Ngày 19/5, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, thời gian qua bệnh viện gặp nhiều trường hợp răng khôn “mọc dại”. Số bệnh nhân vào viện vì biến chứng của răng khôn rất nhiều.
Ví dụ như trường hợp của chị Đỗ Thị Ngọc Ng. (26 tuổi, Hà Nội) bị mọc răng khôn biến chứng viêm tuỷ xương hàm. Chị Ng. đang mang thai ở tháng thứ 2. Sau khi cân nhắc các biến chứng, bác sĩ tư vấn chị nên đình chỉ thai nghén vì viêm nhiễm lan toả nặng, nếu chậm trễ có thể gây nhiễm trùng má nguy hiểm tính mạng.
BS Phạm Thị Thuý Phượng – khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, răng khôn là răng có tỷ lệ mọc bất thường nhất trên cung hàm. Răng khôn khi mọc gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm nhiễm, ảnh hưởng đến những răng kế cận và có thể gây loạn năng khớp thái dương hàm…
Răng khôn có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm tại chỗ, viêm lan toả. Lâu ngày sẽ lây lan nhiễm trùng thành biến chứng xa như viêm cơ nhai, viêm xương tủy xương hàm, viêm hạch mủ, viêm họng mạn tính do dịch mủ từ vùng răng khôn thường xuyên thấm xuống họng…
Nguy hiểm hơn là các biến chứng viêm nhiễm toàn thân như viêm mô tế bào lan tỏa, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn huyết…đều ảnh hưởng tính mạng.
Những trường hợp răng khôn mọc lệch gần và luôn ép vào răng kế bên liên tục, gây áp lực có thể tiêu xương mặt xa và chân răng cùng với hiện tượng “dắt thức ăn thường xuyên khi ăn nhai lâu ngày” dẫn tới làm sâu răng kế cận.
Nếu không điều trị sớm có thể phải nhổ răng kế cận - một trong những răng chức năng chính làm ảnh hưởng nhiều đến sức nhai.
Cũng theo BS Phương, nếu răng khôn có nướu phủ dày khi cắn chạm phần nướu phủ này làm thay đổi kích thước dọc khớp cắn có thể gây mỏi, đau vùng khớp thái dương, đau nửa đầu cùng bên. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy việc mọc răng khôn hàm dưới có ảnh hưởng đến sự chen chúc của răng cửa hàm dưới góp phần làm tăng các nguy cơ loạn năng khớp thái dương hàm cũng như thẩm mỹ.
Tình trạng răng số 8 biến chứng còn gây loét niêm mạc má hay xơ cứng do bị cắn phải trong quá trình nhai, khi răng khôn mọc lệch về phía má.
Những tổ chức của túi răng còn sót lại do quá trình mọc lên không hoàn chỉnh của răng khôn có thể là nguyên nhân hình thành u nang vùng xương hàm như nang thân răng, nang sừng, u nguyên bào men, ung thư xương hàm... Để điều trị đôi khi phải cắt bỏ một phần xương hàm và có nguy cơ tái phát cao.
Vùng mặt do nhiều dây thần kinh chi phối nên với áp lực do răng khôn mọc lệch gây ra có thể xuất hiện các biến chứng như đau khu trú dây thần kinh hàm dưới, đau khu trú ở một hay hai nhánh thần kinh răng hàm trên. Hay chèn ép các dây thần kinh gây mất hoặc giảm cảm giác ở môi, da, niêm mạc, răng ở nửa cung hàm.
Theo BS Phương, tùy vào tình trạng sức khỏe toàn thân, mức độ mọc lệch của răng khôn cùng với ý thức vệ sinh răng miệng mà các biến chứng răng khôn mọc lệch xảy ra rất đa dạng, có thể diễn biến từ biến chứng tại chỗ đến biến chứng xa theo thời gian, hoặc biến chứng toàn thân ngay từ đầu hay kết hợp nhiều biến chứng cùng một thời điểm.
"Do vậy việc phát hiện và điều trị răng khôn mọc lệch sớm là rất quan trọng giúp để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe cũng như tiết kiệm các chi phí điều trị phát sinh", BS Phương nói.
Bình luận