Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Trưởng Khoa hồi sức tích cực và chống độc, bệnh viện Nhi đồng 1 đưa ra hướng dẫn cho các bậc phụ huynh cách sơ cấp cứu con khi đi chơi bị đuối nước, ngạt nước. Theo bác sĩ, phần lớn trẻ bị ngạt nước khi đưa đến cấp cứu tại bệnh viện không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách dẫn đến bị di chứng não do thiếu oxy hoặc tử vong.
Cách sơ cứu không đúng bao gồm:
Thứ nhất, bỏ nhiều thời gian cho việc xốc nước. Động tác dốc ngược trẻ không cần thiết và không nên thực hiện vì thường lượng nước vào phổi rất ít chứ không phải phổi chứa đầy nước như phụ huynh thường nghĩ. Lượng nước rất ít này sẽ được tống ra ngoài khi trẻ tự thở lại. Ngoài ra việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.
Thứ hai là lăn lu. Cho trẻ nằm sấp trên cái lu được để rơm nung cháy bên trong lăn lu qua lại nhằm mục đích “rút nước” trong cơ thể trẻ ra. Phương pháp này không hiệu quả, còn gây phỏng cho trẻ.
Thứ ba, trẻ bị ngưng thở ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển trẻ tới cơ sở y tế. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. Vì thế tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu trẻ lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ.
Vì vậy, sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn hay di chứng não của trẻ.
Cách sơ cứu đúng như sau:
Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho trẻ nắm, ném phao hoặc vớt trẻ lên.
Tiếp theo, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh hãy kiểm tra xem trẻ còn thở hay không bằng cách quan sát lồng ngực.
Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 15/2 (2 người cấp cứu) hoặc 30/2 (1 người cấp cứu) trong 2 phút rồi đánh giá lại xem trẻ có thở lại được không? Môi có hồng không? Có phản ứng khi lay gọi kích thích đau không?
Nếu không và phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển trẻ tới cơ sở y tế. Còn nếu trẻ còn tự thở, hãy đặt trẻ ở tư thế an toàn là nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói.
Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người trẻ bằng chăn hay một tấm khăn khô. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay cả khi trẻ có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.
Bác sĩ Tiến đưa ra lời khuyên: Để phòng ngừa trẻ không bị đuối nước, ngạt nước thì cha mẹ không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông, nếu có luôn có người lớn đi theo. Không cho trẻ bị động kinh tham gia bơi lội. Nên hướng dẫn tập bơi, cho trẻ học bơi bài bản.
Nhà trường lưu ý dặn dò học sinh cuối năm nghỉ hè về vấn đề đi bơi, hay chèo thuyền vùng sông nước rất nguy hiểm, không an toàn, cần có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn.
Video: Hướng dẫn sơ cứu đúng cách khi bị rắn cắn
Bình luận