Viên thanh quản cấp tính
Viêm thanh quản cấp tính là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến khản giọng và mất giọng nói, căn bệnh này thường khởi phát một cách đột ngột. Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản cấp tính là do nhiễm virus dẫn đến sưng các dây thanh âm.
Cách điều trị tốt nhất là uống nhiều nước và nghỉ ngơi hoặc hạn chế nói. Nếu bạn chủ quan, việc các dây thanh âm bị chấn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến không thể nói được. Vì căn bệnh này là do virus nên việc sử dụng kháng sinh sẽ không có hiệu quả. Việc nhiễm khuẩn thanh quản là rất hiếm và thường kèm theo khó thở. Nếu trong trường hợp thấy khó thở thì bệnh đã rất nghiêm trọng và cần phải được điều trị kịp thời.
Viêm thanh quản mãn tính
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm thanh quản mãn tính. Có thể là do bệnh trào ngược axit, do tiếp xúc với các chất kích thích như khói thuốc lá, hoặc bị nhiễm trùng như bị nhiễm nấm men ở thanh quản khi dùng máy hô hấp để điều trị bệnh hen suyễn. Các bệnh nhân hóa trị hoặc những người có hệ miễn dịch kém cũng dễ bị viêm thanh quản mãn tính.
Trào ngược hầu - thanh quản
Hiện tượng trào ngược dịch dạ dày lên cổ họng có thể gây ra rất nhiều triệu chứng ở thực quản và cả cổ họng như khàn tiếng thường xuyên hoặc từng cơn, khó nuốt, sưng u ở cổ họng, đau cổ họng. Bệnh trào ngược hầu - thanh quản có thể xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng ợ nóng nào hoặc không có dấu hiệu của trào ngược axit.
Nói quá nhiều hoặc sử dụng giọng nói sai cách
Việc nói to, nói nhiều trong một khoảng thời gian dài hoặc sử dụng giọng nói sai cách đều có thể dẫn đến gặp khó khăn khi nói, giống như việc nâng tạ quá nặng có thể gây chấn thương ở vùng lưng. Khi cổ và cơ thanh quản bị kéo căng, kết hợp với hơi thở kém khi nói dẫn đến thanh quản bị yếu đi, khi nói phải gắng sức và khàn giọng. Việc nói quá nhiều hoặc nói sai cách cũng khiến bạn có nguy cơ bị các tổn thương dây thanh lành tính hoặc xuất huyết dây thanh quản.
Những tình huống thông thường có liên quan đến nói quá nhiều:
- Nói ở nơi quá ồn ào
- Sử dụng điện thoại di động quá nhiều
- Dùng vai và đầu để kẹp điện thoại khi nói
- Nói với cường độ, cao độ không phù hợp (quá cao hoặc quá thấp)
- Không sử dụng thiết bị khuếch đại âm thanh khi nói trước đám đông
Tổn thương dây thanh âm lành tính
Việc dây thanh âm bị tổn thương lành tính ngày càng tăng là do nói quá nhiều hoặc nói sai cách. Các tổn thương (hay các u) xuất hiện trên dây thanh khiến cho việc rung của dây thanh không như bình thường và dẫn đến khản giọng. Những tổn thương dây thanh phổ biến nhất là xuất hiện các nhân, khối u và u nang trên dây thanh. Các u này xuất hiện ở những dây thanh đối diện nhau và thường được điều trị bằng liệu pháp âm thanh để loại bỏ các tổn thương thanh âm đó.
Xuất huyết dây thanh âm
Nếu bạn bị mất giọng đột ngột sau khi hò hét, la ó, hoặc nói quá nhiều và quá sức, bạn có thể bị xuất huyết dây thanh quản. Hiện tượng này xuất hiện khi một trong những mạch máu trên bề mặt của dây thanh quản bị vỡ và các mô mềm của dây thanh âm xuất huyết. Việc mất giọng nói được coi là phản ứng khẩn cấp của cơ thể để các dây thanh này được nghỉ ngơi cho đến khi việc xuất huyết được thuyên giảm và chấm dứt.
Liệt nhẹ hoặc liệt hoàn toàn dây thanh quản
Khàn giọng hay gặp một số vấn đề khác ở giọng nói có thể xuất phát từ các cơ và dây thần kinh bên trong hộp âm hoặc thanh quản, phổ biến nhất là liệt hoặc yếu một hoặc cả hai dây thanh quản. Những người bị liệt dây thanh quản thường có giọng nói thều thào và rất nhỏ nhẹ. Người bệnh có thể mất vài tháng để hồi phục hoặc liệt vĩnh viễn.
Ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản là bệnh nghiêm trọng cần điều trị ngay lập tức. Những người thường xuyên bị khàn giọng cần đi khám tai mũi họng để xác định có phải bị ung thư thanh quản hay không. Khả năng chữa khỏi ung thư thanh quản là rất cao nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, hãy luôn lắng nghe giọng nói của mình để kịp thời phát hiện ra những vấn đề bất thường về sức khỏe.
Bình luận