phổi sắt mới có thể hô hấp bình thường. Bệnh nhân bị liệt sau khi nhiễm virus bại liệt không thể hồi phục trở lại.
Lao
Lao là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp chết người, có hai thể: lao tiềm ẩn và lao hoạt động. Lao tiềm ẩn không lây nhiễm, hệ miễn dịch của con người có thể tự chống lại bệnh. 1/3 dân số thế giới mắc lao tiềm ẩn.
Những người có hệ miễn dịch kém có thể mắc lao hoạt động. Các triệu chứng gồm ho dai dẳng, đau ngực dữ dội, đổ mồ hôi vào ban đêm, chán ăn.
Đầu thế kỷ 19, ước tính cứ 7 người lại có một người chết vì bệnh lao. Nguyên nhân gây bệnh thời đó chưa được xác định, người dân thường đến các bệnh xá và tin rằng nghỉ ngơi, hít thở không khí sạch tại các bệnh xá sẽ khiến bệnh thuyên giảm.
Giữa những năm 1800, một số lượng lớn bò sữa nhiễm bệnh lao bò, khiến sữa bò bị nhiễm khuẩn.
Năm 1882, bác sĩ người Đức Robert Kock phát hiện nhiều trẻ sơ sinh tử vong có liên quan đến sữa bò nhiễm trùng. Sữa bò là trung gian lây lan nhiều mầm bệnh, trong đó có lao. Phương pháp thanh trùng sữa cũng ra đời trong khoảng thời gian này, giúp giảm đáng kể số ca nhiễm lao do uống sữa bò.
Sốt rét
Sốt rét là bệnh lây lan từ người qua người bởi muỗi nhiễm ký sinh trùng. Sau khi bị muỗi đốt, ký sinh trùng từ muỗi theo đường máu tấn công phổi con người, rồi sinh sản trong phổi, gây ra các triệu chứng như sốt cao, run rẩy, ớn lạnh, đau người. Trường hợp nguy hiểm, người bị sốt rét có thể bất tỉnh hoặc tử vong. Sốt rét là một trong những bệnh gây chết người nhiều nhất trên thế giới. Năm 2016, có hơn 200 triệu người mắc bệnh, trong đó 500.000 người chết.
Nguyên lý truyền bệnh sốt rét giúp các nhà khoa học hiểu biết cơ bản về các vectơ truyền bệnh, cũng như những phương pháp ngăn chặn sự lây lan một số nguồn bệnh.
Cúm
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 do một trong những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế kỷ 20 gây ra. 1/3 dân số toàn cầu khi ấy nhiễm virus cúm, 20 triệu đến 50 triệu người tử vong, trong đó có một số lượng lớn lính tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất. Các đợt dịch bùng phát tại Mỹ và các nước châu Âu khiến căn bệnh lây lan toàn cầu. Vắcxin phòng cúm được tìm ra vào những năm 1940.
Tả
Đây là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Vibrio cholerae sống trong môi trường nước ấm, mặn, hoặc đồ ăn sống gây ra. Người bệnh thường bị tiêu chảy, dẫn đến mất nước. Nghiêm trọng có thể tử vong.
Theo WHO, mỗi năm có khoảng 1,3 đến 4 triệu người trên thế giới mắc bệnh, từ 21.000 đến 143.000 người thiệt mạng.
Bình luận