Sự kiện năm 1947, khi người ta tin rằng có một chiếc đĩa bay của người ngoài hành tinh bị rơi gần thị trấn Roswell ở Mỹ, đã ảnh hưởng sâu rộng đến Văn hóa pop (hay Văn hóa đại chúng) của thế giới. Sự phổ biến của máy ảnh cầm tay và máy quay phim – những thứ trở nên dễ tiếp cận hơn trong nửa sau của thế kỷ XX, cũng có vai trò của mình trong đó. Theo đó, ngày càng có nhiều hơn những người tự nhận đã chứng kiến vật thể bay không xác định. Tuy họ không thể giải thích được nguồn gốc cũng như bản chất, nhưng họ có thể chụp lại được khoảng khắc chúng xuất hiện.
Theo thời gian, đĩa bay và các vật thể hình đĩa khác nhau đã trở thành biểu tưởng của UFO trên khắp thế giới, và sự quan tâm đến những hiện tượng bất thường như vậy đã trở nên lớn đến mức thậm chí có cả một ngày gọi là Ngày UFO Thế giới. Tuy nhiên, những chiếc đĩa bay duy nhất thực sự tồn tại và có cơ sở khoa học lại không có bất kỳ mối liên quan nào với các vị khách từ hành tinh khác hay trí thông minh ngoài trái đất. Chúng có nguồn gốc hoàn toàn từ trái đất.
Ngày từ đầu thế kỷ XX, những nỗ lực đầu tiên muốn chế tạo máy bay hình chiếc đĩa đã xuất hiện. Mặc dù, khi nhắc tới các dự án chế tạo đĩa bay nổi tiếng nhất, người ta thường ngay lập tức nghĩ đến lịch sử của Đức Quốc xã, tuy nhiên, các dự án đầu tiên trong lĩnh vực này lại không phải được thực hiện ở châu Âu, mà là ở Mỹ, và thậm chí còn trước cả khi Thế chiến II bùng nổ.
Máy bay – ô Chance Vought
Các dự án chế tạo máy bay có cánh tròn ra đời ngay từ buổi bình minh của ngành hàng không. Mẫu thiết kế chiếc máy bay có cánh hình đĩa đầu tiên trong lịch sử được cho là của một người Mỹ có tên là Chance Vought. Ngay từ năm 1911, nhà phát minh này đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy bay có hình dạng và thiết kế dị thường.
Đó là một bản thiết kế máy bay có khung bằng gỗ và cánh hình đĩa rộng. Cho dù chưa hoàn thành một chuyến bay nào, nhưng một chiếc máy bay – ô làm bằng những vật liệu thô sơ nhất – gỗ và vải – đã đi vào lịch sử hàng không mãi mãi.
Thiết kế của chiếc máy bay dị thường này rất đơn giản: gồm có 9 cánh kết nối với nhau thành một ngôi sao. Giữa các dầm gỗ, Chance Vought căng một tấm vải bình thường – một thiết kế tương đối giống với một chiếc ô. Ở hai bên, phía dưới cánh có đặt 2 chiếc dầm mở rộng có tác dụng điều hướng. Thiết bị hạ cánh là 3 chiếc bánh xe được đặt đều ở 3 góc.
Nhà thiết kế người Mỹ sử dụng cánh hình đĩa, bởi ông tin rằng một chiếc cánh có diện tích lớn sẽ mang lại một lực nâng lớn hơn, cho phép máy bay có thể cất cánh ở tốc độ thấp. Thật không may, chiếc máy bay dị hường của Chance Vought đã không bay lên trời, do đó nhà thiết kế đã không xác nhận hay bác bỏ ý tưởng của mình. Được biết, vào cùng thời điểm này, một chiếc máy bay tương tự cũng được thiết kế ở Anh, nhưng nó đã bị rơi trong chuyến bay đầu tiên ngay sau khi cất cánh từ mặt đất.
Đĩa bay Stephen Nemeth
Nhà thiết kế người Mỹ thứ hai cố gắng tạo ra một chiếc máy bay có cánh hình đĩa là Stephen Nemeth. Không giống như người tiền nhiệm, Nemeth đã tạo ra một chiếc máy bay có thể bay lên trời và thực hiện các chuyến bay khá thành công. Một chiếc máy bay có cánh tròn gần như hoàn hảo đã được chế tạo bởi Nemeth cùng nhóm sinh viên thuộc Đại học Miami. Điều này xảy ra vào năm 1934.
Chiếc máy bay này khi bay đã thu hút sự chú ý của tất cả người dân thị trấn gần đó, và đi vào lịch sử với cái tên là Nemeth Parasol. Để tạo ra chiếc máy bay đặc biệt này, nhà thiết kế đã sử dụng lại phần thân máy bay dài của mẫu Alliance A-1 Argo đã ngừng hoạt động trước đó. Phía trên là một chiếc cánh có hình tròn hoàn hảo được liên kết với phần thân máy bay bằng các thanh chống.
Chiếc máy bay sử dụng động cơ Warner Scarab 110 mã lực. Sức mạnh của động cơ đủ để cho phép máy bay có thể đạt được tốc độ bay tối đa hơn 217 km/h. Đồng thời, tốc độ hạ cánh rất nhỏ - chỉ 40 km/h – cho phép máy hạ có thể đáp xuống các khu vực có diện tích nhỏ.
Điểm đặc biệt chính của “chiếc ô biết bay” này là chiếc cánh tròn với đường kính 4,6 m. Chiếc cánh này cũng có thể thực hiện vai trò của một chiếc dù: máy bay có thể hạ cánh nhẹ nhàng theo phương gần như thẳng đứng khi tắt động cơ. Với tốc độ hạ cánh thấp và những lợi thế mà chiếc cánh tròn mang lại, chiếc máy bay thực sự rất dễ điều khiển ngay cả đối với những phi công mới làm quen.
Mặc dù đĩa bay Nemeth có một số lợi thế để có thể được phát triển hơn nữa, nhưng vào thời điểm 1934-1935, dự án này đã bị bỏ dở, người ta không còn nghĩ đến việc phát triển tiếp dự án.
Bánh kếp bay – Chiến đấu cơ XF5U
Người Mỹ vẫn tiếp tục với lý tưởng của mình trong Thế chiến II. Những nỗ lực chế tạo một chiếc máy bay có hình dạng khác thường đã dẫn đến sự xuất hiện của một chiếc máy bay chiến đấu thử nghiệm, được gọi là Flying Pancake (bánh kếp bay), với tên chính thức V-173. Chiếc máy bay chiến đấu hình đĩa, được phát triển bởi nhà thiết kế Charles Zimmerman, lần đầu tiên bay lên bầu trời vào tháng 11/1942. Sau đó, trên cơ sở mô hình này, người ta đã cố gắng chế tạo ra chiếc chiến đấu cơ XF5U.
Ý tưởng tạo ra một chiếc máy bay hình đĩa được Charles Zimmerman lần đầu tiên nghĩ ra vào năm 1937. Mục tiêu ban đầu của ông là chế tạo một chiếc ô tô bay – đề tài ưa thích của các nhà văn khoa học viễn tưởng thời đó. Tuy nhiên, triển vọng thương mại của phiên bản dân dụng bị đánh giá là khá mơ hồ. Do đó, lãnh đạo của công ty Chance-Vought – tổ chức tài trợ cho dự án của Zimmerman – đề nghị nhà thiết kế từ bỏ ý tưởng về một chiếc máy bay ba chỗ dân sự, tập trung vào việc chế tạo một chiếc chiến đấu cơ có thể khiến quân đội quan tâm.
Kết quả là, một trong những chiếc máy bay kỳ lạ nhất thế kỷ XX đã ra đời, sở hữu một ngoại hình cực kỳ khác thường. “Bánh kếp bay” có hình dạng một chiếc tàu lượn hình bán nguyệt, không có thân máy bay. Ở phía trước, nhà thiết kế đã cho lắp đặt buồng lái và 2 động cơ với 3 cánh quạt ở hai bên. Ở phía sau là các bộ cánh nhỏ được lắp thêm vào với chức năng điều hướng. Tổng chiều dài của chiếc máy bay này là 8,1 m và chiều rộng là 7,1 m.
Mẫu máy bay mới được thử nghiệm tích cực trong vài năm, và nguyên mẫu cuối cùng của nó chỉ được hoàn thành vào năm 1947. Tổng cộng, nó đã hoàn thành ít nhất 190 chuyến bay, hay 132 giờ bay thử nghiệm.
Tốc độ bay tối đa của V-173 không vượt quá 222 km/h, bởi các động cơ được sử dụng đều có công suất thấp – mỗi động cơ không quá 80 mã lực. Thành công nhất có lẽ là nguyên mẫu dành cho Hải quân Mỹ, có tên chính thức là XF5U. Nó có khối lượng cất cánh tối đa hơn 8,5 tấn và được trang bị động cơ Pratt & Whitney R-2000 1350 mã lực. Nhờ đó, nguyên mẫu này có thể tăng tốc độ bay lên tới 811 km/h.
Mặc dù có một số thành công, dự án đã bị giới hạn vào năm 1947. Mặc dù XF5U có thể được sử dụng hiệu quả từ các hàng không mẫu hạm, với khối lượng hơn 8,5 tấn, máy bay có thể cất cánh từ các địa điểm nhỏ. Đồng thời, khả năng điều khiển của máy bay còn nhiều điều mong muốn và thiết kế sử dụng hai động cơ piston được coi là lỗi thời. Thời đại của hàng không phản lực đang đến gần, và không thể cài đặt động cơ phản lực trên máy bay XF5U, với việc nâng cấp như vậy, máy bay sẽ trở nên hoàn toàn không thể kiểm soát được trong chuyến bay.
Chiếc đĩa bay của Đệ tam Đế chế
Nhà thiết kế máy bay Charles Zimmerman – người đặt nền móng cho câu chuyện về chiếc “bánh kếp bay” ở Mỹ - đã di cư sang Đức. Nhưng ngay cả khi không có ông, ở quê hương của Willy Messerschmitt và Hugo Junkers, vẫn còn những nhà thiết kế luôn bị ám ảnh bởi ý tưởng chế tạo ra chiếc máy bay có hình dạng một cái đĩa. Tuy nhiên, trên thực tế, có lẽ chiếc máy bay duy nhất của Đức trong Thế chiến II có hình dạng giống UFO là chiếc máy bay thử nghiệm Sack AS-6.
Trở lại vào cuối những năm 1930, Arthur Zack – một người nông dân bình thường ở gần Leipzig – lại là người đề xuất dự án về chiếc máy bay hình đĩa. Ý tưởng này của Zack đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thượng tướng Ernst Udet – người cho Sack AS-6 cơ hội xuất hiện trên thế giới này. Tuy nhiên, phải đến năm 1944, nguyên mẫu của chiếc máy bay thử nghiệm mới được hoàn thành. Để lắp ráp Sack AS-6 khi đó, người ta đã sử dụng phần khoang lái của chiếc chiến đấu cơ Me Bf-109B, phần động cơ của Me Bf-108.
Điều tạo nên chất riêng duy nhất cho Sack AS-6 là một cái cánh tròn được làm bằng gỗ và được bọc bằng gỗ dán. Tổng khối lượng của chiếc máy bay với cái cánh có đường kính 6,4 m này tối đa là 800 kg. Tuy nhiên, nó lại là một chiếc máy bay không thể bay lên trời. Tất cả mọi thứ chỉ nó làm được chỉ dừng lại trên đường băng. Khi Đệ tam Đế chế sụp đổ, cũng không ai còn nghĩ đến việc tiếp tục dự án này nữa.
Bất chấp những thất bại trong nỗ lực tạo ra chiếc máy bay có hình đĩa, những dự án kiểu như vậy vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều kỹ sư từ các quốc gia khác nhau. tin tức mới nhất về việc chế tạo đĩa bay xuất hiện từ Rumani, nơi các nhà thiết kế Razvan Sabie và Joseph Tapos đang cố gắng tạo ra một thiết bị có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng và thực hiện chuyến bay với tốc độ siêu thanh.
Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có nguyên mẫu không người lái với đường kính 1,2 m là được thử nghiệm. Được biết, mẫu thử nghiệm được trang bị 4 cánh quạt điện cho phép thiết bị cất, hạ cánh thẳng đứng, và 2 cánh quạt khác được lắp đặt ở phần phía sau, dùng để đấy thiết bị bay về phía trước. Thời gian tới, các nhà thiết kế sẽ thay thế 2 cánh quạt ở đuôi bằng động cơ tuốc bin phản lực luồng (TurboJet). Chúng ta hãy cùng đợi xem trong tương lai, dự án của người Rumani về chiếc máy bay ADIFO (All DIrections Flying Object) liệu có thành công hay không.
Bình luận