• Zalo

Những câu hỏi nhức nhối từ sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump

Thế giớiThứ Hai, 30/01/2017 16:00:00 +07:00Google News

Sắc lệnh di trú mới của tân Tổng thống Donald Trump có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu, trong đó đặc biệt là công dân của 7 quốc gia Hồi giáo mà ông nêu đích danh.

Tân Tổng thống Donald Trump ngày 27/1 đã ký một sắc lệnh gây xôn xao dư luận, dừng toàn bộ việc tiếp nhận người tị nạn trong 4 tháng và cấm công dân của 7 nước  gồm: Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày.

Quyết định của ông Trump đã bị vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và các nhóm nhân quyền.

  Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Nội dung chính của sắc lệnh là gì?

- Tạm dừng Chương trình tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ trong 120 ngày.

- Cấm vô thời hạn đối với người tị nạn Syria.

- Cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo - Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày. Một số loại thị thực, như đối với các nhà ngoại giao và Liên hợp quốc, không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh.

  Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen bị nêu tên trong sắc lệnh di trú của ông Trump (Đồ họa: BBC)

Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen bị nêu tên trong sắc lệnh di trú của ông Trump (Đồ họa: BBC) 

- Ưu tiên sẽ được dành cho các nhóm tôn giáo đang đối mặt với sự ngược đãi tại các quốc gia của họ. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Trump đã đề cập tới các tín đồ Cơ đốc giáo tại Syria.

- Hạn ngạch 50.000 người tị nạn sẽ được chấp nhận vào năm 2017, so với giới hạn 110.000 người mà cựu Tổng thống Barack Obama đặt ra.

- Tạm dừng Chương trình miễn phỏng vấn thị thực, vốn cho phép các quan chức lãnh sự không phải phỏng vấn trực tiếp một số ứng viên nếu họ muốn gia hạn thị thực tạm thời trong một năm sau khi hết hạn.

- Những ngoại lệ có thể được xem xét dựa trên cơ sở từng trường hợp.

Sắc lệnh đang được thực thi như thế nào?

  Làn sóng biểu tình nổ ra tại nhiều thành phố ở Mỹ (Ảnh: AFP)

Làn sóng biểu tình nổ ra tại nhiều thành phố ở Mỹ  - Ảnh: AFP

Theo BBC, đã xảy ra tình trạng hỗn loạn và không rõ ràng. Ví dụ, hiện vẫn chưa rõ sắc lệnh của ông Trump ảnh hưởng như thế nào tới các công dân của 7 quốc gia bị nêu tên trên hiện đang có thẻ xanh tại Mỹ. Giới chức đã cho biết rằng những người ở nước ngoài vào thời điểm sắc lệnh được ban bố sẽ phải được xem xét dựa trên từng trường hợp trước khi được phép trở lại Mỹ và việc kiểm tra bổ sung có thể được yêu cầu. Những người có thẻ xanh tại Mỹ được khuyên là nên hoãn các kế hoạch đi du lịch ở nước ngoài.

Một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết tạm thời ngừng trục xuất những người có thị thực hoặc người tị nạn đang bị mắc kẹt tại các sân bay Mỹ, sau khi Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đệ đơn kiến nghị về sắc lệnh của Tổng thống Trump. ACLU ước tính rằng có khoảng 100-200 người đã bị bắt giữ các sân bay Mỹ hoặc đang quá cảnh.

Các hành khách từ nhóm 7 quốc gia đi máy bay đang bị cản trở lên các chuyến bay đi Mỹ. Cũng có các bài viết cho biết các thành viên phi hành đoàn cũng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Sắc lệnh cũng áp dụng đối với những người mang hai quốc tịch. Ví dụ, một công dân Anh cũng có quốc tịch Iran sẽ có thể không được phép vào Mỹ, dù lệnh cấm không áp dụng đối với các công dân Anh.

Hiện cũng chưa rõ mức độ ảnh hưởng của việc ngừng Chương trình miễn phỏng vấn thị thực đối với các đề nghị cấp thị thực và các dịch vụ lãnh sự khắp thế giới. Các chuyên gia cho hay người xin thị thực có thể sẽ phải chờ đợi lâu hơn so với trước kia.

Có hợp pháp hay không?

Dường như bề ngoài thì không. Và các tòa án chắc chắn sẽ phải cân nhắc những tranh cãi của các bên.

Trong quá khứ, Mỹ từng cấm nhập cảnh đối với một số quốc gia hoặc toàn bộ khu vực.

Nhưng vào năm 1965, quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Di trú và Quốc tịch, trong đó nói rằng không ai “bị phân biệt chủng tộc trong việc cấp thị thực vì chủng tộc, giới tính, quốc tịch, nơi sinh hoặc ngày sinh”. Vì vậy, việc cấm hoàn toàn người tị nạn Syria nhập cảnh vào Mỹ cũng đủ để thách thức ông Trump tại tòa. Thực tế rằng nhóm 7 nước đều là các quốc gia Hồi giáo cũng làm tăng sức nặng đối với tranh cãi rằng sắc lệnh này “chống lại người Hồi giáo” - điều mà các trợ lý của ông Trump muốn bác bỏ.

Những người ủng hộ sắc lệnh của ông Trump đã đề cập tới các vụ tấn công khủng bố 11/9 và khả năng của chính quyền nhằm thực hiện các biện pháp để bảo vệ an ninh quốc gia.

Và họ cũng viện dẫn quyền lực của tổng thống bắt nguồn từ một luật năm 1952 về “người nước ngoài không thể nhận vào” để tạm dừng việc nhập cảnh đối với bất kỳ nhóm người nước ngoài nào mà ông Trump nhận thấy là đi ngược với lợi ích của Mỹ.

Họ cũng cho rằng các tổng thống Mỹ có thể gạt luật năm 1965 sang một bên. Ví dụ được viện dẫn nhiều nhất là Tổng thống Jimmy Carter từng “cấm cửa” một số người Iran trong cuộc khủng hoảng năm 1980, khi 52 người Mỹ bị bắt làm con tin tại Tehran.

Ông Trump nói gì?

Ông Trump nói rằng việc dừng chương trình tị nạn là cần thiết nhằm cho phép các cơ quan chính phủ có thời gian để đưa ra một hệ thống xét duyệt chặt chẽ hơn và để đảm bảo rằng thi thực không được cấp cho những cá nhân có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.

Người Syria xin định cư tại Mỹ hiện cũng đã phải trải qua một quá trình kiểm tra nhân thân và an ninh phức tạp, một quá trình có thể mất từ 18-24 tháng.

Những người chỉ trích nói gì?

  Trong số 84.995 người tị nạn đến Mỹ vào năm 2016 có 12.486 người đến từ Syria, theo Trung tâm nghiên cứu Pew (Ảnh: Reuters)

Trong số 84.995 người tị nạn đến Mỹ vào năm 2016 có 12.486 người đến từ Syria, theo Trung tâm nghiên cứu Pew - Ảnh: Reuters

Các nhóm nhân quyền nói rằng, sắc lệnh của ông Trump nhắm vào người Hồi giáo vì tín ngưỡng của họ. Các nhóm này tuyên bố họ sẽ thách thức động thái của ông về mặt pháp lý. Họ cũng nói chưa có người tị nạn nào bị kết án về các tội danh liên quan tới khủng bố.

Họ lập luận rằng các vụ tấn công gần đây nhất tại Mỹ do các công dân Mỹ hoặc các công dân từ các quốc gia không thuộc nhóm 7 nước trên gây ra. Ví dụ, vụ tấn công sân bay Fort Lauderdale (tháng 1/2017) do một công dân Mỹ gây ra. Vụ nổ súng tại hộp đêm Orlando (tháng 6/2016) do một công dân Mỹ có bố mẹ là người Afghanistan thực hiện. Vụ nổ súng tại San Bernardino (tháng 12/2015) do một công dân Mỹ có gốc mẹ là người Pakistan và một người Pakistan tiến hành.

Khi công bố sắc lệnh, ông Trump viện dẫn loạt tấn công khủng bố 11/9/2001. Nhưng không kẻ nào trong 19 tên không tặc thực hiện các vụ tấn công xuất thân từ các quốc gia có tên trong nhóm 7 nước. Các phần tử khủng bố này tới từ Ả-rập X-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Li-băng.

Những người chỉ trích cũng nói rằng danh sách 7 nước của ông Trump chủ yếu bao gồm các quốc gia nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh.

Video: Những cái "nhất" của nhà Trump

(Nguồn: Dân Trí)
Bình luận
vtcnews.vn