(VTC News) - Ngôi mộ chữa bệnh, viên đá chữa rắn cắn, người đàn ông 23 năm không ngủ, dị nhân không mặc áo... là những chuyện lạ gây được sự chú ý của độc giả năm 2013.
Bí ẩn ngôi mộ chữa bệnh
Xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với việc xuất hiện một ngôi mộ phát ra năng lượng đặc biệt, có khả năng chữa bách bệnh. Những tin đồn về ngôi mộ này thu hút nhiều người đến đây mỗi ngày.
Vào những dịp lễ như mồng một hay ngày rằm, số lượng người ghé thăm ngôi mộ lên đến hàng trăm người. Những người đến đây mỗi ngày ngồi thiền khoảng 1 tiếng đồng hồ sẽ "hấp thụ" nguồn năng lượng đặc biệt phát ra từ ngôi mộ. Lúc đó, bệnh sẽ thuyên giảm, thậm chí khỏi hẳn, sức khỏe được tăng cường.
Được biết, đây là mộ của cụ Nguyễn Đức Cần, nổi tiếng không chỉ vì là một vị lương y yêu thương người nghèo mà còn là nhân vật gây chú ý trong giới nghiên cứu lĩnh vực tâm linh, vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước.
Ngôi mộ cụ Nguyễn Đức Cần nhìn từ xa và được xây cất tương đối bề thế và quy củ (ảnh nhỏ) |
Kỳ bí viên đá cứu người
Ca bệnh đầu tiên bị rắn cắn được cứu chữa bằng viên đá là vào những năm 1960. Đến nay đã hơn 50 năm, gia đình ông vẫn cùng viên đá đã cứu hàng nghìn người bị rắn cắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Đó là anh em ông Vũ Văn Vần - Vũ Văn Khản nay đã ngoài 70 tuổi (thôn Dương Cước, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) - người sở hữu viên đá "thần kỳ" hay còn gọi là "viên ngọc rắn".
'Viên ngọc rắn' |
"Viên ngọc rắn" thực chất chỉ là một viên đá màu đen, 2 mặt đều có hình chữ U. Kích thước của viên đá chỉ khoảng 2,2cm, dày chừng 1cm, nặng khoảng 30gram. Bất kỳ ai bị rắn cắn tìm đến, ông đều mang viên đá ra đặt vào vết rắn cắn, bỗng dưng như xuất hiện một lực hút mạnh đến nỗi viên đá lập tức bị hút chặt vào chỗ đó mà không cần tay người giữ.
Khi hút hết nọc độc rắn, nó tự nhả ra và lúc đó có ấn viên đá vào nó cũng tự rơi ra.
Sự thần kỳ của viên đá đã giúp nhiều người dân thoạt khỏi sự lưỡi hái tử thần nhưng những phiền toái từ viên đá mang lại cho chủ nhân cũng không ít. Đã nhiều lần nhà ông Vần bị trộm cạy cửa. Có lần không tìm được viên đá, chúng đã lấy đi của gia đình cả ti vi, đầu VCD...
Người đàn ông 23 năm không ngủ
Một đêm lạnh năm 1990, lên giường đi ngủ nhưng ông Trần Công Thắng (sinh năm 1932, thành phố Vinh, Nghệ An) trằn trọc mãi. Suốt đêm hôm đó, ông cứ chong mắt nhìn trần nhà. Nằm vắt tay lên trán suy nghĩ xem đầu hôm có ăn uống gì lạ, nhưng không nghĩ ra, ông lại chuyển sang nghĩ hướng khác... rồi thức cho đến sáng.
Tưởng chỉ một đêm, nào ngờ tình trạng ấy cứ kéo dài. Ông và gia đình trở nên hoang mang, lo lắng. Chứng mất ngủ hành hạ thể xác ghê gớm, chỉ chưa đầy một tháng, ông gầy rộc hẳn đi, mắt thâm quầng, mặt quắt lại, hốc hác, vô hồn, sinh lực trong người trở nên rệu rạo.
Ông Trần Công Thắng với "thành tích" 23 năm không ngủ |
Cho đến bây giờ chưa ai trả lời được vì sao mà ông mắc bệnh mất ngủ. Ngay như bản thân ông cũng không thể lý giải nổi.
Mặc dù đi nhiều nơi thăm khám vẫn không xác định được căn bệnh kỳ lạ này nhưng ông đã vượt qua nó bằng một chế độ sinh hoạt lành mạnh và thường xuyên ngồi thiền.
Còn về con mắt trái đã hỏng, ông cho rằng đó là do hơi xi măng bốc lên, lâu dần ảnh hưởng, cộng với sức đề kháng không có do mất ngủ.
Cho đến bây giờ, ông cũng không quá quan tâm đến nguyên nhân hay cố chạy chữa căn bệnh lạ bởi vì bản thân ông thấy mình vẫn sống vui sống khỏe hàng ngày.
Bé sơ sinh nặng gần 6 kg
Chiều 10/11, chị Trương Thị Dung ở thôn An Lạc Đông 1, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, Bình Định, đã sinh mổ một bé trai nặng 5,8kg tại Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ.
Bà Đinh Thị Chua - nữ hộ sinh ở khoa Sản, có 33 năm công tác tại đây - cho biết: "Đây là bé sơ sinh lớn nhất từ trước tới nay. Sức khỏe của thai phụ và cháu bé ổn định".
Năm 2006, chị Dung sinh thường bé trai nặng 3,8kg, năm 2008 sinh thường bé gái nặng 4,2kg. Theo chị Dung, sức khỏe, sinh hoạt, ăn uống của chị qua 3 lần mang thai hoàn toàn bình thường.
Một bé trai nặng 5,8kg vừa được sinh ra tại Bình Định |
"Dị nhân" xứ Quảng 80 năm không mặc áo
Lão "dị nhân" không mặc áo, chỉ mặc quần đùi 80 năm qua là ông Lê Để, ở tổ 19, thôn 3, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Dị nhân 80 năm không mặc áoở Quảng Nam |
Khi có người hỏi: "Thế đi ra ngoài không mặc áo người ta cười sao?". "Dị nhân” cười khoe hàm răng sún: “Hồi nhỏ đến giờ có bao giờ bận áo đâu mà bà con cười. Nếu tôi bận áo bà con thấy lạ mới cười chứ. Cái quần đùi này hàng xóm cho hơn nửa năm nay rồi. Mặc một cái quần thôi cho thoải mái, không phải tốn xà phòng và thời gian giặt. Cũng không có chi là dị biệt, chẳng qua từ nhỏ tới giờ ở vậy quen rồi. Ai nói cảm lạnh, cảm nắng gì chứ tôi vẫn khỏe như voi”.
Bình luận