Giả chết vì mắc bệnh AIDS
Được xác định là đối tượng nguy hiểm với mức án lên tới 144 năm tù, Steven Jay Russell bị quản chế đặc biệt ở nhà tù Texas (Mỹ) vì tội danh lừa đảo và tiền án tiền sự của các cuộc vượt ngục trước đó.
Việc y từng không ít lần vượt ngục thành công khiến các quản giáo không khỏi lo lắng và để mắt đặc biệt. Nhưng điều đó không thể ngăn Steven lên kế hoạch cho cuộc trốn thoát ngoạn mục và kỳ công nhất của hắn.
Năm 1988, Russell nhịn đói, uống thuốc nhuận tràng trong 10 tháng để có được thân hình hốc hác như một bệnh nhân mắc bệnh AIDS. Thêm vào đó, hắn còn vờ mang những triệu chứng của căn bệnh thế kỷ.
Trong thời gian này, hắn tìm cách làm giả hồ sơ y tế và gửi đến các cơ quan chức năng nhằm thuyết phục họ cho phép hắn chuyển tới một nhà điều dưỡng.
Sau rất nhiều nỗ lực, Russell được toại nguyện, hắn được chuyển đến một nhà điều dưỡng. Tại đây, hắn giả làm bác sĩ và tự gọi điện cho nhà tù thông báo về tình hình của mình. Một tuần sau đó, Russell thông báo mình đã chết vì căn bệnh thế kỷ trước khi tẩu thoát nhưng nhà chức trách đã phát hiện ra sự thật và Russell bị bắt giữ nhanh chóng.
Lái trực thăng giúp chồng trốn ngục
Vì quá yêu chồng, Nadine Vaujour quyết định học lái trực thăng để cứu chồng là Michel Vaujour đang thụ án vì âm mưu giết người và cướp có vũ trang tại một nhà tù ở Paris.
Video: Những cuộc vượt ngục ly kỳ nhất lịch sử hiện đại
Tháng 5/1986, Michel cầm một quả đào được sơn giả giống lựu đạn để dọa lực lượng an ninh rồi chạy lên mái nhà tù. Theo kế hoạch, Nadine điều khiển trực thăng đáp xuống đón chồng rồi đưa cả hai xuống một sân vận động trước khi lái chiếc xe chuẩn bị sẵn để tẩu thoát.
Tuy nhiên không lâu sau đó, Nadine bị cảnh sát bắt giữ tại Tây Nam nước Pháp trong khi Michel trúng đạn trong một vụ cướp ngân hàng thất bại. Michel sau đó bị tống trở lại vào tù để hoàn thành bản án còn dang dở trước đó.
Chui người qua lỗ nhỏ tẩu thoát
Năm 2012, Choi Gap-bok bị bắt giữ vì bị tình nghi có liên quan tới một vụ trộm. Y bị tạm giam tại đồn cảnh sát ở thành phố Daegu, Hàn Quốc.
Nhưng chỉ 5 ngày sau khi bị bắt, y đã tẩu thoát thành công nhờ chui qua khe đưa đồ ăn cao chỉ 15 cm và rộng 45 cm. Điều đáng nói là cả quá trình này chỉ kéo dài trong vòng 34s. Tuy nhiên, 6 ngày sau đó, y bị bắt lại và bị giam trong một buồng giam có khe đưa thức ăn nhỏ hơn nhiều.
Trở lại nhà tù sau cuộc đào thoát khó tin của mình, Choi tiết lộ bí quyết giúp y có thể trườn qua khe cửa hẹp là do quá trình tập yoga trong suốt 20 năm.
"Tôi hỏi xin quản giáo một tuýp thuốc mỡ. Họ chẳng mảy may nghi ngờ. Lợi dụng lúc họ lơ là, tôi bôi thuốc mỡ và chui qua khe cửa hẹp", Choi nói.
Trốn khỏi nhà tù không thể trốn
Đến trước năm 1962, Alcatraz vẫn được coi là một trong những nhà tù kiên cố nhất nước Mỹ khi chưa từng ghi nhận một tù nhân nào trốn thoát.
Một trong những lý do khiến các phạm nhân trong nhà tù này chưa từng vượt ngục thành công là nó nằm trên hòn đảo ở giữa vịnh San Francisco khiến Alcatraz gần như cách ly với thế giới bên ngoài.
Nhưng mọi chuyện thay đổi khi Frank Morris và anh em John Anglin, Clarence Anglin, những đối tượng bị kết án chung thân đã vượt ngục thành công nhờ kế hoạch đã được chúng tỉ mỉ thảo sẵn trong nhiều tháng trời.
Tháng 9/1961, 3 đối tượng chế ra 3 hình nộm đầu người có gắn tóc thật để đánh lừa lính gác tuần tra ban đêm. Sau đó, chúng sử dụng thìa kim loại và máy khoan tự chế được lắp ráp từ động cơ máy hút bụi để khoan xuyên qua các lớp bê tông đã mục nát trên trần nhà.
Cả 3 sau đó trèo lên ống thông gió qua một ống khói và lên nóc nhà tù trước khi trèo xuống và trốn thoát trên một chiếc bè cao su.
Sáng sớm hôm sau, cai ngục phát hiện ra sự thật động trời này nhưng tất cả đã quá muốn khi Frank Morris và anh em John Anglin, Clarence Anglin đã cao chạy xa bay.
Đến nay, số phận của những kẻ vượt ngục này vẫn là bí ẩn cho dù có tin đồn cả 3 đã chết đuối trên vịnh trong quá trình đào tẩu.
Bình luận