• Zalo

Những cặp đối thủ 'truyền kiếp' trong kinh doanh

Kinh tếThứ Hai, 29/09/2014 07:57:00 +07:00 Google News

Cạnh tranh giữa Coca-Cola và Pepsi, Airbus và Boeing hay McDonald’s và Burger King là những cuộc chiến thương hiệu nổi tiếng mọi thời đại.

Cạnh tranh giữa Coca-Cola và Pepsi, Airbus và Boeing hay McDonald’s và Burger King là những cuộc chiến thương hiệu nổi tiếng mọi thời đại.

1. Coke và Pepsi

Cuộc chiến giữa Coke và Pepsi vượt mọi khoảng cách, thời gian và văn hóa. Đây là cũng là một trong những cuộc chiến quan trọng nhất trong lịch sử tư bản chủ nghĩa. Nó diễn ra ở mọi nơi, từ các siêu thị, sân vận động cho đến phòng xử án.
 

Năm 1886, nhà hóa học người Georgia lần đầu tiên giới thiệu Coca-Cola, “thức uống dành cho những người bị rối lọan thể chất và tinh thần”.

Bảy năm sau đó, Pepsi ra mắt thị trường. Công ty này đã tận dụng thời buổi khó khăn trong cuộc Đại suy thoái. Giống như Coke, Pepsi có giá chỉ 5 xu Mỹ và được đóng vào chai 350ml, gần gấp đôi kích cỡ nhỏ nhắn của chai Coke. Dù vậy, đến những năm 1950, Pepsi vẫn chỉ lên tới đến vị trí số 2 trên thị trường nước giải khát.

Pepsi sau đó đã thu nạp Alfred Steele, cựu nhân viên quảng cáo của Coke, người đã rời khỏi Coke với tâm trạng bực dọc và đầy tham vọng. Khẩu hiệu của anh ta là “Đánh bại Coke”. Còn Coca-Cola chẳng thèm gọi tên Pepsi mà coi là “Kẻ bắt chước”. Nhưng không lâu sau đó, Coke bắt đầu thay đổi thậm chí bắt chước Pepsi để giữ vững vị trí số 1.

Năm 1979, lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số bán hàng tại các siêu thị của Pepsi vượt Coke. Tuy nhiên thời hoàng kim ấy không kéo dài lâu.

Năm 1996, tạp chí Fortune nhận định cuộc chiến Cola đã kết thúc. Kể từ đó, Pepsi tập trung phát triển đồ ăn nhẹ và chú trọng đến vấn đề sức khỏe người tiêu dùng. Hiện thức uống được ưa thích nhất tại Mỹ là Coke và Diet Coke (Coke dành cho người ăn kiêng).

2. Ford và GM

Năm 1903, hãng xe hơi Ford được thành lập. 9 năm sau đó, GM ra đời. Đến nay, cuộc chiến giữa 2 hãng xe hơi đã kéo dài 101 năm. Trụ sở 2 công ty chỉ cách nhau 19 km nên việc chạm mặt, tranh chấp nhau xảy ra như cơm bữa. Ford và GM lúc nào cũng tìm cách để “dìm hàng” những dòng sản phẩm mới của đối phương.
 

Năm 2011, Jim Farley, giám đốc Marketing của Ford tuyên bố: “Tôi ghét họ và cả sản phẩm của họ”. Đổi lại, chủ tịch tập đoàn GM kiêm CEO Dan Akerson lại đề xuất ý kiến té nước thánh lên dòng xe xa hoa Lincoln của Ford.

3. Thomas Edison và Nikola Tesla

Năm 1884, nhà phát minh nổi tiếng Thomas Edison đã mời một kỹ sư trẻ tài năng người Serbia tên Nikola Tesla về văn phòng của mình tại New York. Trước đó, Tesla đã có vài năm nghiên cứu về dòng điện một chiều tại trụ sở ở Paris của Edison. Khi đó, động cơ điện một chiều của Edison được coi là nhất.
 

Tuy nhiên, trong thời gian làm việc, Tesla nảy ra ý tưởng về một phương pháp mới sử dụng dòng điện xoay chiều cho phép truyền tải điện năng lớn trên quãng đường dài.

Tesla cho biết Edison đã bãi bỏ ý tưởng này vì cho rằng rất lãng phí thời gian chưa kể điến mức độ nguy hiểm do điện áp quá cao.

Vì thế, Tesla đã tự mình thiết kế một vài sản phẩm với hi vọng sẽ nhận được khoản tiền thưởng hậu hĩnh khoảng 50.000 USD (tương đương với 1 triệu USD ngày nay). Thế nhưng khi đề cập chuyện này với Edison thì ông lại gạt phắt đi và coi nó từ đầu tới cuối chỉ như một trò hề.

Tesla không từ bỏ. Rời khỏi công ty của Edison, Tesla bắt đầu gây dựng sự nghiệp bằng việc thu hút sự chú ý của tập đoàn Westinghouse. Công ty này đồng ý xây dựng nhà máy điện sử dụng dòng điện xoay chiều theo công nghệ của anh. Tesla đăng ký được bằng sáng chế cho phát minh của mình.

Từ đó cuộc chiến mang tên Thomas Edison và Nikola Tesla chính thức bắt đầu. Khi nghe tin Westinghouse lấn sân sang ngành công nghiệp điện, Edison ra sức nhạo báng. Nhưng không lâu sau đó, ông bị dư luận “ném đá” vì tội chê bai dòng điện xoay chiều.

Để bảo vệ quan điểm của mình và chứng minh mức độ nguy hiểm của dòng điện xoay chiều, Edison đã tiến hành một loạt thí nghiệm giật chết chó, bò, ngựa và thậm chí cả voi. Những thí nghiệm vô cùng kinh hoàng này cũng không thay đổi được thực tế rằng dòng điện xoay chiều là một phát minh lớn có giá trị thực tiễn cao. Hiển nhiên trong cuộc chiến này Nikola Tesla là người chiến thắng.

4. Nike và Reebok

Cuộc chiến giữa Nike và Reebok kéo dài suốt hơn 3 thập kỷ đã tạo nên văn hóa thời trang của các vận động viên nổi tiếng. Khởi đầu của Nike và Reebok không khác nhau nhiều.
 

Phil Knight, nhà sáng lập Nike, đã từ bỏ sự nghiệp kế toán để thành lập công ty nhập khẩu giày chạy bộ, phân phối cho thị trường Mỹ.

Paul Fireman, nhà sáng lập Reebok bỏ học đại học Boston để gánh vác việc kinh doanh của gia đình. Ông được quyền phân phối các dòng giày đế mềm của Anh trên thị trường bắc Mỹ.

Do Nike chỉ nhắm vào đối tượng khách hàng là nam giới, bỏ qua nhu cầu vô cùng lớn của nữ giới nên đã bị Reebok vượt mặt vào năm 1987. Nhưng cuối cùng Nike cũng giành lại vị trí của mình nhờ việc ký hợp đồng với ngôi sao Michael Jordan. Reebok phản ứng lại bằng cách ký hợp đồng với Shaquille O'Neal. O’Neal từng xuất hiện tại buổi gặp mặt Nike trong chiếc áo khoác có in đậm logo của Reebok.

Việc cạnh tranh giữa hai thương hiệu cứ thế tiếp diễn đến năm 2005 khi Adidas mua lại Reebok. Tuy nhiên, Adidas và Reebok hợp lại vẫn thua xa Nike.

5. Bill Gates và Steve Jobs

Bill Gates và Steve Jobs được ví như mặt trăng với mặt trời. Gates sinh ra trong một gia đình khá giả, được theo học tại ngôi trường Harvard tiếng tăm lẫy lừng.
 

Trong khi đó, Jobs lớn lên trong điều kiện thiếu thốn vào đại học Reed, nhưng cũng không đi học thường xuyên. Gates phải tự viết code cho những sản phẩm đầu tiên của Microsoft, còn Jobs – một tài năng tiếp thị bẩm sinh thì nhờ cậy vào Steve Wozniak để thiết kế ra chiếc máy tính Apple đầu tiên.

Gates là điển hình của những con nghiện máy tính, trong khi Jobs ngay từ đầu đã rất khéo léo. Thế rồi họ đối đầu nhau trong cuộc cách mạng máy tính diễn ra như vũ bão.

Mặc dù cả hai đều chưa từng tốt nghiệp đại học, chưa từng trải qua khóa đào tạo nào về kinh doanh nhưng họ đều biết cách kiếm tiền và dùng tiền để cạnh tranh. Trong 2 thập kỷ đầu của cuộc chiến, Gates dẫn đầu với hệ điều hành window được coi là mặc định của mọi máy tính trên thế giới.

Đến năm 1997, Jobs buộc phải nhận từ Gates món đầu tư 150 triệu USD để tiếp tục tồn tại. Nhưng trong 15 năm cuối đời, Jobs đã gần như lật ngược tình thế, khi cho ra mắt những dòng sản phẩm như máy nghe nhạc, điện thoại thông minh hay máy tính bảng.

Là đối thủ cạnh tranh trong một khoảng thời gian khá dài, Gates và Jobs hiểu hơn ai hết những thành tựu mà đối phương đạt được. Bởi vậy mối quan hệ của họ cũng khá tốt trong nhiều năm trước khi Jobs qua đời.

6. HP và IBM

Chiến thắng của Hewlett-Packards trước IBM thực ra không mấy ngọt ngào. Năm 2006, doanh thu của HP vượt IBM. Tuy nhiên doanh thu không phải tiêu chí duy nhất để đo sự thành công. Ngay từ những ngày đầu bước vào thị trường công nghệ thông tin, HP và IBM đã ở hai thái cực đối lập. IBM tập trung chủ yếu vào nghiên cứu kỹ thuật trong khi HP thiên về bán hàng.
 

Chỉ tính trong một thập kỷ, số lượng CEO của HP đã nhiều hơn của IBM tính từ cuối thời chủ tịch Watson. IBM luôn đưa ra những kế hoạch phát triển dài hạn từ 5 năm trở lên trong khi HP thích những bước nhanh và có phần xốc nổi.

7. Airbus và Boeing

Cuộc đối đầu giữa Airbus và Boeing không chỉ về những chiếc may bay. Ngành công nghiệp hàng không trị giá 160 tỷ USD là cốt lõi của nền kinh tế quốc gia, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người, chưa kể đó còn là niềm tự hào của công dân.
 

Mặc dù Boeing từng một thời thống trị nhưng năm 2003, Airbus, công ty con của tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu đã vươn lên dẫn trước. Kể từ đó, những căng thẳng chính trị cũng nóng dần lên.

Những quan chức thương mại ở cả hai lục địa đều thích tranh thủ những bài báo để cáo buộc lẫn nhau. Tuy nhiên cả hai bên đều có cái lý của họ.

Năm 2011, một nguồn tin bị rò rỉ đã tiết lộ lá thư của thủ tướng Bush gửi cho vua Abdullah của Ả Rập Saudi thúc giục việc mua máy bay Boeing. Cũng cùng năm đó, Airbus lại nhận được hàng tỷ USD tiền trợ cấp.

8. Union Pacific và Central Pacific

Cuộc đua được tổng thống Mỹ Abraham Lincoln khai màn năm 1862. Trong khi Union Pacific khởi công xây dựng đường sắt từ Omaha sang phía Tây, thì Central Pacific bắt tay vào xây dựng tuyến đường sắt từ Sacramento theo hướng Đông.
 

Theo kế hoạch họ sẽ gặp nhau tại Utah, mỗi bên đều được trợ cấp tính theo độ dài của đường ray. Tuy nhiên, căng thẳng diễn ra dẫn đến tình trạng đổ máu.

Trong khi hãng Central Pacific thuê những lao động là người Trung Quốc nhập cư thì công nhân Union thuê là người     Ireland. Rất nhiều người đã phải bỏ mạng trong cuộc đua này.

9. McDonald’s và Burger King

Cuộc chiến giữa McDonald’s và Burger King chính thức bắt đầu từ giữa thế kỷ 20 khi cả 2 công ty đều mới nổi, còn phải tranh nhau thị phần. Năm 1957, nhận ra rằng không thể cạnh tranh được với Hamburger 15 xu Mỹ của McDonald, Burger King cho ra mắt Whopper, loại burger to hơn với giá 37 xu Mỹ. Đáp lại, năm 1968, McDonald’s giới thiệu Big Mac.
 

Burger King chính thức tuyên chiến vào năm 1982 khi phát động chiến dịch quảng cáo khẳng định chắc nịch rằng khách hàng chuộng Whopper hơn sản phẩm của McDonald’s và Wendy’s. Hai công ty này đáp trả bằng việc kiện Burger King vi quảng cáo sai sự thật.

Năm 1997, Burger King tiếp tục tung ra món mới là khoai tây chiên với dòng chữ trên “Mùi vị đánh bại cả McDonald’s”. McDonald’s ra đòn đáp trả bằng một chiến dịch quảng cáo dìm hàng. Cuộc chiến chỉ dịu đi khi Burger King chịu tác động của việc liên tục  đổi chủ và CEO.

Theo Zing
Bình luận
vtcnews.vn