Thời điểm trước khi bắt đầu bước vào kỳ thi quan trọng, trẻ chắc chắn sẽ mang trên mình nhiều áp lực và gánh nặng. Đó có thể là áp lực về điểm số, áp lực đồng trang lứa và cũng có thể là áp lực do chính bản thân các con tự tạo ra. Cho nên, phụ huynh cần chú ý đến những câu không nên nói khi con sắp bước vào kỳ thi, tránh gây thêm áp lực cho con.
Những câu không nên nói khi con sắp bước vào kỳ thi
Khi nhận thấy tình hình học tập của con sa sút sát với thời gian diễn ra kỳ thi quan trọng, phản ứng đầu tiên của phụ huynh thường là chê trách, cho rằng con không thông minh, IQ thấp. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn gọi con là "ngốc nghếch", "dốt nát" không tin tưởng vào khả năng mà con mình có thể đạt được.
Trên thực tế, những câu nói này sẽ khiến trẻ mang thêm gánh nặng tâm lý, nghi ngờ về khả năng của bản thân trước khi kỳ thi diễn ra. Cho nên, phụ huynh cần phải tiếp thêm cho con sức mạnh, để con có trạng thái tâm lý tốt nhất cho kỳ thi.
Ngoài ra, nhiều bạn học sinh thường có tâm lý đến sát ngày thi sẽ tăng tốc độ ôn tập quên ăn, quên ngủ với mong muốn "nhồi" thêm được một lượng kiến thức lớn vào đầu. Điều này khiến các bậc phụ huynh cảm thấy không hài lòng, thậm chí tức giận mắng con: "Giờ mới học thì được ích gì?". Khiến trẻ cảm thấy chán nản, dễ bỏ cuộc và không có lợi khi trẻ sắp bước vào phòng thi.
Một số phụ huynh còn cho rằng, muốn con học tốt thì phải tạo ra áp lực. Vì thế, mọi người thường xuyên buông ra những câu nói doạ con như: "Nếu con không làm tốt trong bài kiểm tra này thì từ giờ đừng có xin xỏ gì bố mẹ nữa", "Con mà bị điểm kém thì cứ liệu hồn",... Trên thực tế, điều này chỉ làm cho trẻ chán học hơn, không có động lực trước kỳ thi. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục, trẻ sẽ bị mất tập trung, dẫn đến đạt điểm không như mong đợi.
Một số điều bố mẹ nên làm trước khi con sắp đi thi
Đồng cảm xúc với con là một việc làm rất quan trọng mà phụ huynh nào cũng nên làm trước khi trẻ bước vào một kỳ thi quan trọng. Vì thời điểm này, các bạn học sinh rất dễ nảy sinh tâm lý lo lắng, áp lực, sợ hãi. Do đó, khi có người cảm thông và chia sẻ những vấn đề tiêu cực cùng mình, trẻ sẽ giảm bớt lo lắng và thể hiện tốt hơn.
Giúp trẻ hình thành nhận thức tích cực và có những gợi ý mới mẻ về kỳ thi sẽ giúp quyết định trạng thái của con khi bước vào kỳ thi quan trọng. Trước hết, phụ huynh nên giúp con nhận thức về kiến thức, niềm tin và thái độ đối với kỳ thi, chuyển hóa nhận thức tiêu cực thành tích cực.
Mặt khác, phụ huynh không nên đặt ra những kỳ vọng quá mức đối với con cái như "một kỳ thi quyết định cả cuộc đời", "thi rớt con có lỗi với cha mẹ và dòng họ" và nên hướng dẫn trẻ nhận thức, điều chỉnh cách hiểu về kỳ thi, tạo không khí thoải mái.
Phụ huynh cũng có thể cùng con luyện tập phương pháp lắng nghe hơi thở để trở về thời điểm hiện tại, tránh rơi vào tình trạng nuối tiếc quá khứ và lo lắng cho tương lai. Phương pháp tập trung và tĩnh tâm này đặc biệt cần thiết trong các kỳ thi đòi hỏi sự tập trung cao độ. Khi thở ra chậm gấp đôi so với hít vào, những lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng trong cơ thể được trút ra cùng với hơi thở.
Bình luận