Đạo diễn Trần Anh Hùng |
Sinh ra tại Mỹ Tho – Việt Nam, năm lên 4 tuổi anh cùng gia đình sang Lào sinh sống rồi sang Pháp định cư ở độ tuổi 13. Lòng tự hào về cội nguồn Việt Nam kết hợp với khả năng thích ứng với đa dạng nền văn hóa đã tạo cho anh những nét khác biệt với tư cách là một nhà biên kịch và đạo diễn. Anh từng nói “Tôi yêu mến hội họa Mỹ, âm nhạc Đức, điện ảnh và văn học Nhật Bản, các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Việt Nam và những chuyến du thuyền Ý”. Trên trường quay, Anh Hùng đã giao tiếp với các đồng nghiệp và diễn viên nước ngoài một cách liền mạch và không mấy khó khăn, lúc Tiếng Việt, lúc Tiếng Anh, lúc tiếng Pháp, thậm chí là bằng ánh mắt và cử chỉ.
17 năm và 5 bộ phim
Trần Anh Hùng trong 17 năm chỉ làm có 5 phim. Sau hai bộ phim ngắn được đánh giá cao mang tên Người Thiếu Phụ Nam Xương (1988) và Hòn Vọng Phu (1990), sự nghiệp của Trần Anh Hùng đã “bùng nổ” trên màn ảnh quốc tế qua cuốn phim dài Mùi Đu Đủ Xanh – tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh. Cuốn phim đoạt được giải thưởng Camera Vàng năm 1993 tại đại hội điện ảnh Cannes và sau đó 1 năm được đề cử giải thưởng Oscar cho bộ phim tiếng nước ngoài hay nhất.
Cảnh trong phim "Xích Lô"
Không dừng lại ở thành công đó, chỉ hai năm sau, Trần Anh Hùng tiếp tục cho ra đời tác phẩm Xích Lô với độ tinh xảo và nhiều tham vọng hơn cả Mùa Đu Đủ Xanh. Ngay lập tức, bộ phim này đã đoạt giải Sư Tử Vàng (phần thưởng cao quý mà các nhà làm phim Châu Á, kể cả Nhật Bản, khó lòng với tới) ở Liên hoan điện ảnh thành phố Venice năm 1995.
Xích Lô kể truyện về Lộc, một thanh niên đạp xe xích lô bị sa ngã vào thế giới tội lỗi chỉ vì muốn trả tiền nợ cho tú bà – chủ xe xích lô – sau khi xe bị mất cắp. Chàng trai sau đó gặp nhà thơ mà không biết tên này cũng là ma cô dẫn khách cho chính em gái mình – một con điếm hạng sang. Cuốn phim độc đáo qua những nét siêu thực và trừu tượng, nhưng được lồng trong một thế giới sống sượng và tàn bạo. Xem Xích Lô không khác gì việc giải một bài toán bí hiểm, mỗi hình ảnh, mỗi câu đối thoại là một manh mối, một mảnh bản đồ mà khán giả phải sắp xếp và phân tích để hiểu được cấu trúc phim. Phim kết thúc cố tình ở điểm lửng lơ, đòi hỏi người xem phải kiên nhẫn và suy ngẫm.
Từ năm 1995 đến 2000 thì mọi người không thấy anh xuất hiện nữa, hỏi văn phòng anh tại Paris thì người ta nói: “Anh đi nghỉ hè, hình như tại Đông Nam Á rồi...” Anh không đi nghỉ hè mà đi quay phim. Phải nói rằng tựa đề của anh rất khó hiểu, người ta chỉ có thể tạm dịch là Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng. Giải thích về điều này, Anh Hùng cho biết: “Tôi không muốn qua tựa đề, người ta có thể đoán được một cái gì đó của phim. Tôi muốn nó gợi cho người xem một cảm xúc, một không khí”.
Nội dung phim Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng xoay quanh câu chuyện gia đình của bốn anh chị em, gồm ba người con gái và một người con trai ở miền Bắc thời hiện tại. Ba người con gái tượng trưng cho ba giai đoạn của người phụ nữ xung quanh việc lập gia đình. Trong phim, có những cái nút anh mở ra mà không thắt lại, khiến cho khán giả không khỏi thắc mắc về kết cục sau này. Tuy nhiên, đối với Anh Hùng, mục đích nghệ thuật là thế. Đời sống thực tế không có những nút thắt, không có những câu chuyện có đầu và có đuôi... Phim của anh muốn đi gần tới cái mục đích đó. Điều quan trọng là khán giả phải hiểu rõ nội tâm của nhân vật thì sẽ thấy mục đích rất rõ ràng. Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng đã được đề cử Cành Cọ Vàng trong Liên hoan điện ảnh Cannes 2000.
Cảm xúc thẩm mỹ trong phim của Trần Anh Hùng
Những hình ảnh trong phim của Trần Anh Hùng luôn tạo xúc cảm thẩm mỹ rất đặc biệt cho người xem. Trước khi bắt tay làm một bộ phim, việc đầu tiên anh nghĩ tới là phải tạo ra một chuỗi hình ảnh có sức mạnh về mặt tinh thần. Và việc tạo sự độc đáo của hình ảnh trong bộ phim luôn chiếm lĩnh anh chứ không phải là cách kể câu chuyện phim theo kiểu thông thường.
Cảnh trong phim "Mùi Đu Đủ Xanh"
Nhiều người cảm nhận rằng phim của anh Hùng tựa như một bữa tiệc, có đầy đủ màu sắc, hình ảnh và âm thanh. Đơn cử như trong bộ phim Mùi Đu Đủ Xanh, màu sắc chủ đạo là xanh lá cây và xanh đọt chuối. Nó tạo cho người xem một cảm giác rất Việt Nam, khác hẳn với màu đỏ đặc trưng của Trung Quốc. Trên cái nền xanh ấy, màu da vàng của các nhân vật cũng rất thật, thật đến mức người xem cảm giác như thể sờ vào được. Đứa trẻ khùng và màu sơn trong bộ phim Xích Lô cũng mang những ý nghĩa ẩn dụ. Nó là nhân vật duy nhất còn giữ được tính thơ ngây vì không biết đâu là thiện đâu là ác. Nó thích nghịch ngợm với sơn trắng và khi tên phu xích lô trở nên sa đọa, ô uế, hắn muốn tự cứu vớt mình bằng cách bôi trét sơn lên người.
Bên cạnh màu sắc, anh Hùng rất chú trọng khai thác cảm xúc trên khuôn mặt của diễn viên. “Khi chọn diễn viên cho nhân vật của mình, yếu tố tôi nghĩ đến đầu tiên là chất nhân văn trên khuôn mặt của họ chứ tôi không quan tâm họ là diễn viên nghiệp dư hay chuyên nghiệp, tài năng hay không tài năng. Với một diễn viên, không có gì diễn tả và biểu đạt nội tâm quý bằng khuôn mặt họ”. Trên thực tế, để tìm được một diễn viên cho vai Lộc trong phim Xích lô, Trần Anh Hùng đã phải tìm kiếm khắp ba miền, trong Nam, ngoài Bắc, cho đến ngày gặp được một người lái xe tải, thi thoảng chở xoong chảo ra Hà Nội bán. “Người này chẳng phải là diễn viên, nhưng lại có khuôn mặt góc cạnh, lúc thì dữ dằn, lúc lại nhân hậu, dáng bộ còng còng, cơ thể lại có sẹo... như thể đã bị công việc lao động làm còi cọc đi. Không thể nào kiếm được một diễn viên chuyên nghiệp đóng vai này vì diện mạo hắn quá sạch sẽ, bảnh bao” – Anh Hùng nói.
Bộ phim "Rừng NaUy"
Không chỉ vậy, người đạo diễn này còn cầu kỳ trong việc dựng ngoại cảnh đến mức, để quay cảnh một bức tường rêu phong trong quán cà phê của phim Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, anh đã thuê thợ làm việc hơn một tháng trời chỉ để “tút” bức tường cho đúng ý đồ của mình. Điều này khiến cho mỗi khuôn hình trong phim của anh luôn đẹp như một bức họa. “Những đạo diễn giỏi về mặt hình ảnh thường luôn chú trọng đến “sức nặng” của hình ảnh và ý nghĩa ẩn sâu trong nó. Thậm chí hình ảnh đó phải tạo ra được sức mạnh “tàn nhẫn” của sự kiện” – anh nói.
Không chỉ tạo cảm xúc cho người xem bằng màu sắc và hình ảnh đẹp, phim của anh Hùng còn đầy “chất nhạc”, chất “nhịp” hay như anh miêu tả là “hơi thở” của phim. “Tất nhiên khi tôi quay một cảnh, tôi phải chắc chắn là cảnh đó tạo được cảm xúc! Sau khi có cảm xúc rồi thì lúc đó tôi mới cho nhạc vào. Và nhạc lúc đó sẽ “nói chuyện” với người xem, nói với người xem rằng “tôi đồng ý với anh, là chỗ này phải như thế”. Nhạc đối với tôi là tâm hồn người xem mà cũng là tâm hồn của phim; cho thấy phẩm chất bên trong một diện mạo, cho thấy “trình độ” của nguời xem, của tâm hồn của người xem, cái đó rất quan trọng.”
Trong cả ba bộ phim Mùi Đu Đủ Xanh, Xích lô, và Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, anh đều mời nhạc sĩ Tôn Thất Tiết phụ trách phần nhạc nền. Riêng nhạc nền của phim Xích lô đã được giải thưởng George Delaure năm 1995. Các bài hát của Trịnh Công Sơn đã được thu lại cho phù hợp với không khí của phim, gạt bỏ hết những chất biểu diễn, chất sân khấu, chỉ giữ lại cái chất gần gụi, thân mật, giống như những bài hát chỉ dành cho một người nghe. Hơn nữa, Anh Hùng cũng không dịch phụ đề cho những bài hát ấy bởi anh không bao giờ dùng lời ca của bài hát. Đối với anh, nhịp của nó và cái không khí mà nó tạo ra mới là quan trọng nhất.
Nghệ thuật vị nghệ thuật
Trần Anh Hùng học về nghệ thuật thu hình điện ảnh ở trường École Nationale trong vòng hai năm tại Pháp. Sở dĩ gia đình anh định cư tại Pháp thay vì Mỹ là bởi ba má anh cho rằng người Pháp có văn hóa, còn nước Mỹ chỉ có những thứ để hưởng thụ và tiêu thụ. Năm cuối, anh không thi lấy bằng vì biết rằng nếu tốt nghiệp, ba mẹ sẽ hướng anh vào một hãng truyền hình nào đó trả lương khá, lập gia đình và ổn định. Tuy nhiên, mơ ước của anh không chỉ dừng tại đó, anh lúc nào cũng mong muốn trở thành một đạo diễn phim ảnh tài năng thực thụ nhằm truyền bá tư tưởng của mình thông qua các bộ phim, mà việc này thì không thể chỉ học ở trường. Và để nuôi sống bản thân, anh Hùng đã bán sách trong một tiệm bảo tàng. Mỗi tuần làm việc bốn ngày, viết kịch bản ba ngày.
Khi làm phim anh quên hết những cái xung quanh mình, quên hết những thứ mình đã xem, đã thấy và làm theo sự chỉ dẫn cảm xúc của chính mình. “Thông thường, một đạo diễn trước khi vào nghề sẽ làm trợ lý cho một số đạo diễn khác để lấy kinh nghiệm, nhưng tôi thì không, bởi đơn giản tôi muốn làm như chính tôi nghĩ và không muốn học hỏi ai cả. Tôi cũng sẵn sàng chấp nhận 10 năm làm một phim và tìm cách khác để sống nếu như không thể làm phim giống như mình nghĩ.”
Làm phim theo cảm giác bản năng, đó dường như là thế mạnh khiến phim của anh có ngôn ngữ điện ảnh khá riêng biệt. Thế nhưng, đôi khi nó lại khó tìm được sự đồng cảm ở số đông khán giả. Phản ứng trước việc này, Trần Anh Hùng thừa nhận là phim của mình không dễ hiểu. Tuy nhiên, đó là những cảm xúc mạnh mẽ nhất, riêng tư nhất tự đáy lòng anh muốn chuyển lên màn bạc, và tùy khán giả nhận định. “Tôi muốn khán giả khai thác sinh lực và tâm trí khi thưởng thức phim. Nghệ thuật điện ảnh có ngôn ngữ riêng của nó mà một người cần học hỏi để hiểu cách diễn đạt. Phim không chỉ là những hình ảnh giúp người ta giải lao một cách thụ động, làm teo mòn trí óc người xem”. “Tôi quan niệm điện ảnh là một môn nghệ thuật rất đa dạng. Khi theo đuổi loại hình nghệ thuật này, tôi luôn tự nhủ còn có nhiều con đường cho mình khám phá và tìm một lối đi riêng. Đó có thể là con đường mạo hiểm nhưng cảm giác được khám phá nó là một hạnh phúc khó có thể diễn đạt. Khi làm phim, tôi luôn trở lại với cái căn bản và cảm xúc tinh tế ban đầu của chính mình. Tôi cũng rất tự tin vào linh cảm và bản năng của mình.
Trần Anh Hùng với tác phẩm mới – Rừng NaUy
Sau một thời gian dài im ắng kể từ bộ phim Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, tháng 9 vừa qua, Trần Anh Hùng một lần nữa trở lại Liên hoan điện ảnh Venice 2010 trong sự chào đón nồng hậu của công chúng. Tác phẩm mới mà anh mang đến trong liên hoan là bộ phim Rừng NaUy, được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Haruki Marukami (Nhật Bản).
Cuốn tiểu thuyết đã được độc giả toàn cầu yêu mến với hơn 10 triệu bản được bán tại Nhật Bản và hơn 2,6 triệu bản đến tay độc giả thế giới dưới dạng bản dịch bằng 33 ngôn ngữ. Suốt 13 năm nay, đã có biết bao lời đề nghị từ rất nhiều các nhà đạo diễn nhưng Trần Anh Hùng là người duy nhất được Haruki Marukami đồng ý hợp tác dựng phim. Tuy chưa giành được giải thưởng nào tại Liên hoan, nhưng bộ phim đã được giới phê bình tặng nhiều lời khen ngợi và được công chúng hết sức mong chờ.
Cảnh trong phim "Rừng NaUy"
Chỉ gói gọn trong 133 phút của bộ phim, Trần Anh Hùng đưa khán giả đến với thế giới của thanh niên Nhật Bản vào những năm 1960, thời điểm mà cả thế hệ trẻ đang khao khát một sự giải thoát khỏi các ràng buộc xã hội. Qua ống kính của Trần Anh Hùng, giới trẻ không hời hợt, nông nổi mà trái lại, họ đều có những tâm trạng hết sức phức tạp. Tất cả đều là những người trầm cảm, sống với nhiều mặc cảm.
Cho dù không nói được tiếng Nhật, nhưng Trần Anh Hùng đã quyết tâm thực hiện bộ phim này tại Nhật Bản, chỉ đạo đồng nghiệp và diễn viên thông qua các phiên dịch. Sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ quả là một thách thức lớn; tuy nhiên, có lẽ đây cũng chính là yếu tố khiến Haruki Marukami lựa chọn Anh Hùng. Bởi lẽ, người đạo diễn tài năng này, với cái tài dùng ngoại cảnh để khắc họa nội tâm nhân vật sẽ biết khai thác theo góc nhìn độc đáo riêng của anh.
Với Rừng NaUy, một lần nữa người xem sẽ có dịp thán phục tài năng của Trần Anh Hùng khi nỗi buồn bao trùm bộ phim được đẩy đến mức “tàn nhẫn” thông qua những cảnh rừng mênh mông tuyết trắng, ánh sáng chiếu rọi lung linh huyền ảo, cùng những bản nhạc trữ tình đầy sức lay động của Beatles. Rừng NaUy sẽ được chính thức công chiếu tại Nhật vào đầu tháng 12 tới.
Hồng Đào
Bình luận