Dú có thật hay hư cấu, những con chó này đều được nhiều người Nga biết đến, chúng có mặt trong văn học và thậm chí còn có những đóng góp quan trọng đối với nền khoa học của Liên Xô và sau này là Nga.
Mumu
“Gerasim dìm chó Mumu” là một trong những trích đoạn nổi tiếng nhất trong chương trình văn học của Nga và với bất cứ ai biết đến truyện ngắn Mumu của nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng Ivan Turgenev.
Câu chuyện là tấn bi kịch dưới thời Đế quốc Nga, kể lại chuyện nữ quý tộc vô nhân tính ra lệnh cho người hầu của mình, người đàn ông bị câm và khiếm thính nhưng hết sức trung thành có tên Gerasim, phải dìm chết con vật duy nhất mà ông yêu quý, con chó nhỏ có tên là Mumu.
Đầu tiên, Gerasim cố gắng bán Mumu ngoài chợ, nhưng con chó giật đứt dây thừng để quay chở lại với chủ của mình. Bà chủ của Gerasim bắt ông phải giết chết con chó, Gerasim buộc phải tuân lệnh và dìm chết Mumu, nhưng sau đó ông rời bỏ người chủ vô nhân tính của mình mãi mãi. Chó Mumu và cả Gerasim đều là nạn nhân của thói tàn bạo dưới thời nước Nga Sa hoàng.
Kashtanka
Nhân vật chính trong câu chuyện cùng tên viết năm 1887 của Anton Chekhov là con chó nhỏ màu đỏ có tên Kashtanka. Người chủ Kashtanka là thợ mộc sống trong tình cảnh thất vọng, thường xuyên xay xỉn, hay đánh đập và bỏ đói Kashtanka. Một ngày nọ, chó Kashtanka đi lạc và được người lạ nhận nuôi.
Người lạ này là huấn luyện viên của rạp xiếc, chó Kashtanka gặp những con vật khác tại nơi ở mới: 1 con mèo, 1 con ngỗng và 1 con lợn. Thế nhưng trong một buổi diễn, khi Kashtanka nghe thấy người chủ cũ và con trai ông này gọi tên nó từ chỗ ngồi, Kashtanka chạy về phía họ.
Con chó của Pavlov
Nhà khoa học tận tụy, người đạt giải Nobel Ivan Pavlov (1849–1936) có những cống hiến được đánh giá rất cao dưới thời Đế quốc Nga và Liên Xô bởi những nghiên cứu giá trị trong lĩnh vực sinh lý học con người. Thế nhưng, Pavlov sẽ không bao giờ đạt được những thành công ấy nếu không có sự trợ giúp từ những con chó của mình.
Người ta ghi nhận rằng Pavlov là người không bao giờ làm đau một con chó, thậm chí nếu có thể, ông còn làm mọi điều để chúng có điều kiện sống tốt hơn. Một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất liên quan đến chó của Pavlov về phản xạ có điều kiện, đó là nếu người ta cho chó ăn sau khi bật đèn trong một khoảng thời gian, sau đó khi bật đèn chúng sẽ tiết nước bọt kể cả khi không được ăn.
Cụm từ “Con chó của Pavlov” được dùng để chỉ cho sự hy sinh vì khoa học, người Nga dựng những bức tượng “Con chó của Pavlov” để tri ân nhà khoa học lừng lẫy này.
Laika, Belka, Strelka và những con “chó vũ trụ” khác
Trước khi phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ năm 1961, Liên Xô đưa một số con chó vào vũ trụ để kiếm tra xem liệu động vật có thể sống sót trong chuyến bay như vậy hay không.
Tất cả những con chó này đều là chó lai vô chủ và được các nhà khoa học nhận nuôi với điều kiện tốt nhất có thể bởi họ biết chúng sẽ chết trong những cuộc thử nghiệm.
Điều này xảy ra với Laika, sinh vật sống đầu tiên bay vào quỹ đạo Trái Đất năm 1957. Tàu Sputnik-2 được phóng thành công nhưng ngành công nghiệp hàng không vũ trụ lúc bấy giờ không thể đưa nó quay trở lại Trái Đất và Laika chết trong khoảng không gian vô tận.
Thế nhưng, vụ thử nghiệm này buộc các nhà khoa học Liên Xô tìm cách cải tiến tàu vũ trụ. Năm 1960, họ đưa vào quỹ đạo 2 con chó có tên Belka và Strelka. Chúng sống sót trong chuyến bay sau hơn 1 ngày trên quỹ đạo và di chuyển 17 lần quanh Trái Đất. Belka và Strelka trở về an toàn và sống rất lâu sau đó tại trung tâm nghiên cứu vũ trụ của Liên Xô.
Video: Tàu Sputnik 2 mang theo chó Laika vào vũ trụ
Con Bim trắng tai đen
Là nhân vật chính trong tác phẩm cùng tên được viết năm 1971 bởi nhà văn Liên Xô Gavriil Troyepolsky, con Bim trắng tai đen là con chó giống Scottish Setter với màu trắng lạ lùng. Chó Bim được nuôi bởi Ivan Ivanych, cựu chiến binh sống cô độc sau khi vợ ông mất. Khi Ivan Ivanych bị vết thương hành hạ, chó Bim bị bỏ lại một mình,
Chó Bim cố gắng tìm người chủ của mình, gặp nhiều người khác nhau, cả tốt lẫn xấu. Một số đánh và hành hạ nó, số khác lại giúp đỡ và băng bó cho nó. Thế nhưng, chó Bim chết tại chỗ ẩn náu trước khi Ivan Ivanych tìm thấy nó.
Dù là con chó hư cấu, song nhiều người cho rằng chó Bim là “Hachiko của nước Nga”, con chó có thật ở Nhật Bản nổi tiếng bởi sự trung thành đến chết với người chủ của mình.
Sharik
Tên gọi của chó Sharik có nghĩa là “quả bóng lông nhỏ”, cái tên thường được người Nga đặt cho chó của mình. Trong các tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà văn Eduard Uspensky, ông tạo ra hình tượng chó Sharik.
Chó Sharik cùng với cậu bé thông minh có biệt danh bác Fedor và mèo Matroskin tạo nên bộ 3 đặc biệt sống tại làng Prostokvashino. Khác với mèo Matroskin được miên tả là con vật lý trí và có thiên hướng kinh doanh, chó Sharik được miêu tả là con vật rất lãng mạn nhưng gây ra rất nhiều rắc rối.
Bình luận