1. Toà nhà cao nhất Việt Nam
Năm 2018, người dân cả nước, thậm chí cả thế giới sững sờ với công trình Toà tháp The Landmark 81 của Việt Nam.
Điều đáng nói công trình trên do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư và Tổng thầu xây dựng là Coteccons.
Toà nhà lấy cảm hứng từ “bó tre” truyền thống của người dân Việt Nam.
Toà tháp The Landmark 81 có tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD với độ cao 461m, gồm 81 tầng nổi và 3 tầng hầm được xây dựng tại vị trí trung tâm của khu đô thị Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Công trình có tổng diện tích sàn lên tới 115.000 m2 và 90.000 m2 diện tích hầm.
Tòa nhà sở hữu hệ thống kính viễn vọng màn hình cảm ứng giúp người xem dễ dàng quan sát TP.HCM sôi động buổi sáng và lung linh, tráng lệ về đêm.
Với chiều cao này, công trình của Vingroup trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam, vượt khoảng 100m so với tòa nhà cao thứ hai là Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội.
Đây cũng là công trình đầu tiên của Việt Nam lọt vào top 10 tòa nhà chọc trời của thế giới, với trung tâm thương mại, khu vực khách sạn đến căn hộ.
Trung tâm thương mại bên trong toà tháp là thiên đường mua sắm của các tín đồ thời trang, quy tụ những thương hiệu cao cấp khắp thế giới.
Toà tháp còn có hệ thống căn hộ dịch vụ tiêu chuẩn 5 sao, 6 sao và căn hộ dịch vụ 6 sao với diện tích 400 m2.
2. Cầu vượt “giải cứu” cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
Cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhánh cầu vượt thứ 3 của nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp, TP.HCM) chính thức đưa vào sử dụng, nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Nhánh cầu vượt này có chiều dài 367,7m, dành cho xe chạy hướng từ đường Nguyễn Kiệm đến Nguyễn Thái Sơn, sẽ giải quyết 70% ùn tắc giao thông và tránh xung đột hướng từ đường Nguyễn Kiệm vào đường Nguyễn Thái Sơn và Phạm Văn Đồng vào đường Bạch Đằng về sân bay Tân Sơn Nhất và ngược lại.
Trước đó, tại vòng xoay Nguyễn Kiệm đã thông xe nhánh cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám dài 367,7m và nhánh cầu vượt từ đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn dài 362,8m.
3. Hầm chui cảng Cát Lái
Ngày 31/1, TP.HCM đã thông xe hầm chui tại vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2, TP.HCM), sau hơn 8 tháng thi công.
Hầm chui dài 405m, trong đó có hơn 80m hầm kín, rộng 9m, tốc độ tối đa cho phép di chuyển qua hầm là 40km/giờ, cấm xe 2 hoặc 3 bánh lưu thông qua hầm.
Dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy khởi công vào tháng 6/2016. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là gần 840 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, với các hạng mục: Cầu vượt 4 làn xe theo hướng đường Vành đai 2; hầm chui theo hướng rẽ trái từ Vành đai 2 đi Cát Lái; xây cầu Kỳ Hà 3; các nhánh đường bờ tả và bờ hữu rạch Mỹ Thủy.
Nút giao thông Mỹ Thủy là điểm giao của hai trục đường chính của TP.HCM. Với lượng xe đi lại lớn khiến cho khu vực này thường xuyên bị kẹt xe nghiêm trọng nhiều năm qua.
4. Cầu vượt Mỹ Thuỷ
Ngày 29/6, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã cho thông xe cầu vượt ở nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2.
Theo chủ đầu tư, việc thông xe chiếc cầu vượt này sẽ tạo cho dòng xe đi lại thông thoáng trên mặt đường dưới cầu vượt.
Cầu vượt ở nút giao thông Mỹ Thủy kết hợp với hầm chui tại nút giao thông này cho dòng xe từ đường vành đai 2 rẽ trái vào cảng Cát Lái sẽ góp phần kéo giảm 40% ùn ứ giao thông ở nút giao thông Mỹ Thủy.
Tổng mức đầu tư dự án nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 1 là 838 tỷ đồng.
5. Hầm chui An Sương
Ngày 14/3, TP.HCM cho thông xe Nhánh N1 công trình hầm chui ngã tư An Sương (quận 12, TP.HCM).
Ông Trịnh Linh Phương, Phó giám đốc Khu đô thị giao thông số 3 (Sở GTVT TP.HCM), cho biết, hầm chui N1 hướng Trường Chinh sang quốc lộ 22 dài 445 m, rộng 9-9,5 m, trong đó độ dài hầm hở là 320 m, hầm kín là 125 m, tốc độ di chuyển quy định 50 km/h.
Như vậy, việc thông xe nhánh N1 hầm chui An Sương sẽ giúp giảm bớt ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông tại cửa ngõ phía tây bắc của thành phố. Việc đưa vào hoạt động hầm chui giúp cho ngã tư An Sương thành nút giao thông ba tầng (hầm chui, đường bộ hiện hữu và cầu vượt cạn), giảm ùn tắc giao thông.
Công trình xây dựng hầm chui An Sương được khởi công tháng 1/2017, được thiết kế có tuổi thọ 100 năm, chịu được động đất cấp 7, tổng vốn đầu tư 514 tỷ đồng.
6. Trạm trung chuyển xe buýt
Ngày 28/12, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM đã đưa vào sử dụng trạm trung chuyển xe buýt Bến Thành (đường Hàm Nghi, quận 1). Trạm này thay thế cho trạm trung chuyển xe buýt Bến Thành cũ (vòng xoay Quách Thị Trang).
Trạm có tổng diện tích 5.600m2, gồm các hạng mục như nhà chờ hiện đại, được chia thành hai khu vực để đón/trả khách.
Trạm được lắp đặt 12 bảng thông tin điện tử cập nhật thông tin các tuyến xe buýt, thời gian xe đi/đến, vị trí các trạm lân cận; trang bị hệ thống thông tin kết nối Internet cũng như dữ liệu của trung tâm. Toàn bộ trạm được gắn camera quan sát.
Bên cạnh đó, trạm còn có 4 nhà vệ sinh công cộng hiện đại, sử dụng pin năng lượng mặt trời… Trạm điều hành phục vụ 33 tuyến xe buýt qua đây với tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 8 tỷ đồng.
Trong tương lai, trạm trung chuyển này còn kết nối với nhà ga ngầm Bến Thành của tuyến metro, góp phần phục vụ nhu cầu hành khách, thu hút thêm nhiều người sử dụng xe buýt.
7. Cầu qua đảo Kim Cương
Ngày 30/5, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã cho thông xe cầu qua đảo Kim Cương (quận 2) sau hơn 8 tháng thi công.
Công trình tạo trục kết nối đường Mai Chí Thọ và khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), giảm áp lực cho đường Đồng Văn Cống.
Việc đi lại từ Thạnh Mỹ Lợi về phía đường Mai Chí Thọ và trung tâm thành phố sẽ thuận lợi hơn.
Cầu qua đảo Kim Cương dài gần 300m, rộng 22m với 4 làn xe, nằm ở đoạn qua nhánh sông Giồng Ông Tố.
Cùng với cầu, dự án còn xây kè dọc sông Sài Gòn, đường ven sông Sài Gòn nối tiếp đường ven sông hiện hữu và hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh... Công trình có tổng kinh phí đầu tư gần 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố kết hợp đóng góp của các doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án.
Nằm trên địa bàn phường Bình Trưng Tây (quận 2), đảo Kim Cương rộng khoảng 8 ha được bao quanh bởi sông Sài Gòn và Giồng Ông Tố.
Dự án đảo Kim Cương có vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng, gồm 6 block chung cư 16-25 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng trên 122.000m2, có 313 căn hộ và một phần diện tích sử dụng làm khách sạn, thương mại nằm ngay trung tâm đảo.
Bình luận