(VTC News) - Nhiều tệ nạn xã hội như móc túi, lừa gạt, chèo kéo khách đang diễn ra tại chùa Bà núi Sam.
Những ngày này, có hàng ngàn khách thập phương đến chùa Bà núi Sam (Châu Đốc, tỉnh An Giang) tham quan, tế lễ. Do lượng khách đông đảo tập trung cùng lúc nên kéo theo nhiều hệ tệ nạn xã hội như móc túi, lừa gạt, ăn xin giả dạng, chèo kéo hành khách.
Trước cổng chùa Bà, có nhiều cò lảng vảng lôi kéo, mời chào du khách “thuê heo quay không?”, “trái cây tươi giá rẻ”, "cúng gạo mấy kí-lô cho chùa chị bán cho"...
Hàng ngàn du khách đến cùng lúc khiến tình hình an ninh trật tự căng thẳng tại chùa Bà núi Sam. Ảnh: Phan Cường |
Một khách vừa bước đi vào cổng tức thì có một phụ nữ chạy vội theo cầm túi nhỏ bao đỏ dấm dúi vào tay, kèm lời nói “lấy lộc nè”. Nghe câu nói ngọt, hành khách chưa kịp định thần, theo quán tính vội đưa tay cầm lấy “lộc”, thì người bán “lộc” nói tiếp “tùy lòng hảo tâm”.
Không nỡ từ chối tấm lòng tốt của người bán “lộc”, hành khách lấy tiền trả cho, nghĩ là lộc trời cho nên lấy tờ 10.000 đồng trả cho người này. Thấy hành khách trả tiền như vậy, người phụ nữ bán “lộc” quay ngắt lại với thái độ gay gắt kèm theo những lời nói nặng nhẹ, thô tục, không hài lòng.
“Lộc” là những mẩu vật cúng tượng trưng hay các tờ giấy bạc lẻ mệnh giá nhỏ từ 200 - 500 đồng, được xếp đủ kiểu hình dáng bỏ trong túi nhựa nhỏ hay bao lì xì đỏ.
Ghi tên họ những người đã mất, mua đồ cúng vỉa hè giá vài trăm ngàn đồng. Ảnh: Phan Cường |
Lễ vật cúng Bà được đông đảo người đi hành hương là heo quay, từ đó xảy ra dịch vụ cho thuê heo quay mướn. Du khách đến đây, có thể thuê heo quay được tính bằng kí-lô hoặc con heo nguyên. Sau khi cúng vái xong thì heo quay ấy sẽ trở về vòng quay cho thuê người tiếp theo.
Giá thuê một con heo quay dao động từ 500.000đồng đến trên 1 triệu đồng, tùy con lớn nhỏ.
"Việc làm này có còn ý nghĩa hay không? Làm như vậy chẳn khác nào lừa gạt chính mình, kể cả người bán lẫn người mua? Vấn đề tâm linh đã được chuyển sang vấn đề mua bán, thuê mướn" - ông Nguyễn Bảo Trùng Dương (quận 11, TP.HCM) nói.
Mua nhầm trái cây héo với giá không hề rẻ. Phan Cường |
Trái cây cũng không nằm ngoài chiêu thức làm ăn của nhóm người lừa đảo. Nhiều du khách bị gạt khi mua trái cây bên ngoài, nhìn vào thấy bắt mắt, giá cả chấp nhận được tuy nhiên sau khi mang ra xẻ thì bên trong héo, hư toàn bộ.
Tình trạng ăn xin diễn ra rầm rộ khi ngày lễ diễn ra. Hầu hết ăn xin giả bệnh, giả cụt chân, tay…được biến hóa một cách rất tài tình…lợi dụng tình trạng này mà móc túi, giật đồ diễn ra mà nhiều người không hay biết.
Nạn ăn xin giả dạng nằm lăn lê, bò lết trước cổng chùa. Ảnh: Phan Cường |
Để phòng ngừa những trường hợp nói trên, ban tổ chức chùa có nhiều phương án như phát loa kêu gọi cảnh báo, treo bảng chữ khuyến cáo, đội ngũ bảo vệ chùa cũng được tăng cường, giám sát, hướng dẫn du khách.
“Ngoài lực lượng bảo vệ chùa, trong những ngày cuối tuần, lễ lớn đều có lực lượng công an địa phương phối hợp, đặc biệt là lực lượng cảnh sát hình sự công an tỉnh. Tuy nhiên do lượng người quá đông nên vẫn có những trường hợp mất cắp xảy ra” – Bảo vệ chùa Bà cho biết.
Có nhóm đối tượng bị bắt quả tang không phải là dân địa phương mà là những nơi khác đến khiến tình an ninh trật tự phức tạp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
“Nhiều đối tượng trộm cắp ăn mặc bảnh bao, lịch sự, sang trọngnhìn vào dễ nhầm tưởng là người đàng hoàng nên nhiều người mất cảnh giác, đây chính là yếu điểm mà bọn chúng ra tay hành động" - Bảo vệ nói thêm.
Điều đáng nói, giá vé 15.000 đồng/người khi vào cổng chùa Bà cũng khiến nhiều du khách bức xúc. Gía thuê bãi xe ô tô, giá thuê phòng, đồ ăn thức uống nơi đây bán giá cao khiến du khách phản ứng.
Từ năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia. Ngoài phần Lễ được tổ chức trang trọng theo lối cổ truyền, phần Hội cũng được tổ chức trọng thể hàng năm.
Bình luận