Tố cáo sai sự thật, công chức có thể bị xử lý hình sự
Có hiệu lực từ 28/5, Nghị định 31/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo quy định cụ thể các biện pháp xử lý với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi sau: Biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tạm đình chỉ tư cách luật sư nếu “trốn” bồi dưỡng nghiệp vụ
Từ 5/5/2019, việc tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư được thực hiện theo Thông tư 02/2019/TT-BTP ngày 15/3/2019.
Theo đó, thời gian tham gia bồi dưỡng tối thiểu là 8 giờ/năm. Luật sư được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng khi: Viết bài nghiên cứu pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong hoặc ngoài nước; viết sách được xuất bản về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp…
Trong trường hợp, luật sư có hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư 6 - 12 tháng.
Học sinh lớp 1 sẽ học kỹ năng phòng chống xâm hại
Thông tư 5/2019 có hiệu lực từ ngày 21/5 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, trong đó có tài liệu dạy kỹ năng phòng chống xâm hại.
Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 ban hành kèm theo Thông tư 05, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải có Bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại, giúp học sinh hình thành năng lực tìm tòi khám phá kiến thức thông qua quan sát, vận dụng vào thực tế cuộc sống; Bộ tranh gồm 2 tờ tranh minh họa về phòng tránh bị xâm hại.
Một tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái có dòng chữ "Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào cơ thể được đồ lót che kín. Trừ khi học sinh cần được bác sĩ thăm khám"...
Học sinh không được bình luận ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục
Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 28/5, quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Theo đó, học sinh không sử dụng trang phục gây phản cảm; không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội; không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục; không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.
Ô tô dưới 20 năm được áp tiêu chuẩn khí thải mới
Có hiệu lực từ ngày 15/5, Quyết định 16/2019 của Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với ô tô cũ đang tham gia giao thông và ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.
Theo đó, ô tô sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 2 từ ngày 1/1/2021. Ô tô sản xuất sau năm 2008 áp dụng mức 2 từ ngày 1/1/2020.
Với ô tô cũ nhập khẩu, tiêu chuẩn khi thải được áp mức 4 từ tháng 5/2019. Các loại xe động cơ xăng, dầu diesel sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 1.
Theo quy định hiện hành, chỉ có các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mức 5; các phương tiện còn lại đang áp dụng mức 1 là mức thấp nhất.
Bình luận