Những công trình nghìn tỷ thay đổi diện mạo giao thông Việt Nam

Thời sựThứ Ba, 09/09/2014 12:00:00 +07:00

(VTC News) - Với số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, những công trình giao thông này hứa hẹn đem đến diện mạo mới cho giao thông Việt Nam.

(VTC News) - Với số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, những công trình giao thông này hứa hẹn đem đến diện mạo mới cho giao thông Việt Nam. 

Cao tốc Nội Bài- Lào Cai

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất Việt Nam với chiều dài 245 km đi qua TP Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác sẽ giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng như trước đây, giảm áp lực giao thông và tai nạn trên quốc lộ 2, 2B, 32C và 70.

Đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai 

Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được chia làm 8 gói thầu xây lắp từ A1-A8. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 19.984 tỷ đồng, tương đương 1.249 triệu USD (tính theo thời điểm 2007); bao gồm vốn vay ưu đãi ADF (ADB) 200 triệu USD, vay thông thường OCR (ADB) 896 triệu USD và vốn đối ứng (trái phiếu công trình) là 153 triệu USD.

Theo dự tính của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mức phí đi từ Nội Bài đến Lào Cai đối với xe con dưới 7 chỗ khoảng 300.000 đồng/xe, xe tải mức phí cao nhất khoảng 1,2 triệu đồng/xe.

Ngày 21/9 tới, tại Khu dịch vụ số 5 (lý trình Km 237+000) Thôn Sơn Cả, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, VEC sẽ tổ chức Lễ thông xe và đưa vào khai thác Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tuyến đường hoàn thành sẽ trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phía hữu ngạn sông Hồng, khu vực Tây Bắc, tạo đà chuyển dịch kinh tế của đồng bào các dân tộc.

Cầu Nhật Tân


Cầu Nhật Tân được khởi công từ năm 2009, là một trong những công trình trọng điểm của thủ đô Hà Nội. Đây cũng là dự án cầu dây văng lớn nhất Việt Nam, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư là 13.600 tỷ đồng.

Cầu Nhật Tân nằm trên tuyến đường vành đai 2 của thành phố có tổng chiều dài 8,9km với điểm đầu tại khu vực phường Phú Thượng - quận Tây Hồ và điểm cuối tại nút giao với đường Nam Hồng thuộc huyện Đông Anh. Cầu có tổng chiều dài 3.755m, mặt cắt ngang rộng 33,2m cho 8 làn xe và đường dẫn 2 đầu cầu có tổng chiều dài của là 5,18km.

Cầu Nhật Tân 

Phần cầu chính được thiết kế là cầu dây văng liên tục gồm 5 trụ tháp có chiều dài là 1.500m.

Công trình hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến sân bay Quốc tế Nội Bài.

Dự kiến cầu Nhật Tân sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 10/10, nhân dịp 60 năm Giải phóng thủ đô. Tuy nhiên mới đây, Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada đã đề nghị Bộ GTVT Việt Nam lùi thời gian khánh thành cầu Nhật Tân và Dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài đến tháng 1/2015.

Cầu Tân Vũ -  Lạch Huyện

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện khởi công vào tháng 2/2014. Dự án gồm 5,44km cầu vượt biển và phần đường dẫn dài 10,19km. Với chiều dài này, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện sau khi hoàn thành sẽ là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, đồng thời cũng là cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á.

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á 

Đây là công trình hiện đại, có quy mô đầu tư lớn vớitổng mức đầu tư 11.600 tỷ đồng. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự kiến cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam này sẽ được hoàn thành vào năm 2017.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL5, QL18, cao tốc Nội Bài - Hạ Long, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh phục vụ vận chuyển hàng hóa khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công vào tháng 7/2014 do Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, đồng thời là dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam hiện nay, có tổng chiều dài toàn tuyến 57,1 km, đi qua địa phận TP.HCM (26,4 km), Long An (2,7 km), Đồng Nai (28 km).


Điểm đầu dự án là nút giao giữa đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đường vành đai 3 của TP.HCM; điểm cuối dự án (giai đoạn 1) tại nút giao với quốc lộ 51, và giai đoạn 2 tại điểm giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.


Cầu Bình Khánh nằm trong dự án đường cao tốc Bến Lức- Long Thành 

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h. Trên toàn tuyến có hơn 20km cầu cạn, trong đó có 2 cầu lớn.

Tổng mức đầu tư (giai đoạn I) của dự án là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1,607 tỷ USD); trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu USD; vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình quan trọng, nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp giao thông giữa các tỉnh Tây và Đông Nam Bộ không phải qua trung tâm của TP.HCM, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng.

Tuyến đường còn tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia) đến TPHCM - Vũng Tàu. Đồng thời kết nối mạng cao tốc và quốc lộ với các cảng biển lớn của khu vực như Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, sân bay quốc tế Long Thành
.

Cao tốc Thái Nguyên- Bắc Kạn

Sáng 7/9/2014, tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, Bộ GTVT và UBND các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn đã tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Thái Nguyên-Bắc Kạn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km 75-Km100.Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.750 tỷ đồng.

Điểm đầu giao với Quốc lộ 3 tại Km 75+750, thuộc địa phận xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên; điểm cuối dự án giao với đường trục khu công nghiệp Thanh Bình, xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên sẽ kết nối với cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn sau khi hoàn thành

Tuyến đường có chiều dài khoảng 40,3km; được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc, tốc độ thiết kế 60-80km/h, có quy mô 2 là xe cơ giới.

Đây là dự án giao thông quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 3 hiện tại và từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực miền núi phía Bắc.

Thuỵ Miên

Bình luận
vtcnews.vn