(VTC News) - Người nước ngoài được phép mang ô tô nhà ở lưu động vào Việt Nam du lịch, phạt nặng trường hợp sự dụng lãng phí tài sản công...là những chính sách có hiệu lực từ tháng 8/2015.
Người nước ngoài được phép mang ô tô nhà ở lưu động vào Việt Nam du lịch
Ngoài loại xe có tay lái ở bên trái từ 9 chỗ trở xuống, bắt đầu từ tháng 1/8/2015, Chính phủ chấp thuận cho người nước ngoài mang thêm ôtô nhà ở lưu động vào Việt Nam với mục đích du lịch.
Bên cạnh việc cho phép người nước ngoài mang xe ô tô chở khách có tay lái bên trái từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe mô tô vào Việt Nam du lịch như hiện nay theo Nghị định 152/2013/NĐ-CP.
Nghị định 57/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 152/2013/NĐ-CP, theo đó, bổ sung loại xe người nước ngoài được phép mang vào Việt Nam du lịch là xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái.
Thời gian chấp thuận cho các loại phương tiện của người nước ngoài mang vào Việt Nam được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày và trong trường hợp không chấp thuận, phải có văn bản trả lời trong thời gian 3 ngày làm việc và nêu rõ lý do.
Từ tháng 8/2015, người nước ngoài được phép mang ôtô nhà ở lưu động vào Việt Nam du lịch (Ảnh minh họa) |
Sử dụng lãng phí tài sản công phạt 20 triệu đồng
Theo Nghị định 58 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/8, khi sử dụng lãng phí phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách vượt tiêu chuẩn quy định sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với tổ chức có hành vi mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp không đúng danh mục được phê duyệt thì mức phạt từ 1 – 20 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước lãng phí có thể bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.
Nghị định mới cũng bổ sung việc xử phạt 50 đến 60 triệu đồng với hành vi lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, vượt định mức.
Quy định mới về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi
Ngày 5/6/2015, Bộ Giao thông và Vận tải ban hành Thông tư 21/2015/TT-BGTVT về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt.
Theo đó, quy định rõ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của: Nhân viên đường sắt làm việc theo ban; Nhân viên đường sắt làm việc trên đoàn tàu.
Đồng thời, Thông tư còn đề cập đến nghỉ hàng tuần, hàng năm, nghỉ lễ tết, nghỉ khác và các quy định khác. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/8/2015 và thay thế cho Thông tư23/1998/TT-BGTVT.
Hướng dẫn mới về quản lý dự án đầu tư xây dựng
Theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Dự án đầu tư xây dựng được quản lý thực hiện theo kế hoạch, chủ trương đầu tư, đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 51 của Luật Xây dựng năm 2014 và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng của dự án. Việc quản lý thực hiện dự án phù hợp với loại nguồn vốn sử dụng để đầu tư xây dựng.
Việc phân loại dự án được dựa trên quy mô, tính chất, loại công trình chính của dự án gồm 4 loại: Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C.
Trường hợp phân loại theo nguồn vốn sử dụng gồm: Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án sử dụng nguồn vốn khác.
Bên cạnh đó, những dự án sau chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm công trình sử dụng cho mục đích tôn giáo và công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/8/2015.
Hướng dẫn mới về thuế thu nhập doanh nghiệp
Ngày 22/6/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại nước ngoài;
Sửa đổi quy định về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ; Sửa đổi, bổ sung điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế; Bổ sung hướng dẫn về chuyển lỗ khi chia, tách doanh nghiệp.
Sửa đổi quy định về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ; Sửa đổi, bổ sung điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế; Bổ sung hướng dẫn về chuyển lỗ khi chia, tách doanh nghiệp.
Mặt khác, Thông tư đã quy định rõ hơn về chuyển lỗ năm tiếp theo giữa các loại thu nhập tính thuế; Quy định mới về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; Quy định mới về xác định giá mua của phần vốn chuyển nhượng; Bỏ nhiều quy định về thu nhập khác và bổ sung hướng dẫn tại thu nhập khác.
Thông tư 96/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 06/8/2015 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2015 trở đi.
Hướng dẫn cách tính tiền lương làm thêm giờ
Ngày 23/6/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Theo đó:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường hoặc Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường X Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% X Số giờ làm thêm hoặc Số sản phẩm làm thêm. Mức 150% hoặc 200% hoặc 300% theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2012.
Ngoài nội dung trên, Thông tư còn hướng dẫn cách tính tiền lương làm việc vào ban đêm, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm.
Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 08/8/2015 và các chế độ tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/3/2015.
Tiêu chí đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức
Việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 1/8, dựa trên những nội dung:
Nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp và những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.
Tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của cán bộ, ngạch công chức, chức vụ lãnh đạo quản lý. Chương trình, kế hoạch công tác năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình hoặc được giao, phê duyệt hoặc phân công...
Từ các căn cứ đánh giá trên, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ.
M.Chiến
Bình luận