Phóng sự

Những cánh bay nhanh hơn tử thần

Thứ Sáu, 09/02/2024 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Gửi gắm vợ đang chuyển dạ cho đồng nghiệp, chấp nhận không kịp nhìn mặt người thân lần cuối… những chiến sỹ áo trắng lên trực thăng đi giành sự sống với tử thần.

“Ngại quá, lần nữa phải lỡ hẹn với các em. Cả nhóm lại vừa nhận lệnh, đã lên trực thăng đi rồi”, tin nhắn từ người phụ trách truyền thông của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) gửi cho chúng tôi lúc 23h39.

Theo lịch, sáng hôm sau chúng tôi sẽ có cuộc gặp với Tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175. Thế nhưng, lần thứ ba, chúng tôi lại bị lỡ hẹn.

Cuộc gọi lúc nửa đêm

Quá tam ba bận, chúng tôi gặp được các chiến sỹ áo trắng hai ngày sau đó, tại khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Quân y 175. Họ trẻ hơn hình dung của chúng tôi và luôn tươi vui, tràn đầy năng lượng.

Những cánh bay nhanh hơn tử thần - 1

Tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 đưa bệnh nhân từ đảo Trường Sa về bãi đỗ trực thăng của bệnh viện.

Bác sỹ Nguyễn Văn Nghĩa đang kiểm tra lại huyết áp cho bệnh nhân N.S (ngụ đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa), người “khiến” chúng tôi lỡ hẹn với nhóm. Hai ngày trước (22/10), anh N.S lặn biển đánh bắt thủy sản ở độ sâu hơn 30m. Vừa lên khỏi mặt nước, anh có cảm giác đau nhức toàn thân, hai chân bắt đầu tê cứng và rất nhanh sau đó không thể cử động được.

Anh được người nhà đưa đến bệnh xá đảo Song Tử Tây trong tình trạng suy hô hấp nặng, liệt tay chân. Các bác sỹ chẩn đoán anh bị giảm áp mức độ nặng (hội chứng thùng lặn), gây tắc mạch khí đa cơ quan, tiên lượng rất xấu nếu không cứu chữa kịp thời. Tuy nhiên, điều kiện y tế trên đảo không thể đáp ứng.

Qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine, các bác sỹ tại bệnh xá đảo Song Tử Tây hội chẩn online cùng Bệnh viện Quân y 175, được hỗ trợ phác đồ cấp cứu cụ thể và nhận chỉ định phải đưa bệnh nhân về đất liền gấp.

0 giờ, trực thăng EC 225, số hiệu VN8619 của Binh đoàn 18 đáp xuống sân đỗ Bệnh viện Quân y 175, đón hai bác sỹ Nguyễn Văn Nghĩa, Đỗ Cao Thụy Vy và hai điều dưỡng Trần Thế Sỹ, Nguyễn Phúc Mạnh lên đường.

Những cánh bay nhanh hơn tử thần - 2

Đưa bệnh nhân từ đảo Song Tử Tây ra trực thăng.

Đã quá quen với những cuộc gọi lúc nửa đêm, những chuyến công tác phải xuất phát ngay trong vòng vài chục phút nên cả nhóm không mấy bất ngờ. Thế nhưng, chuyến bay đêm đó lại đưa họ vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

5h sáng, trực thăng chuẩn bị đáp đảo Song Tử Tây, tín hiệu sóng bắt đầu kết nối được với đất liền, nhóm nhận được thông tin khẩn: Thêm một bệnh nhân khác ở đảo Sinh Tồn gặp tai nạn, đang trong tình trạng nguy kịch cần đưa về đất liền gấp.

“Ngay lập tức nhóm xin ý kiến chỉ đạo của Tổ chuyên gia bệnh viện, lên phương án vận chuyển, vì trước nay chưa từng có trường hợp cùng một chuyến bay mà ghé 2 đảo, cấp cứu 2 người như vậy. Ngoài việc trang thiết bị trên trực thăng không đủ, vấn đề nhiên liệu để bay nhiều chặng dường như là không thể”, bác sỹ Nguyễn Văn Nghĩa nói.

Từ đảo Song Tử Tây đến đảo Sinh Tồn gần 70 hải lý, mất hơn 2 giờ bay. Nếu tới cả hai đảo, trực thăng chắc chắn không đủ nhiên liệu quay về đất liền. Còn nếu không tới đảo Sinh Tồn, cơ hội sống của một người sẽ bị bỏ lỡ. Điều này khiến bác sỹ Nghĩa cùng ekip rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Cứu người là trên hết, cả nhóm thống nhất bằng mọi cách phải đưa được cả hai bệnh nhân về đất liền. Sau khi có ý kiến của Tổ chuyên gia, một quyết định táo bạo được đưa ra: Nhóm sẽ đưa bệnh nhân từ đảo Song Tử Tây về “gửi” ở đảo Trường Sa Lớn, sau đó, bay qua đảo Sinh Tồn đón bệnh nhân còn lại. Quay về đảo Trường Sa Lớn, trực thăng sẽ tiếp thêm nhiên liệu, đưa cả hai bệnh nhân về đất liền.

Vấn đề nhiên liệu đã được giải quyết. Tuy nhiên, vẫn chưa có phương án để đủ thiết bị y tế cho hai bệnh nhân.

Những cánh bay nhanh hơn tử thần - 3

Ekip cấp cứu cho bệnh nhân bị giảm áp nặng tại đảo Song Tử Tây.

“Trên trực thăng chỉ có một máy thở. Với bệnh nhân đầu tiên, là trường hợp bị giảm áp nặng, việc trực thăng cất và hạ cánh càng thêm nguy cơ trở nặng, nên thường thì máy thở sẽ được gắn luôn cho bệnh nhân. Nhưng bệnh nhân thứ hai đang bị chấn thương sọ não, hôn mê, phải luôn được kiểm soát về đường thở, nếu trong lúc bay bệnh nhân trở nặng cần máy thở mà không có thì rất khó xử lý”, bác sỹ Nghĩa nhớ như in tình huống khó khăn hôm đó.

Cả nhóm hội ý nhanh và quyết định phối hợp, vận dụng mọi kỹ năng chuyên môn, giữ máy thở, phòng trường hợp xấu nhất.

Ở đảo Song Tử Tây, bệnh nhân N.S nặng hơn 80 kg, lại có bệnh lý liên quan đến giảm áp cần di chuyển nhẹ nhàng, nên việc khiêng lên trực thăng rất khó khăn. Nhóm phải nhờ vào sự trợ giúp của cơ trưởng Phạm Ngọc Hoài cùng nhiều người đang có mặt tại bệnh xá, đưa bệnh nhân lên trực thăng nhẹ nhàng nhất và phối hợp để trực thăng cất cánh êm nhất. May mắn, việc di chuyển bệnh nhân suôn sẻ, bay tới “gửi” ở đảo Trường Sa Lớn thuận lợi.

Đáp đảo Sinh Tồn, nam bệnh nhân H. được tiếp nhận trong tình trạng hôn mê sâu, chấn thương sọ não nặng, gãy xương đòn do ngã từ trên cao, tiên lượng cực xấu. Ekip lập tức đặt ống nội khí quản và cho thở máy kiểm soát.

“Nếu máy thở được dùng cho bệnh nhân N.S trước đó, thì đến đảo Sinh Tồn, bệnh nhân H. thật sự mất đi cơ hội sống”, bác sỹ Nghĩa nói.

Cùng bệnh nhân H. quay về đảo Trường Sa Lớn, trực thăng tiếp thêm nhiên liệu và đón bệnh nhân N.S, bắt đầu hành trình về đất liền. Vượt qua thời tiết xấu, đầu giờ chiều 23/10, cả hai bệnh nhân cùng ekip an toàn đáp bãi đỗ Bệnh viện Quân y 175.

Những cánh bay nhanh hơn tử thần - 4

Đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân hôn mê sâu tại đảo Sinh Tồn.

Việc riêng để sau

Bác sỹ Nguyễn Văn Nghĩa tâm sự: “Hồi mới bay cấp cứu, bắt đầu bước chân lên trực thăng là hồi hộp lắm. Nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề, nhưng lại rất vinh dự tự hào, vì mình đi cứu người mà!”.

Đến hiện tại, số chuyến bay cấp cứu không thể đếm nổi trên đầu ngón tay. Những cảm xúc ban đầu cũng dần lắng xuống. Trên hết, đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của người thầy thuốc trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. BS Nghĩa nhắc đến trường hợp BS Trần Thế Sỹ và Đại úy Nguyễn Cảnh Chung.

Bác sỹ Trần Thế Sỹ là cháu đích tôn của dòng họ. Đêm anh nhận thông tin có ca bệnh ở Trường Sa cần cấp cứu về đất liền gấp, cũng là lúc hay anh tin ông nội đang hấp hối vì tuổi già. Giữa việc gia đình và nhiệm vụ, giữa cơ hội gặp mặt người ông thân thương lần cuối và cơ hội cứu sống một mạng người, anh quyết định nén nỗi đau riêng, lên đường ra đảo. Và, ca cấp cứu cam go hôm đó thành công ngoài mong đợi.

Trường hợp khác, là chuyện “gửi vợ” của bác sỹ Nguyễn Cảnh Chung, đến bây giờ vẫn khiến cả nhóm bật cười khi nhắc đến.

Vợ bác sỹ Chung mang thai đã qua tuần thứ 38. Anh đưa vợ vào khoa Sản của bệnh viện để tiện chăm sóc. Đúng đêm ca trực của anh, chị chuyển dạ.

Những cánh bay nhanh hơn tử thần - 5

Bác sỹ Vũ Đình Ân, Chủ nhiệm khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Quân y 175 thăm khám cho bệnh nhân.

“Lúc đó tôi tính nhờ trực để chạy qua chỗ vợ một lát, nhưng chưa kịp đi thì nhận được thông báo có ca bệnh ở Trường Sa cần lên đường ngay. Lúc đó thật sự tôi rất khó xử, nhưng ca trực của mình, việc quan trọng mình phải có trách nhiệm. Thế là tôi quyết định “gửi vợ” cho đồng nghiệp để ý giùm”, bác sỹ Chung kể.

Bác sỹ Vũ Đình Ân - Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực cho biết, từ năm 2012 đã có những chuyến bay vận chuyển người bệnh từ Trường Sa về đất liền cấp cứu. Tuy nhiên, phải đến năm 2016, hoạt động này mới được tổ chức một cách bài bản với Tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175.

Đến nay, Tổ cấp cứu đường không đã thực hiện hơn 100 chuyến bay, cấp cứu thành công 100% ca bệnh, trong đó, 65% là ngư dân đang lao động, sản xuất trên biển, và khoảng 35% là cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa.

Trường hợp cấp cứu bệnh nhân từ giàn khoan do bác sỹ Phạm Trường Thanh làm trưởng nhóm là một minh chứng. Khi đến nhà giàn, thời tiết chuyển biến xấu, trực thăng không thể đáp, nhóm phải sử dụng tời để đưa người lên/xuống.

“Lơ lửng giữa biển đêm, phía dưới là sóng xô cao gầm gừ, gió rít cuồn cuộn…, người can đảm đến mấy cũng phải lo. Tuy nhiên, vào những tình thế đó, tinh thần người lính trong các y, bác sỹ lại cao hơn bao giờ hết. Mặc kệ những trận ói tím tái mặt mày vì say sóng, bằng mọi giá phải cứu người, phải hoàn thành nhiệm vụ”, bác sỹ Vũ Đình Ân nói.

Và rồi, bệnh nhân được đưa về đất liền cấp cứu thành công.

Thy Huệ - Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn