Trong dịp Tết Nguyên đán, không ít người chọn thuê ôtô tự lái để du xuân, hay về thăm gia đình. Đi cùng với đó là nhiều lưu ý để việc thuê xe được suôn sẻ, tránh ảnh hưởng đến chuyến đi chơi đầu năm hay làm người dùng bị thất thoát các khoản tiền không đáng có.
Lựa chọn loại xe phù hợp
Giai đoạn đầu năm Âm lịch, nhu cầu thuê xe tự lái tăng cao nên người dùng cần sớm liên hệ bên cho thuê để chọn được dòng ôtô ưng ý với mục đích sử dụng, tránh “chậm chân” và buộc phải nhận loại xe không phù hợp nhu cầu thực tế.
Chẳng hạn, nếu gia đình có 3-5 người thì có thể thuê sedan hạng B hoặc C là vừa đủ rộng rãi, nếu chọn thuê xe cỡ A sẽ kém thoải mái và không chở được nhiều hành lý, còn xe 7 chỗ có giá thuê đắt hơn đáng kể và dư thừa hàng ghế cuối. Trong khi đó, nếu cần đi đông người thì MPV hay SUV là giải pháp tối ưu.
Tiếp đến, người thuê ôtô nên cân nhắc đến điều kiện di chuyển để tìm dòng xe phù hợp. Nếu chủ yếu đi địa hình đồi núi, đường sá khó khăn thì cần ưu tiên chọn xe gầm cao hay bán tải để việc di chuyển thuận lợi. Ngoài ra, người lái chỉ có giấy phép lái xe B1 số tự động hoặc ít khi lái xe số sàn thì chỉ nên chọn xe số tự động.
Hiện nay trên thị trường hiện nay có 2 hình thức thuê ôtô tự lái phổ biến là qua các công ty dịch vụ và qua ứng dụng, bên cạnh lựa chọn thuê xe của cá nhân, người quen.
Trong đó, các công ty vào dịp Tết thường ưu tiên khách thuê xe dài ngày bằng các gói 7, 10 hoặc 14 ngày, còn giá thuê lẻ sẽ cao hơn. Ngoài ra, nếu thuê trước hoặc sau giai đoạn cao điểm thì có thể được giá tốt.
Theo khảo sát một vài công ty thuê ôtô tự lái tại Hà Nội và TP.HCM, giá thuê dịp Tết Âm lịch tăng cao hơn những giai đoạn trước 100-120% tùy theo dòng xe, đời xe.
Chẳng hạn xe hạng A như Kia Morning hay VinFast Fadil bản số tự động khi thuê vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 hầu hết này có giá thuê lẻ dao động 1-1,3 triệu đồng/ngày, trong khi mức giá trung bình trong năm là khoảng 500.000-600.000 đồng. Nếu thuê từ 7-10 ngày thì giá có thể được giảm 10-20%.
Với các ứng dụng hoặc thuê xe của người quen thì có ưu điểm thời hạn thuê linh hoạt và mức giá dễ chịu hơn đôi chút, bù lại lựa chọn xe không phong phú như các công ty dịch vụ.
Nắm rõ điều khoản thuê xe
Sau khi chọn được loại xe vừa ý và vừa túi tiền, người dùng vẫn cần đọc kỹ hợp đồng và nắm rõ thủ tục cho thuê của bên chủ xe.
Trước hết là chuẩn bị thế chấp theo quy định, tùy theo đơn vị cho thuê mà khách hàng có thể được yêu cầu ký quỹ tiền mặt, ký gửi giấy tờ hoặc phương tiện khác trong quá trình sử dụng xe thuê.
Tiếp theo, cần nắm rõ các khoản có thể phát sinh ngoài chi phí cố định tính theo ngày hoặc số km di chuyển. Danh sách có thể kể đến phí giao/nhận xe tận nơi, phí phạt khi trả xe chậm, phí đi vượt mức km quy định… Chẳng hạn, một vài công ty cho thuê xe tính thêm chi phí 1 triệu đồng/ngày khi quá thời hạn trả xe trong dịp Tết Âm lịch này với loại ôtô cỡ nhỏ.
Phần quan trọng nhưng đôi khi ít được chú ý trong điều khoản của hợp đồng thuê xe là quy trình xử lý khi xe phát sinh sự cố, tai nạn trong quá trình thuê.
Thông thường, người dùng sẽ phải tự bỏ tiền túi để khắc phục hư hại do mình gây ra. Nếu xe có bảo hiểm tai nạn thì phần chi phí này có thể được giảm trừ, tuy nhiên khách hàng vẫn phải trả thêm tiền thuê xe trong thời gian phương tiện được sửa chữa.
Kiểm tra xe khi giao, nhận
Công đoạn nhận và trả xe cũng có nhiều lưu ý cần thực hiện để giảm thiểu rắc rối có thể phát sinh.
Danh mục cần kiểm tra tổng quan gồm có hiện trạng nội/ngoại thất; tình trạng khoang động cơ với nước làm mát, nước rửa kính, tình trạng của hệ thống điện, tính năng trong cabin, mâm lốp, bánh dự phòng, số odo và mức nhiên liệu, giấy đăng ký xe, giấy đăng kiểm, thời hạn đăng kiểm, bảo hiểm…
Tốt nhất, người dùng nên chụp ảnh và quay video các chi tiết quan trọng để có cơ sở đối chứng khi cần thiết.
Trong khi đó, trước lúc bàn giao xe sau khi thuê cần kiểm tra nội thất và cốp xe để tránh thất lạc hành lý, đồ dùng cá nhân. Sau cùng là ký biên bản giao nhận, thanh toán để kết thúc quá trình thuê xe.
Bình luận