• Zalo

Những 'cái bẫy' quảng cáo 'một nửa sự thật'

Kinh tếThứ Hai, 31/12/2012 07:16:00 +07:00Google News

Nhiều chiêu khuyến mại lại câu khách bằng những cái bẫy mập mờ về điều kiện hưởng khuyến mại.

Nhiều chiêu khuyến mại lại câu khách bằng những cái bẫy mập mờ về điều kiện hưởng khuyến mại.


Những cái "bẫy" mập mờ
Theo khảo sát của siêu thị Intimex, Fivimart, Metro Thăng Long, Trung tâm thương mại Vincom, Unimart... trong thời gian khuyến mại, số hàng hoá tiêu thụ tăng từ 15 - 30% so với trước thời gian khuyến mại. Đặc biệt là vào thời kì lạm phát, phải cắt giảm chi tiêu, khách hàng rất chú ý đến các cửa hàng có những biển hiệu: "Siêu giảm giá, "Đại hạ giá, "Sale off 50-70%", "Mua hàng có quà tặng".

Theo các thượng đế, mua sắm tại các cửa hàng giảm giá sẽ có cơ hội gom được hàng giá rẻ, chất lượng tốt.
Đánh vào tâm lí đó, nhiều siêu thị điện máy, trung tâm phân phối hàng hoá đã tung ra hàng loạt các chương trình khuyến mại kiểu giờ vàng với nhiều mặt hàng điện tử gia dụng được giảm giá đến 50\%. Những chương trình khuyến mại như vậy thu hút rất đông lượng khách. Hàng hoá có giá rẻ nhưng số lượng có hạn, do đó mỗi khách hàng chỉ được phép mua một sản phẩm.
Tuy nhiên, không phải siêu thị điện máy nào cũng nghiêm túc thực hiện theo đúng chương trình khuyến mại như vậy. Hình thức "Giờ vàng" chỉ dùng để bốc thăm lựa chọn người được mua và số lượng máy dành cho khuyến mại tại mỗi cửa hàng là rất ít. Nhưng thông tin về điều kiện khuyến mại giờ vàng là bốc thăm trúng thưởng hay số lượng hàng giảm giá hạn chế lại vô tình bị ẩn đi.
 

Là người tiêu dùng ai rất thích tìm mua những mặt hàng khuyến mại giảm giá để tiết kiệm chi phí. Do đó, không ít siêu thị trưng bày các quầy hàng treo biển giảm giá để thu hút khách mua. Nhưng cách trưng bày khuyến mại này cũng có dấu hiệu lập lờ, thiếu trung thực đối với khách hàng.
Theo phản ánh của nhiều khách mua hàng tại siêu thị, không chỉ ở quầy hàng bán quần áo mà rất nhiều quầy hàng khác cũng có tình trạng bày bán sản phẩm lẫn lộn giữa mã giảm giá và mã không giảm giá. Số tiền được giảm thì trình bày hàng chữ rất lớn nhưng mã sản phẩm giảm giá lại chỉ đề một dòng chữ nhỏ, mã dính trên các sản phẩm cũng không rõ ràng. Những khuyến mại kiểu này chỉ làm cho những người tiêu dùng mất niềm tin với cách bán hàng của một số siêu thị.
Chị Thu Trang (Ngọc Lâm, Hà Nội) cho biết: "Tôi có mua hai chiếc áo sơ sinh trong quầy hàng bán quần áo trẻ sơ sinh có treo biển tiết kiệm nhiều hơn với thẻ ưu đãi BigC Long Biên tại siêu thị BigC Long Biên. Theo đó, trên tấm biển có đề áo sơ sinh 49.900 đồng giảm giá 15.000 đồng so với giá hiện hành cho những khách hàng có thẻ ưu đãi của BigC, tức là một chiếc áo chỉ còn 34.900 đồng, chương trình áp dụng đến 4/9/2012".
Ở dưới tấm biển là một quầy hàng bày rất nhiều áo sơ sinh kiểu dáng và chất liệu gần giống nhau, có áo còn mác, có áo thiếu mác nhưng nghĩ là áo nào trong quầy này cũng có giá giảm như trên nên chị đã lấy 2 chiếc áo. Tuy nhiên, lúc tính tiền, nhân viên thu ngân quầy 38 lại tính nguyên giá 49.000 đồng. Khi chị Trang thắc mắc tại phòng tư vấn khách hàng, nhân viên tư vấn lại cho biết, chương trình khuyến mại này đã kết thúc mà chúng em chưa kịp sửa biển.
Sau đó, chị đã yêu câu một nhân viên phụ trách khu vực bày bán quần áo trẻ em cùng tôi quay lại khu vực bán hai chiếc áo trên để kiểm tra lại tấm biển. Khi nhìn thấy dòng chữ đề áp dụng đến 4/9/2012 thì nhân viên này lại giải thích như sau, mã được giảm giá là loại áo P- ASS - 013 (dòng chữ này đề cạnh tấm biển giảm giá rất nhỏ) còn 2 loại áo chị Trang chọn mua có mã là PASS 010 nên không được giảm giá.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước thông tin mập mờ
Với sự bùng nổ của Internet và thông tin, các doanh nghiệp đua nhau tung các chiêu thức khuyến mại gây sốc như: Giảm giá 83%, phát 100 vé miễn phí mỗi ngày, hay ưu đãi cước di động một năm... Nhưng sau khi tiếp cận, người tiêu dùng mới vỡ lẽ, nhiều người tỏ ra thất vọng và không ít người tỏ ra bức xúc vì cho rằng mình đã bị lừa.

Có rất nhiều điều kiện ràng buộc người tiêu dùng trong những hình thức khuyến mại như thế này nhưng hầu như các thông tin ràng buộc đó không được tiết lộ cho khách hàng cho tới khi khách hàng tìm mua sản phẩm.
Tình trạng nhiều chương trình khuyến mại mập mờ gây nhầm lẫn cho khách hàng hiện khá phổ biến. Các đơn vị, cửa hàng treo băng rôn, biển thông báo giảm giá nhưng không thông báo giá thời điểm trước và sau khi áp dụng khuyến mại cũng khiến khách hàng như bị lạc vào mê cung. Đó là chưa kể đến các chiêu thức sử dụng hàng tặng kèm kém chất lượng.
Ngoài việc quà tặng thường đảm bảo kém chất lượng hoặc sắp hết đát, thì số lượng cũng thường bị đánh lận con đen. Có cửa hàng điện tử nhỏ tung ra độc chiêu khuyến mại ăn bớt theo kiểu, mua đồ điện máy như mua tủ lạnh, tivi, máy giặt sẽ được tặng hẳn một thùng bia Heniken để đón Tết.

Tuy nhiên, đến khi nhận quà, khách hàng nào cũng choáng vì thùng bia tặng kèm chỉ có vẻn vẹn 6 lon chứ không phải là thùng lớn 24 lon như đã nhầm tưởng.
Ai đã từng sống ở thời bao cấp chắc hẳn không quên kiểu bán hàng mậu dịch lạc kèm bia. Tức là khách hàng muốn mua bia phải mua kèm theo đĩa lạc làm mồi. Tuy nhiên, điều đáng buồn là kiểu bán hàng này vẫn còn tồn tại ngay cả trong chiêu thức khuyến mại thời buổi kinh tế thị trường.
Anh Văn Long (Hàng Bài, Hà Nội) cho biết, nghe đến chương trình giảm giá máy ảnh trên trang web http://www.mayanhhoankiem.vn, anh tìm đến cửa hàng Máy ảnh Hoàn Kiếm (193B Bà Triệu) để chọn mua. So với các cửa hàng khác thì máy ảnh ở đây có giá rẻ hơn một chút. Anh Long chọn mua được chiếc máy ảnh KTS của Canon có giá khoảng hơn 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, người bán hàng lại đưa ra yêu cầu em phải lấy thêm cái bao da hoặc dán thêm màn hình, hoặc phải mua thêm thẻ nhớ, đại loại là thêm vài thứ phụ kiện nữa thì chị mới bán giá ấy. Còn mua máy không như trên trang web đăng thì chị không có giá khuyến mại. Bực mình với cách bán hàng mậu dịch kiểu lạc kèm bia của cửa hàng trên, anh Long đành quay sang một cửa hàng khác trên phố để mua máy ảnh. 
Theo Người đưa tin
Bình luận
vtcnews.vn