Dưới đây là top 6 cung đèo đẹp nhất Hà Giang:
Đèo Mã Pì Lèng
Nhắc đến những cung đèo đẹp ở Hà Giang mà bỏ qua đèo Mã Pì Lèng thì là một thiếu sót vô cùng to lớn. Đèo Mã Pì Lèng không chỉ là cung đèo đẹp nhất ở Hà Giang, mà còn thuộc một trong 4 cung đèo đẹp nhất Việt Nam, hay còn được mệnh danh là vua đèo.
Đèo Mã Pì Lèng dài chừng 20km, với độ cao khoảng 1.200m thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, nổi tiếng là đèo quanh co, lắt léo, uốn lượn theo sườn núi, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.
Đèo Mã Pì Lèng còn có cái tên là Con Đường Hạnh Phúc, được xây dựng bởi 1.300 thanh niên xung phong và hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc khác nhau. Sau gần 8 năm đục đẽo, con đường đi vào hoạt động. Riêng đoạn đèo Mã Pì Lèng phải mất 11 tháng cùng với sự mạo hiểm của 17 thanh niên treo mình trên vách núi lấy từng centimet để hoàn thành.
Đó là lý do mỗi khi nhắc đến con đèo hiểm trở và đẹp nhất Việt Nam này, người ta vẫn nhớ về sự hy sinh xương máu, mồ hôi của những tấm gương anh dũng. Đúng với cái tên của nó, vượt qua những con dốc, ngắm những phiến đá tai mèo nhọn hoắt, hiểm trở với đủ những hình dáng kì dị, đặt chân lên đỉnh Mã Pì Lèng, đó cũng là lúc mà bạn sẽ thực sự cảm thấy hạnh phúc với những gì đang hiện ra trước mắt.
Ngoài ra, trên cung đèo này, bạn còn được chiêm ngưỡng hẻm Tu Sản nằm dưới khe núi tạo thành sông Nho Quế, dòng sông như một sợi chỉ xanh uốn lượn mềm mại quanh chân núi.
Đèo Gió Hà Giang
Đèo Gió là cung đường có độ cao tương đương với Mã Pì Lèng, không kém phần hùng vĩ bởi độ cao và khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ của những cánh rừng nguyên sinh hai bên đường.
Điều đầu tiên bạn cảm nhận được khi bắt đầu chinh phục đèo Gió đó là đoạn đường này rất dốc bởi vì nó được xây dựng xung quanh sườn núi. Cũng vì thế mà chiều rộng của nó vô cùng hẹp, nếu là đi bộ sẽ đi được hai người, còn đi xe máy thì chỉ đi được một xe mà thôi. Con đường uốn lượn quanh co khiến bạn sẽ không có được tầm nhìn phía trước, vì vậy phải thật cẩn thận và chuẩn bị tâm lý cho những điều bất ngờ có thể xảy ra phía trước.
Một điều đặc biệt khác của đèo Gió là bên vách núi không hề có hàng rào bảo vệ, nếu bạn là người sợ độ cao thì đừng nên nhìn xuống. Nhưng bù lại, cảnh sắc của hai bên lại vô cùng thú vị. Càng lên cao thì không khí càng mát, với những tán cây rộng mênh mông và tiếng suối róc rách lẫn từng cơn gió của một đỉnh cao như đỉnh chóp của bức tường thành ngăn cách Xín Mần với các địa phương khác.
Đèo Tà Làng
Để xuống đến hẻm Tu Sản, bạn sẽ phải vượt qua đèo Tà Làng. Với đoạn đường đèo độ 8km từ độ cao 1.500m xuống mép sông Nho Quế nhưng bạn thật sự choáng ngợp với 47 khúc cua và một nửa số đó là cua tay áo. Con đường nhỏ chỉ đủ cho 2 xe máy tránh nhau, một bên là vách núi và một bên là vực sâu với mây núi hòa quyện.
Nhiều khúc cua ở đây có độ dốc rất lớn, lại cua gấp, nên các tay lái xe máy phải về số 1, số 2 và xử lý chân phanh, tay phanh liên tục. Nhưng bù lại khung cảnh thì thật ấn tượng, khiến bạn ngỡ như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh. Men theo đèo Tà Làng, cả một biển mây hiện ra, ôm ấp những ngọn núi nhấp nhô, thấp thoáng dòng sông Nho Quế, những con đường, những ngôi nhà ẩn hiện, bên sườn núi rất nhiều cây gạo hiên ngang đón gió, đón nắng.
Nếu có thời gian, hãy ghé thăm bản Tà Làng, nơi đây là nơi sinh sống của đồng bào Dáy. Bản nhỏ yên bình, dưới tán những cây gạo đang nở hoa rất đẹp. Người dân vô cùng mến khách.
Dốc Thẩm Mã
Nằm trên con đường đèo uốn lượn trên Quốc lộ 4C nối liền từ thành phố Hà Giang đến huyện Mèo Vạc, dốc Thẩm Mã dài khoảng 5km cũng là một trong những cung đường phượt nguy hiểm bậc nhất tại Hà Giang nói riêng và miền Bắc nói chung. Mặc dù không quá cao nhưng các khúc cua, những đoạn dốc và con đường hẹp đủ khiến cho bạn choáng ngợp.
Vốn dĩ có tên gọi là dốc Thẩm Mã bởi vì ngày xưa, công cụ di chuyển duy nhất gần như là sức ngựa. Để thẩm định và đánh giá ngựa tốt hay yếu, người ta cho ngựa thồ hàng từ chân dốc lên tới đỉnh. Chú ngựa nào vượt qua được, người dân giữ lại làm công cụ sản xuất. Dốc Thẩm Mã có thể hiểu nôm na là “dốc thẩm định sức ngựa”.
Nhìn từ trên cao nhìn xuống, dốc Thẩm Mã như một dải lụa mềm mại, vắt ngang lưng núi. Từ con dốc này, nhìn sang hai bên là những bức tường đá dựng thẳng đứng, chênh vênh như có thể đổ ụp xuống bất kỳ lúc nào. Nhìn xuống bên dưới là vực thẳm nghìn thước, cho thấy độ cao của Hà Giang so với vùng bên dưới thực sự không hề nhỏ. Quãng đường 5km trên dốc Thẩm Mã thực sự là một hành trình ngắn thú vị với những bạn thích mạo hiểm.
Dốc Bắc Sum
Dốc Bắc Sum nối từ xã Minh Tân (Vị Xuyên) lên xã Quyết Tiến (Quản Bạ) là một trong những con dốc uốn lượn, ngoằn ngoèo nhất ở vùng đất cao nguyên đá. Bên cạnh sự mềm mại, duyên dáng của một dải lụa, dốc Bắc Sum còn mang trong nó rất nhiều hiểm trở với nhiều điểm khúc cua tay áo – đây chính là một thử thách được các bạn trẻ yêu thích sự khám phá và ưa chinh phục thiên nhiên luôn luôn hào hứng, Người ta ví dốc Bắc Sum là đèo Pha Đin cũng là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam.
Dốc Bắc Sum cũng được gọi là con dốc lịch sử vì nơi đây đã từng là con đường liên lạc chính của bộ đội ta trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, góp phần không nhỏ vào sự thành công của cuộc kháng chiến.
Dọc theo con dốc có một loại đá mang tên rất đặc biệt: Đá mồ côi. Những hòn đá lăn từ trên xuống làm thành vết thủng lỗ chỗ trên đường. Nếu qua đây bạn hãy chú ý quan sát, đặc biệt vào những ngày mưa.
Dốc Chín Khoanh
Nhiều bạn sẽ không phân biệt được khi nhắc tới dốc Bắc Sum hay dốc Chín Khoanh. Thực chất, dốc Chín Khoanh chính là một đoạn của dốc Bắc Sum, là con đường nối từ Phố Cáo về Sủng Là. Dốc Chín Khoanh chính là một phần quan trọng làm nên điểm nhấn của dốc Bắc Sum.
Đúng như cái tên, con dốc này có 9 khoanh là chín khúc cua, trong đó có 5 khúc cua tay áo nguy hiểm, những khúc cua vòng vòng rất khó đi, bạn cần phải là người có tay lái dày dạn kinh nghiệm, tập trung cao độ thì mới chinh phục được, nhất là những ngày mưa đường trơn trượt.
Từ trên đường đèo nhìn xuống, bạn sẽ thấy những thửa ruộng bậc thang buông mình theo sườn núi, những mái nhà lấp ló rải rác khắp sườn đồi.
Hay với những bạn mê mẩn hoa tam giác mạch Hà Giang thì đây quả thực là cơ hội có một không hai, xung quanh khu vực dốc Chín Khoanh có trồng rất nhiều tam giác mạch, đặc biệt vào khoảng tháng 11, 12 là thời điểm hoa nở rộ.
Bình luận