Công ty cổ phần Xây dựng số 12 (Vinaconex 12) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2017 đã kiểm toán, trong đó nhiều chỉ số tài chính cơ bản có thể khiến cổ đông giật mình.
Nợ gấp gần 6 lần vốn sở hữu
Kết thúc năm tài chính 2017, Vinaconex 12 ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới hơn 519,1 tỷ đồng, tăng 86 tỷ đồng so với thời điểm 1/1/2017 (đã điều chỉnh lại). Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 504,7 tỷ đồng, nợ dài hạn là 14,3 tỷ đồng. Trong các khoản nợ ngắn hạn, chiếm lớn nhất là khoản nợ vay ngắn hạn 167,2 tỷ đồng, và phải trả người bán ngắn hạn 160,5 tỷ đồng…
Trong khi nợ gần 520 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của Vinaconex 12 tại cùng thời điểm chỉ có 93,3 tỷ đồng (nợ phải trả gấp gần 6 lần vốn sở hữu). Chỉ số này cho thấy một đồng vốn của Vinaconex 12 đang phải “cõng” nhiều đồng nợ.
Chủ nợ lớn nhất của Vinaconex 12 đối với các khoản vay ngắn hạn Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Thăng Long với số tiền hơn 86,6 tỷ đồng (lãi suất 7% - 8%), chủ nợ thứ hai là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) – chi nhánh Hoàng Quốc Việt với số tiền hơn 45,5 tỷ đồng (lãi suất 7,5% - 8%). Vinaconex 12 cũng đang là “con nợ” của Ngân hàng TMCP Công thương, số tiền hơn 31,4 tỷ đồng (lãi suất 8% - 8,5%). Ngoài ra, Vinaconex 12 còn có các khoản vay với các cá nhân khác.
Riêng các khoản vay dài hạn, Vinaconex 12 đang nợ các ngân hàng: MBBank – chi nhánh Hoàng Quốc Việt hơn 2,5 tỷ đồng, BIDV – chi nhánh Thăng Long hơn 1,2 tỷ đồng.
Vinaconex 12 cho biết các khoản vay ngắn hạn được đảm bảo bằng tài sản cố định hữu hình có giá trị còn lại hơn 8 tỷ đồng, tài sản cố định vô hình có giá trị còn lại là hơn 6 tỷ đồng, bất động sản đầu tư và hợp đồng tiền gửi… Các khoản vay dài hạn đảm bảo bằng tài sản cố định hữu hình, riêng khoản vay cá nhân không có tài sản đảm bảo.
Tại thời điểm 31/12/2017, Vinaconex 12 ghi nhận tài tổng tài sản hơn 612,5 tỷ đồng, tăng hơn 90 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạn là hơn 548,5 tỷ đồng, tăng hơn 103 tỷ đồng. Tài sản dài hạn là 63 tỷ đồng, giảm gần 12 tỷ đồng so với 1/1/2017.
Đáng lưu ý, tài sản ngắn hạn của Vinaconex 12 tại thời điểm tới hơn 451,6 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là hơn 365,4 tỷ đồng (gồm: Ban điều hành thi công Giai đoạn 1 Dự án Khu đô thị Bắc An Khánh 37 tỷ đồng, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam 103 tỷ đồng, và các khách hàng khác, tới hơn 224,8 tỷ đồng).
Cũng tại thời điểm kết thúc tài chính năm 2017, Vinaconex 12 ghi nhận nhận khoản nợ quá hạn hơn 40 tỷ đồng.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm
Dù Vinaconex 12 đạt lợi nhuận hơn 7,5 tỷ đồng năm 2017 nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm của công ty lại là âm (-) 39,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2016, con số này cũng là âm (-) 24,9 tỷ đồng.
Thông thường, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp bị âm lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt. Tuy nhiên, về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.
Kết quả hoạt động kinh doanh của Vinaconex 12 trong năm 2017 cũng không tốt khi lợi nhuận sau thuế so với 2016 đạt 83%. Giải trình với Uỷ ban chứng khoán nhà nước, Vinaconex 12 lý giải, do năm 2017 vật liệu đầu vào trong lĩnh vực xây lắp biến động tăng mạnh, đặc biệt là giá thép tăng đột biến dẫn đến giá vốn bán hàng tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Video: Cháy chung cư quận 2 Sài Gòn: Sạc dự phòng cắm luôn 3 ngày
Vinaconex 12 cũng cho biết thêm, chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2017 tăng so với 2016 còn do quỹ lương gián tiếp tăng (năm 2017 là 2,2% doanh thu, năm 2016 là 2,0 doanh thu). Nguyên nhân cuối cùng, theo Vinaconex 12, là do chi phí hoạt động tài chính tăng.
Nhìn từ những con số rõ ràng Vinaconex 12 còn không ít vấn đề phải xử lý.
Bình luận