Những bệnh viện nào ở Việt Nam có sân bay trực thăng?

Sức khỏeChủ Nhật, 10/11/2019 09:02:00 +07:00

Ba bệnh viện có sân bay trực thăng vài năm nay, hai bệnh viện khác đang xây dựng là Ung bướu cơ sở 2 và Nhân dân 115.

Bệnh viện Tim Tâm Đức

Bệnh viện Tim Tâm Đức nằm tại quận 7, hoạt động từ tháng 3/2006 có bãi đáp trực thăng cấp cứu đầu tiên TP.HCM. Đây là bệnh viện chuyên khoa tim mạch tư nhân đầu tiên cả nước với vốn đầu tư 126 tỷ đồng.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Đầu tháng 6/2018, bệnh viện bắt đầu vận hành các hạng mục dịch vụ khám chữa bệnh, quy mô 1.000 giường bệnh tại xã Tân Kiên, huyện bình Chánh. Bệnh viện khởi công tháng 12/2014 gồm một tầng hầm và 8 tầng nổi với tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng từ nguồn vốn Chính phủ.

Nơi đây có bãi đáp trực thăng, sân chơi trẻ em rộng rãi, khu lây nhiễm tách biệt, là bệnh viện nhi đầu tiên phía Nam được trang bị máy oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể ECMO.

Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175

1

Trực thăng đáp xuống nóc Viện Chấn thương Chỉnh hình sáng 8/11. (Ảnh: Lê Phương)

Sáng 8/11/2019, chuyến trực thăng cấp cứu đầu tiên đáp xuống nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình. Đây là chuyến bay thử nghiệm kết hợp huấn luyện tổ cấp cứu đường không vận chuyển bệnh nhân từ trực thăng xuống sân đỗ và chuyển đến khu điều trị.

Viện nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Quân y 175, khởi công tháng 5/2015, dự kiến hoạt động tháng 12/2019. Nơi đây có quy mô 500 giường bệnh, hai khối nhà cao 9 tầng với mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2

2

 Phối cảnh Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2.

Bệnh viện khởi công từ năm 2016, dự kiến đầu năm 2020 sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng tại quận 9. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường, đạt tiêu chuẩn cao nhất về xây dựng của Bộ Y tế với trên 90 m2 một giường bệnh, có sân đậu trực thăng phục vụ những ca cấp cứu đặc biệt.

Tổng mức đầu tư bệnh viện gần 6.000 tỷ đồng. Các khu vực phòng mổ, hồi sức, hành lang được đầu tư hệ thống lạnh hiện đại, bảo đảm vô trùng, chống nhiễm khuẩn. Nơi đây sẽ ứng dụng các hệ thống chuyển mẫu tự động, chuông gọi y tá, hệ thống quản lý tòa nhà, kiểm soát ra vào... để tăng cường an ninh, phục vụ nhanh người bệnh.

Bệnh viện Nhân Dân 115, Khu chẩn đoán kỹ thuật cao

Khu chẩn đoán kỹ thuật cao khởi công tháng 7/2016 với 10 tầng nổi, 2 tầng hầm. Công trình có tổng đầu tư hơn 332 tỷ đồng, nhằm khám và điều trị kỹ thuật cao trong ngày, có sân đỗ trực thăng trên nóc toà nhà. Dự kiến hoạt động đầu năm 2020.

3 3

 Phối cảnh Khu chẩn đoán kỹ thuật cao, Bệnh viện Nhân dân 115.

Một số bệnh viện ở các tỉnh thành khác đã hoặc đang xây dựng cũng có sân đỗ trực thăng phục vụ cấp cứu như Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Bệnh viện Bến Tre cơ sở 2, Quốc tế Trung ương Huế.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn