Những năm qua, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội chuyển mình rõ rệt với việc mọc lên rất nhiều tòa cao ốc, công trình giao thông, đô thị ở khắp các quận, huyện.
Tiêu biểu là toà nhà Keangnam Landmark Tower nằm trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm. Đây là tổ hợp khách sạn, thương mại, văn phòng, nhà ở với diện tích sàn gần 610.000 m2.
Dự án gồm hai tòa chung cư cao cấp 50 tầng, kết nối với hai tòa chung cư là hai tòa tháp thương mại, căn hộ cho thuê 72 tầng. Khi mới khánh thành vào năm 2012, công trình này là tòa nhà cao nhất Việt Nam với 346 m, đài quan sát 72 Sky Landmark giống như các tòa nhà chọc trời ở Seoul, Thượng Hải hay New York... Kể từ khi tòa tháp Landmark-81 ở TP.HCM khánh thành (461,2 m), Keangnam tụt xuống thành tòa nhà cao thứ nhì Việt Nam.
Tòa nhà Quốc hội nằm trên đường Độc Lập, quận Ba Đình, hoạt động tháng 10/2014 bằng phiên họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Sau 10 năm, nhà Quốc hội vẫn là công trình kiến trúc đặc biệt, quy mô, biểu tượng của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Dự án Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được khởi công từ năm 2020, trên tổng diện tích 38,66 ha. Công trình nằm trên Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Tòa nhà chính của dự án có diện tích hơn 23.000 m2, phía trước là hai hồ nước rộng 2.000 m2. Chính giữa quảng trường là Tháp Chiến thắng cao 45 m, tượng trưng cho năm 1945 đất nước giành độc lập.
Cơ sở mới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có nhiều hiện vật chiến tranh đặc biệt quý hiếm gắn với các nhân vật, sự kiện, câu chuyện về lịch sử dân tộc. Bảo tàng sẽ là một điểm nhấn về văn hóa, là “địa chỉ đỏ” về giáo dục lịch sử của Thủ đô Hà Nội, góp phần lưu trữ, quảng bá những giá trị về văn hóa và lịch sử của dân tộc, quân đội Việt Nam đến với đông đảo Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Dự kiến, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ tổ chức phục vụ tham quan rộng rãi cho người dân từ tháng 10/2024.
Cung Thiếu nhi Hà Nội được xây dựng trên khu đất gần 40.000 m2 tại công viên hồ điều hòa CV1, trong khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm. Khởi công từ tháng 11/2021, đến nay công trình đã hoàn tất. Cung thiếu nhi gồm hai khối nhà, trong đó khối nhà A (trước) có nhà hát, rạp phim, CLB nghệ thuật...; khối nhà B có thư viện, tháp thiên văn, nhà thi đấu, bể bơi...
Cung được xây dựng theo thiết kế kiến trúc hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, sử dụng nhiều thiết bị tự động thông minh. Công trình được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu vui chơi, thi đấu thể thao, rèn luyện thể chất, giao lưu văn hoá văn nghệ của thiếu nhi, tạo môi trường thuận lợi phát triển tài năng tương lai của Hà Nội.
Công viên Hòa Bình có diện tích hơn 20 ha thuộc quận Bắc Từ Liêm. Đây là công trình kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời Thủ đô cũng vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”. Điểm nhấn kiến trúc của công viên là lối ra vào chính không xây dựng cổng mà dựng các biểu tượng. Cổng chính phía bắc, lùi khoảng 40 m là lối vào, nối tiếp là chuỗi các đảo cây xanh. Toàn bộ cây được trồng mới kết hợp với hồ nước và các công trình nhỏ như cầu, hành lang gỗ ven hồ tạo không gian xanh thơ mộng.
Trụ sở Tập toàn Viettel tọa lạc tại khu D26 Khu đô thị mới Cầu Giấy được thiết kế bởi Công ty tư vấn thiết kế Gensler của Mỹ, khánh thành năm 2021. Công trình này khởi công từ quý I/2018, do Coteccons thi công. Sau hơn 1 năm, tòa trụ sở mới đã đi vào hoạt động.
Tòa nhà lấy cảm hứng từ logo của Viettel với toàn bộ mái của công trình được phủ xanh, vuốt cong từ chân lên đỉnh mái. Bên trong trụ sở có sức chứa khoảng 1.000 người.
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình được khánh thành năm 2003, khi đó xung quanh vẫn chủ yếu là đồng ruộng. Sau hơn 20 năm, quỹ đất quanh sân dường như không còn, thay vào đó là dày đặc nhà cao tầng mọc lên san sát.
Những năm gần đây, Hà Nội có nhiều nỗ lực trong việc phát triển, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Mạng lưới giao thông Thủ đô từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng khả năng kết nối, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tháng 8/2024, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội bắt đầu chạy thương mại, sau 15 năm xây dựng. Đây được xem là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven Thủ đô vào sâu trong nội thành. Dự án được kỳ vọng giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình. Với loạt tiện ích, metro Nhổn - Ga Hà Nội đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều người dân.
Trước đó, tháng 11/2021, Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Thủ đô bắt đầu phục vụ hành khách, kết nối trung tâm thành phố với quận Hà Đông.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, chiều dài chính tuyến 13,05 km, toàn bộ đi trên cao. Điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao và 1 khu depot, khai thác 13 đoàn tàu. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác 35 km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông hoặc ngược lại là hơn 23 phút.
Đại lộ Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 20/3/2005 và khánh thành ngày 3/10/2010, nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đại lộ Thăng Long nằm trong dự án đường Láng - Hòa Lạc, có tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng.
Công trình có điểm đầu giao cắt đường Vành đai 3 trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia, điểm cuối là nút giao Hòa Lạc giao cắt với Quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh. Với chiều dài toàn tuyến 29,264 km, bề rộng mặt cắt ngang 140 m, Thăng Long được xem là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
Đường Võ Nguyên Giáp kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô dài 12 km, đi qua hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Dự án khánh thành vào đầu năm 2015, tổng mức đầu tư hơn 6.740 tỷ đồng. Với vận tốc tối đa 90 km/h, 10 làn xe chạy hai chiều, đường Võ Nguyên Giáp đã giúp giảm thời gian từ Nội Bài về trung tâm Hà Nội chỉ còn 30 phút.
Ngày 21/10/2012, đường Vành đai 3 trên cao được thông xe. Thời điểm đó, công trình nhận được sự quan tâm của người dân Hà Nội khi lần đầu cả nước có tuyến vành đai trên cao. Đường có 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng.
Tuyến đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long được thông xe vào tháng 10/2020, có chiều dài 5,3 km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,8 km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426 m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404 m. Dự án được xây dựng với quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn rộng 3,75 m, hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... Đây là đoạn đường trên cao duy nhất tại Hà Nội được thiết kế vận tốc 100 km/h.
Cầu Nhật Tân là một trong những công trình giao thông nổi bật của Thủ đô kể từ sau năm 2008 khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Cầu thông xe đầu năm 2015, tổng chiều dài hơn 9 km với tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng. Cầu Nhật Tân có 5 trụ tháp chính kết nối các nhịp dây văng nâng đỡ toàn bộ phần chính của cây cầu, 5 trụ tháp này tượng trưng cho 5 cửa ô cổ kính của Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm song song với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, được khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Điểm đầu cầu giao đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên). Cầu rộng hơn 19 m, quy mô 4 làn xe. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy (gồm Vĩnh Tuy 1 và Vĩnh Tuy 2) có mặt cắt ngang lớn nhất trong số cây cầu tại Hà Nội với 8 làn ô tô.
Ngoài những công trình giao thông, các toà nhà văn phòng, Hà Nội còn có thêm nhiều khu đô thị, nhiều toà chung cư cao tầng, giúp tăng diện tích nhà ở cho người dân.
Sự “thay da đổi thịt” của hệ thống hạ tầng giao thông, công trình đô thị không chỉ phục vụ hiệu quả cho Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp thành phố khang trang hơn, hiện đại hơn, xứng đáng với vai trò là "trái tim" của cả nước.
Bình luận