• Zalo

Những con số tang thương, đau xót trong dịp Tết

Thời sựThứ Ba, 16/02/2016 12:38:00 +07:00Google News

Sau 9 ngày nghỉ Tết, những con số liên quan đến tai nạn giao thông, nhập viện vì đánh nhau khiến nhiều người sửng sốt.

(VTC News) - Sau 9 ngày nghỉ Tết, những con số liên quan đến tai nạn giao thông, nhập viện vì đánh nhau khiến nhiều người sửng sốt.

300 người chết vì tai nạn giao thông

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, toàn quốc xảy ra 408 vụ tai nạn giao thông khiến 300 người chết, 380 người bị thương. Còn Bộ Y tế cho hay, 5.400 trường hợp ghi nhận chấn thương sọ não.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho biết, so với kỳ nghỉ Tết 2015, năm nay cả số vụ tai nạn, số người chết và bị thương đều giảm.

Cụ thể, 403 vụ tai nạn giao thông đường bộ khiến 297 ng­ười chết, 376 người bị thương; 5 vụ tai nạn đường sắt làm 3 người chết, 4 người bị thương.

 Vụ tai nạn giao thông khiến 3 người trong 1 gia đình tử vong ngày mùng 2 Tết

Hai vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Hà Nội và Vĩnh Long khiến 6 người chết và 14 người bị thương.

Nguyên nhân các vụ tai nạn được xác định là do người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia; đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4 người.

Hơn 5.000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau

Báo cáo mới đây của Bộ Y tế về công tác y tế 9 ngày Tết, tổng số lượt khám, cấp cứu do đánh nhau, xô xát trong đợt nghỉ lễ vừa qua là hơn là 5.121 trường hợp, 13 người tử vong.

Theo báo cáo, trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận khoảng 600 lượt khám, cấp cứu do đánh nhau, xô xát. Trong đó, ngày cao nhất là ngày mùng 2 Tết với 785 ca; sau đó là ngày mùng 3 với 778 trường hợp, trong khi đó ngày mùng 6 Tết chỉ có 475 người. 

Số ca tử vong do tai nạn đánh nhau tính đến sáng ngày 14/2 là 13 trường hợp.

Đây là năm thứ 2, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thống kê, ghi rõ nguyên nhân đến khám cấp cứu và nhập viện 9 ngày nghỉ. Tết năm ngoái, cả nước cũng ghi nhận hơn 6.200 lượt khám, cấp cứu do đánh nhau; 15 ca tử vong. Dịp Tết Nguyên đán 2013, cả nước có hơn 4.700 trường hợp nhập viện vì đánh nhau. Tết 2012 là gần 4.000 trường hợp.

4 ngày tết, 100 người nhập viện do pháo nổ

Bộ Y tế cho biết tính đến sáng mùng 4 tết (tức ngày 11/2), cả nước đã có 100 trường hợp nhập viện do pháo nổ (không có tử vong), trong đó riêng 3 ngày từ 29 Tết (mùng 2 Tết) đã có 98 người nhập viện do pháo nổ, tăng gấp đôi so với Tết Ất Mùi (2015).

Số nhập viện cao nhất là tại Quảng Ngãi (17 người), trong số này có 15 ca là do sự cố pháo hoa tại quảng trường thành phố đêm Giao thừa. Ngoài ra cũng có 31 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, không có tử vong.

 Xác pháo tràn ngập Vĩnh Phúc (Ảnh: Zing)

Việt Nam đã có lệnh cấm đốt pháo từ 1/1/1995, nhưng hầu như năm nào cũng có tiếng pháo nổ và những tai nạn thương tâm vì pháo trong dịp Tết vẫn xuất hiện và có chiều hướng gia tăng.

Các ca tai nạn pháo nổ đều phải điều trị tốn kém, kéo dài ít nhất 2 tháng thì mới có thể nhìn lờ mờ, khả năng phục hồi được thị lực vô cùng mong manh. Ngay cả những người đã mất 1 mắt, còn lại con mắt bên kia cũng cần theo dõi trong vòng 5 năm sau, đề phòng trường hợp bên mắt còn lại bị viêm nhiễm, biến chứng.

Hàng nghìn ca cấp cứu do ngộ độc rượu

Ngày 13/2, Bộ Y tế cho biết, tính tới ngày mùng 6 Tết Bính Thân 2016, tại các bệnh viện trong cả nước đã ghi nhận tới hơn 2.200 người nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu, trong đó mùng 4 và 5 Tết đã có 230 trường hợp nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu với 1 ca tử vong.


Hà Minh
Bình luận
vtcnews.vn