• Zalo

Những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Phan Nhân

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 30/06/2015 10:36:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhạc sĩ Phan Nhân ghi dấu trong lòng công chúng yêu nhạc với những ca khúc bất hủ như 'Hà Nội niềm tin và hy vọng', Chú ếch con...

(VTC News) - Nhạc sĩ Phan Nhân ghi dấu trong lòng công chúng yêu nhạc với những ca khúc bất hủ như 'Hà Nội niềm tin và hy vọng', Chú ếch con...

Nhạc sĩ Phan Nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân, sinh ngày 15/5/1930 tại thành phố Long Xuyên, An Giang. Ông được biết đến với vai trò là nhạc sĩ với nhiều ca khúc nổi tiếng như: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Thành phố của tôi, Em ở nơi đâu, Bài ca cho em...
phan nhân
Còn nhỏ, Phan Nhân yêu thích thơ văn hơn cả âm nhạc. Lúc 12 tuổi, cậu còn tập tành họa thơ theo thể Đường luật thất ngôn bát cú cực kỳ nghiêm khắc về vần điệu, niêm luật. Lớn lên đi bộ đội đánh Pháp, Phan Nhân bắt đầu yêu thích âm nhạc và tập tành sáng tác.
phan nhân
Nhạc sĩ Phan Nhân (bìa phải) 
Năm 1950, bên cạnh bờ kênh Rạch Giá, Hà Tiên, chàng thanh niên Phan Nhân, lúc đó ở tuổi 20, hứng chí thức mấy đêm liền bên ngọn đèn dầu con cóc với cây đàn mandoline mượn bạn chỉ còn 3 dây (mất Mi, còn Sol, Re, La), sáng tác bài hành khúc Đoàn quân Long Châu.'

Ngoài các ca khúc viết cho người lớn, Phan Nhân cũng có nhiều bài cho thiếu nhi được các em nhỏ yêu thích. Trước 1975 có mấy bài được thiếu nhi yêu thích như Chú ếch con (1967), Chú cừu Mộc Châu (1968), Em là bông lúa Điện Biên (1968), Hàng cây ơn Bác (1969)… Sau 1975, có một bài khá nổi tiếng là Vườn cây của ba (1978 - thơ Nguyễn Duy)…

Hà Nội niềm tin và hi vọng

Một sáng tác rất nổi tiếng của Phan Nhân, bài Hà Nội niềm tin và hy vọng, có một xuất xứ khá đặc biệt. Trong suốt 12 ngày đêm trận chiến ác liệt Điện Biên Phủ trên không trong mùa đông tháng chạp năm 1972, từ trên sân thượng của lầu bốn cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam ở 58 Quán Sứ Hà Nội, Phan Nhân đã tận mắt chứng kiến cuộc chiến quyết liệt và hào hùng của quân dân thủ đô Hà Nội đánh trả máy bay B52 của địch đang điên cuồng dội bom hòng khuất phục nhân dân ta.

Trời Hà Nội đỏ lửa, vang rền tiếng bom đạn, những mảnh vụn B52 cháy rực, lả tả rơi... tạo cho ông cảm xúc mạnh mẽ viết nên ca khúc nổi tiếng Hà Nội niềm tin và hy vọng. Khi đặt bút sáng tác bài này, Phan Nhân đã nghĩ đến ca sĩ, người mà mình sẽ gửi gắm đứa con tinh thần sắp ra đời.

Ông nhớ đến ca sĩ Trần Khánh, một giọng hát vàng của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ. Ngay sau khi được ca sĩ Trần Khánh giới thiệu trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát ấy đã nhanh chóng phổ biến trong cả nước và vang vọng mãi trong lòng quần chúng suốt mấy thập niên qua.


Tình ca đất nước

Khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phan Nhân sáng tác bài Tình ca đất nước. Khác với phần lớn các sáng tác viết trong dịp này có giai điệu hùng tráng, sôi động, Phan Nhân chọn cách thể hiện của riêng mình là viết theo giai điệu chậm rãi, sâu lắng nhưng lại rất tự hào.

Chỉ có 4 câu, nhưng với 4 lời, ông nói lên khá hay tình yêu đất nước nay lại càng thêm thắm thiết, sâu đậm trong niềm vui đại thắng.


Nhớ về Pác Bó

Trước giải phóng, lúc còn ở miền Bắc, Phan Nhân đã nhiều lần đến Cao Bằng. Từ 1973, ông đã bắt đầu thai nghén về đề tài này. Khi giải phóng, trước lúc về Nam, Phan Nhân còn cùng nhạc sĩ Hoàng Hiệp tranh thủ lên thăm Pắc Bó một lần nữa.

Và cảm xúc về mảnh đất thiêng liêng đã chín muồi vào năm 1979 dẫn đến sự ra đời của bài Nhớ về Pắc Bó, giai điệu và tiết tấu mang đậm âm hưởng dân ca Tày của vùng đất Cao Bằng.


Thành phố của tôi

Phan Nhân đã viết về cực Bắc và cực Nam của đất nước, nhưng không quên TPHCM. Có hàng trăm ca khúc viết về TP anh hùng này, nhưng bài Thành phố của tôi, Phan Nhân sáng tác năm 1981 cũng có nét độc đáo riêng.

Cấu trúc bài hát ngắn gọn, chỉ có 4 câu và 1 câu kết (coda) với 5 lời. Câu và đoạn không theo luật cân phương một cách cứng nhắc, mà được sắp xếp một cách sáng tạo bảo đảm sự hài hòa trong tổng thể tác phẩm.

Trong bài hát, cảm xúc của cái tôi đã hòa quyện, gắn bó hữu cơ với cái chung trong tình yêu TP mang tên Bác. Giai điệu mang tính tự sự sâu lắng thiết tha nhưng lại không kém phần nhiệt thành.


Chú ếch con

Ca khúc này được nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác năm 1967. Như vậy Chú ếch con đã được 48 tuổi.  Đến nay ca khúc này vẫn được triệu triệu người yêu thích.

Một số ca khúc sáng tác trong thời chiến không còn phù hợp với thời bình, thế nhưng Chú ếch con vẫn sống mãi, vượt thời gian, vượt không gian đến với mọi nhà, mọi em thiếu nhi trên khắp đất nước Việt Nam và thế giới.

Đây là ca khúc hay, có tính nghệ thuật cao, cả về giai điệu lẫn ca từ. Chính vì thế mà Bộ Giáo dục đã chọn bài hát này để đưa vào giảng dạy hơn 20 năm qua.


Thiên Vũ

Bình luận
vtcnews.vn