• Zalo

Những câu chuyện kỳ bí xung quanh ngôi 'nhà ma' số 300 Kim Mã, Hà Nội

Thời sựChủ Nhật, 06/09/2015 04:22:00 +07:00Google News

Bi an nha ma 300 Kim Ma : Những chuyện không có lời đáp và ngày càng trở nên huyền bí bởi từ xưa người ta đã thêu dệt lên những câu chuyện để hù dọa trẻ con.

Những bí ẩn về khu nhà ma 300 Kim Mã không có lời đáp và ngày càng trở nên huyền bí bởi từ xưa người ta đã thêu dệt lên những câu chuyện để hù dọa trẻ con.

Trong nhiều năm qua, những bí ẩn về khu nhà ma 300 Kim Mã sở dĩ không có lời đáp và ngày càng trở nên huyền bí bởi nguyên nhân sâu xa là từ xa xưa người ta đã thêu dệt lên những câu chuyện để hù dọa trẻ con bằng các sản phẩm của trí tưởng tượng.

Thậm chí đến nay, một số “già làng” ở làng Vạn Phúc (Kim Mã, Ba Đình) vẫn kể cho con cháu nghe những “truyền thuyết” không có thật ấy, cộng hưởng thêm một số chuyện tình cờ như khu nhà đó “bị bỏ hoang” khiến mọi chuyện càng bị đẩy đi xa hơn.

Gần như không có câu chuyện nào về khu “nhà ma” Kim Mã mà bà Thái Thị Tẹo chưa từng nghe qua. Ảnh: Phong Nguyên

Kỳ thực, bất cứ chuyện gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó và khi chưa tìm được lời giải đáp chính xác, người ta hay hư cấu, thêu dệt để chuyện trở nên phức tạp hơn.

Chúng tôi xin gửi tới quý độc giả một số chuyện người ta thêu dệt về khu nhà này thông qua cuộc trò chuyện giữa phóng viên và bà Thái Thị Tẹo (73 tuổi) – người làng Vạn Phúc.  

Sinh ra và lớn lên ở làng Vạn Phúc (Kim Mã, Ba Đình), ở độ tuổi thất thập cổ lai hy có thể khẳng định bà Thái Thị Tẹo là một trong số ít người được xem là “từ điển sống” ở khu vực này. Gần như không có câu chuyện nào về khu “nhà ma” Kim Mã mà bà Tẹo chưa từng nghe qua.

Bà Tẹo cho biết, bà bán trà đá vỉa hè ở khu vực gần nhà ma 300 Kim Mã được gần 20 năm nay. Dạo trước, khách nào qua hỏi chuyện gì bà cũng nói, thậm chí bà kể rất say sưa. Đó là thú vui mà bà vẫn đùa là “kiếm câu chuyện làm quà” để giữ chân khách.

Nhưng gần đây, chứng kiến nhiều bạn trẻ hiếu kỳ, có nhiều hành động mê tín dị đoan thái quá, phải khó khăn lắm chúng tôi mới thuyết phục được người phụ nữ lớn tuổi này mở lời.

“Thú thật là giờ tôi ngại kể những chuyện ma mị như thế lắm. Ngày xưa đó là cách để hút khách đến với quán nước của tôi, giờ mọi chuyện đã đi quá xa nên tôi không muốn kể nữa”, bà Tẹo trải lòng.

Phải xin “Ngài” mới cho cá về

Câu chuyện đầu tiên mà bà Tẹo kể liên quan tới “truyền thuyết” về một cái ao nằm cạnh khu đất đó.

Theo bà Tẹo, khu đất đó trước đây thực ra là nghĩa địa của làng Vạn Phúc, bên cạnh là bãi tha ma khác của Tàu. Cạnh đó có một cái ao, một cây gạo rất lớn và một cái miếu gọi là Miếu Ông.

“Bố mẹ tôi kể lại có một lần hết năm, người ta tát cái ao đó. Ban đầu họ nhìn thấy rất nhiều cá, nhưng lúc ao cạn thì lại không thấy một con cá nào.

Nghe nói khi đó dân làng vì mê tín đã lập một cái lễ ở Miếu Ông xin thì Ngài mới lại cho cá về”, bà Tẹo nhớ lại.

Tuy nhiên, người phụ nữ này khẳng định đó là chuyện bố mẹ tôi kể lại chứ mắt tôi không trông thấy.

Lập bàn thờ ở gốc cây để không bị công an “đuổi”  

Trước đây, bà Tẹo bán nước ở ngay gốc cây bàng cạnh cổng "nhà ma" số 300 Kim Mã. Theo lời bà, hồi đó bà ốm đau triền miên.

“Có dạo gần tết tôi cảm tưởng phải nhập viện chứ không ăn tết ở nhà với con được. Thấy vậy, người già mách tôi đi gọi hồn mẹ tôi.

Nghe lời một thầy bói ở Đông Anh, tôi về lập một cái bàn thờ nhỏ ở gốc cây. Do chưa mua được bát hương nên tôi đã lấy một vỏ chai coca to, cắt phần đầu đi, rửa sạch, phơi khô. Sau đó tôi thấy người ta đốt lá có một đống tro, tôi đổ tro vào đó để nó giống như một bát hương thực sự”, bà Tẹo cho biết.  

Để bát hương tự chế không bị gió thổi bay, bà Tẹo cho hay bà đã lấy một viên gạch chèn nó vào gốc cây. Hàng ngày, bà đều thắp hương cầu xin sức khỏe, làm ăn phát đạt.

Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về tình trạng sức khỏe của bà kể từ khi bà tự lập bàn thờ cúng “cây”, bà Tẹo cho biết giờ bà bệnh là do tuổi già, sức yếu, nhưng vẫn chưa phải đi viện, đi khám là nhờ “các Ngài”.

Trước việc bà Tẹo lấn chiếm vỉa hè kinh doanh trái phép, được biết công an phường, quận đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí dẹp hàng quán của bà.

Thấy vậy, bà Tẹo bỏ tiền ra mua bát hương thật về cúng. Thấy bà Tẹo cúng, một thanh niên trẻ thỉnh thoảng cũng mang hoa quả tới đây thắp hương.

Với hi vọng hàng quán không bị dẹp bỏ, bà Tẹo nói với công an: “Các chú, hàng năm bố mẹ các chú có đi lễ chùa không? Tôi ngồi đây bán hàng là để thắp nén hương thôi. Các chú đập phá làm gì?”.

Dù vậy, lực lượng công an vẫn không dưới 3 lần yêu cầu bà Tẹo dọn hàng quán, không lấn chiếm vỉa hè khu phố. Trước sự quyết liệt của công an phường, cuối cùng bà Tẹo cũng phải đổi địa điểm kinh doanh.

Bà Tẹo cho hay, không lâu sau đó, chàng trai ấy không quay trở lại đây thắp hương thêm một lần nào nữa và chính bà Tẹo cũng không trở lại đó thắp hương nữa.

Lại chuyện hư cấu từ một “nhà tâm linh”

Bà Tẹo kể cách đây vài năm có một nhà tâm linh khi đi qua đây, dừng lại rồi “phán” trong khu nhà đó có người chết trẻ đang vẫy tay cầu cứu mọi người đưa người ta ra chứ ở trong này người ta khổ quá. Tay người ta thò ra, cứ vẫy vẫy kêu cứu.

“Bảo vệ không cho vào nên chúng tôi cũng không làm được gì. Khi tôi hỏi tại sao tôi không thấy người đó, nhà tâm linh nói: Bà là người thường không nhìn thấy đâu, nhưng mà tôi nhìn thấy”, bà Tẹo kể.

Bọn trẻ cho rằng mắt tôi bị kèm nhèm

Gần đây, vào ban đêm, nhất là vào tháng cô hồn, bà Tẹo chứng kiến ngày càng có nhiều người vào “tham quan” khu nhà ma đó.

“Toàn các bạn trẻ trèo qua tường vào chụp ảnh rồi la hét trêu nhau. Có lần có vài cậu thanh niên chừng 15 – 17 tuổi sau khi đột nhập vào khu nhà ra cho tôi xem một số bức ảnh nói là có bóng ma trong đó.

Thực ra ảnh họ chụp bằng điện thoại, tôi chẳng thấy gì họ bảo mắt tôi bị kèm nhèm”, bà Tẹo cho biết.  

Video: Khám phá ngôi nhà ma số 300 Kim Mã 

Trên đây mới chỉ là 4 trong số rất nhiều câu chuyện người ta thêu dệt về khu nhà này. Không có cơ sở nào để tin rằng đó là những chuyện có thật, nhưng vì người ta chỉ tung ra một nửa sự thật nên những lời đồn đoán ngày càng xa thực tế hơn.

Nói về việc rất nhiều những câu chuyện ma quái được thêu dệt quanh ngôi nhà ma số 300 Kim Mã, trao đổi với báo chí, ông Hồ Quang Hòa - một cán bộ Trung ương Đoàn hưu trí nhà ở gần với căn nhà số 300 Kim Mã lý giải:

"Do người ta không giải thích được vì sao giữa Thủ đô nhộn nhịp, hoa lệ mà lại tồn tại một ngôi nhà to để hoang, dãi dầu năm tháng nên đã nghĩ ra chuyện ma quỷ nhảm nhí để giải thích”.

Nguồn: Giáo dục Việt Nam
Bình luận
vtcnews.vn