Nhóm các nhà khoa học nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia 2020. Công trình nghiên cứu của những nhà khoa học nữ tập trung vào các chất mang hoạt tính sinh học có nguồn gốc thiên nhiên (thực vật, sinh vật biển, vi sinh vật), được ứng dụng vào thực tế tạo ra nhiều sản phẩm cải thiện sức khỏe tới người tiêu dùng.
Những năm qua, người Việt Nam được sử dụng nhiều sản phẩm có chiết xuất từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe như Đông trùng hạ thảo, Khương thảo đan, các loại tinh dầu... Đây cũng chính là thành quả từ sự nỗ lực không mệt mỏi của tập thể những nhà khoa học nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, với mục tiêu vì sức khoẻ cộng đồng.
Viện là đơn vị hàng đầu về nghiên cứu các chất mang hoạt tính sinh học có nguồn gốc thiên nhiên và ứng dụng triển khai vào thực tế đời sống. Đặc biệt, hơn 70% nhân lực của viện nghiên cứu hiện nay là nữ giới.
Trải qua hơn 10 năm nghiên cứu, các nhà khoa học nữ của Viện chủ trì 29 đề tài, dự án cấp nhà nước thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia về khoa học công nghệ, kinh tế kỹ thuật và kinh tế - xã hội; 30 đề tài cấp bộ và hàng trăm đề tài cấp cơ sở. Kết quả nghiên cứu từ các đề tài này tạo cơ sở khoa học cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực hóa học, hóa dược, nông nghiệp, vật liệu và môi trường…
Trong đó, phải kể đến công trình nghiên cứu về các mô hình, biện pháp hạn chế phát thải khí nhà kính trong sản xuất cà phê tại tỉnh Đắk Lắk; tải lượng cacbon và phát thải khí chứa cacbon từ hệ thống sông Hồng, đánh giá nguy cơ gây phì dưỡng môi trường nước lưu vực sông Hồng; chuyển giao công nghệ giảm thiểu khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước Đông Nam Á…
Giáo sư, tiến sĩ Lê Mai Hương, từng là cán bộ giảng dạy Bộ môn Dị ứng - Miễn dịch (Đại học Y Hà Nội), sau khi tham gia chương trình đào tạo khoa học tại Mỹ về nước, chị lựa chọn Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên để giữ niềm đam mê nghiên cứu.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, chị Hương dành 21 năm để gắn bó với các loại nấm dược liệu. Càng nghiên cứu sâu, chị càng phát hiện ra trong các loại nấm có rất nhiều thành phần dinh dưỡng mà người dân không biết để dùng.
Nữ giáo sư cho rằng, các sản phẩm khoa học của Việt Nam nghiên cứu không hề thua kém các sản phẩm đến từ nước ngoài. Đặc biệt, nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước ta dồi dào, phong phú, giá thành rẻ mà vi chất dinh dưỡng rất tốt. Đây là lợi thế mà các nước trên thế giới chưa có được.
Quan điểm nghiên cứu khoa học của chị Mai Hương và các nhà khoa học nữ ở Viện là công trình nghiên cứu phải có thành quả thực tế, phục vụ cuộc sống, sản phẩm phải được người dân đón nhận và tin dùng.
Hơn hai thập kỷ gắn bó với mục tiêu phát triển khoa học công nghệ sạch, đội ngũ các nhà khoa học nữ của Viện mang lại nhiều thành công bằng sản phẩm thiết thực cho người dân. Từ đó, xuất bản nhiều công trình, kết quả nghiên cứu có uy tín trong giới khoa học Việt Nam và quốc tế.
Chỉ tính riêng giai đoạn năm 2016 - 2020, các nhà khoa học công bố gần 300 công trình khoa học, trong đó có trên 150 bài báo quốc tế, 208 bài báo quốc gia và hàng chục báo cáo có giá trị trích dẫn cao. Nhiều bằng phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích với sự tham gia của các nhà khoa học nữ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.
Để có được thành công trong sự nghiệp, các nhà khoa học nữ phải chịu không ít những hy sinh, vất vả. Tuy vậy, với các nhà khoa học nữ vẫn luôn lạc quan, họ có quan điểm về bình đẳng giới rất khác, rất văn minh và tri thức.
"Để thay đổi nhận thức của xã hội về phụ nữ thì chính bản thân người phụ nữ phải vươn lên, khẳng định mình. Muốn có sự bình đẳng thì phụ nữ phải tiến bộ", giáo sư Lê Mai Hương nói và nhấn mạnh, phụ nữ làm khoa học đó là món quà mà cuộc sống ban tặng, họ có sự nhạy cảm, kiên trì, tỉ mỉ- những yếu tổ đó rất cần cho sự thành công.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên nhận xét, tập thể cán bộ nữ của Viện luôn yêu thương, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng tiến bộ. Để có được Viện như ngày hôm nay nhờ vào sự đóng góp rất lớn và đầy nhiệt huyết của tập thể cán bộ nữ trong nghiên cứu khoa học và phát triển các sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống.
Giải thưởng Kovalevskaia được đặt tên theo nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ XIX. Giải thưởng lần đầu được trao ở Việt Nam vào năm 1985 - đây cũng là giải thưởng đầu tiên tôn vinh các nhà khoa học nữ ở Việt Nam. Giải thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp của phụ nữ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên.
Trong 35 năm qua, giải thưởng được trao cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin… Sau khi nhận được giải thưởng cao quý này, các nhà khoa học nữ không chỉ tiếp tục cống hiến cho khoa học, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà khoa học nữ trên con đường khoa học vinh quang, nhưng cũng không ít chông gai.
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận định: "Các nhà khoa học nữ không chỉ là nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, mà còn là những người trực tiếp nuôi dưỡng, dạy dỗ thế hệ trẻ ngay trong môi trường giáo dục đầu tiên là gia đình".
Với những thành tích to lớn, tập thể nữ cán bộ của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên được trao Giải thưởng Kovalevskaia - một giải thưởng thường niên lớn nhất ghi nhận những cống hiến, tài năng, sức sáng tạo của các nhà khoa học nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Bình luận