• Zalo

Những bài ca đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 30/06/2015 05:08:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời để lại một gia tài đồ sộ những ca khúc đi cùng năm tháng.

(VTC News) - Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời để lại một gia tài đồ sộ những ca khúc đi cùng năm tháng.

Nhạc sĩPhan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX.
phan huỳnh điểu
Phần lớn các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu là nhạc đỏ, nhưng ông cũng có nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc. Ông được mệnh danh là 'Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam' và được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. Rất nhiều các bài hát của ông có lời từ các tác phẩm thơ.
phan huỳnh điểu
Ông sinh ngày 11 tháng 11 năm 1924 tại Đà Nẵng. Ông cũng là người con thứ 11 trong một gia đình cha làm thợ may. Tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng nguyên quán gốc của ông ở Điện Bàn, Quảng Nam.Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX.

Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tay Trầu cau, sáng tác của ông được biết rộng rãi là bài Đoàn giải phóng quân viết cuối 1945. Một nhạc phẩm nổi tiếng khác của ông là Mùa đông binh sĩ được viết khoảng giữa thập niên 1940.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này ông viết một số ca khúc như Nhớ ơn Hồ chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam...
phan huỳnh điểu
Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban chấp hành là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội.

Tháng 12/1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Trung Trung Bộ ở trong Ban văn nghệ Khu và nhận chức Chi hội phó Chi hội Văn nghệ giải phóng miền Trung – Trung bộ (1967). Thời gian đó ông viết bản hành khúc Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang.


Năm 1970 ông trở lại Hà Nội và nhận chức Ủy viên TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1971). Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sỹ Việt Nam (1983).


Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và sống ở đó. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là các bài hát phổ thơ.

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu nhận Huân chương Độc lập hạng 3 (1988) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật (2000)…
phan huỳnh điểu
Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc, như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm. Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu thành công như Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đămbri, Tia nắng... Ông đã phổ nhạc thành công cho rất nhiều bài thơ.

Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi, tiêu biểu là: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác...

Những nghệ sĩ thể hiện thành công tác phẩm của ông có thể kể đến Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Dậu và Nghệ sĩ ưu tú Tuấn Phong.

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu kể về sự nghiệp sáng tác:


Ông từng tâm sự: 'Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ. Tìm thấy một bài thơ phù hợp, nhạc sĩ phổ nhạc và gửi gắm tâm trạng mình.

Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn.

Bởi vậy, tôi hết sức thích phổ nhạc cho thơ. Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên'.
phan huỳnh điểu
Cuộc đời vẫn đẹp sao

Về hoàn cảnh ra đời bài hát Cuộc đời vẫn đẹp sao, ông đã kể lại: 'Năm 1971, bị thương ở chiến trường B, tôi được chuyển ra điều trị tại bệnh viện Đông Y (Hà Nội). Sau thời gian dưỡng bệnh, sức khoẻ dần hồi phục. Một buổi chiều, tình cờ đọc được bài thơ của Dương Hương Ly. Đó là một bài thơ về tình yêu, thấy quá hợp tâm trạng, tôi liền phổ nhạc ngay.'

Vậy là bài hát Cuộc đời vẫn đẹp sao ra đời. NSND Quốc Hương là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Lời hát rất tự nhiên, giản dị, lạc quan yêu đời không kém phần lãng mạn dù trong một hoàn cảnh chiến tranh rất ác liệt.

Cuộc đời vẫn đẹp sao là một trong rất nhiều ca khúc hay cho thấy ông là một nhạc sĩ rất có duyên trong việc phổ nhạc cho thơ. Thế nhưng phải đến khi gặp Bóng cây Kơ nia và Cuộc đời vẫn đẹp sao, ông mới khẳng định được khả năng sáng tác phổ thơ của mình. Theo ông, một nhạc sĩ nên am hiểu những gì về thơ. Và ngược lại, người làm thơ cũng nên tìm hiểu thế nào là âm nhạc.


Hành khúc ngày và đêm

Trong sự nghiệp âm nhạc phong phú của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều, Hành khúc ngày và đêm là một trong những tác phẩm được chính ông thừa nhận là để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Ông từng bật mí với báo giới về quá trình ông sáng tác nên ca khúc trứ danh này.

Năm 1972, tình cờ Phan Huỳnh Điểu đọc được trên tạp chí Văn nghệ Quân đội bài thơ của một tác giả có tên là Bùi Công Minh. Đó là bài Ngày và đêm. Nội dung bài thơ rất trùng hợp với hoàn cảnh của con trai ông lúc bấy giờ: Một anh bộ đội công binh, có người yêu là một cô giáo ở Hà Nội. Ngay lập tức, nhạc sĩ quyết định phổ nhạc bài thơ như một món quà dành tặng con.

Sau khi được phát sóng tới thính giả cả nước, Hành khúc ngày và đêm nhanh chóng trở thành bài hát nằm lòng của các bạn trẻ, không chỉ với những người đang xông pha nơi trận mạc. Sức động viên, cổ vũ của bài hát thật to lớn.

Sau này, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhạc sĩ Doãn Nho, tác giả hành khúc Tiến bước dưới Quân kỳ đã có một nhận xét tinh tế: 'Phan Huỳnh Điểu đã làm được điều đặc biệt, là biến tình ca thành hành khúc. Tình ca vẫn có thể chiến đấu với giặc được.'

Điều ghi nhận của Doãn Nho cũng chính là điều mong ước của Phan Huỳnh Điểu khi ông bắt tay vào sáng tác Hành khúc ngày và đêm.


Ở hai đầu nỗi nhớ

Bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ được nhà báo Trần Đình Chính sáng tác vào mùa hè năm 1980 chỉ sau 8 phút. Bài thơ là mối tình đầu cùa ông với một cô sinh viên văn khoa Sài Gòn đi cùng đoàn của Sở Thương nghiệp sang Campuchia xây dựng mạng lưới bán hàng.

Năm 1987, bài thơ đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc và trở thành bài thơ, bài hát được nhiều người yêu thích. Có nhiều ca sĩ đã hát tác phẩm này, nhưng ca sĩ Bảo Yến được cho là người thể hiện thành công nhất
.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhận xét rằng: 'Điểm đặc biệt của Ở hai đầu nỗi nhớ là càng trải qua thời gian càng có thêm nhiều người yêu mến. Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, Ở hai đầu nỗi nhớ là bài thơ, bài hát mà tôi yêu thích nhất.'


Sợi nhớ sợi thương


Năm 1973, với nội dung 'nhớ', nhà thơ Thúy Bắc viết bài thơ Sợi nhớ sợi thương năm 1973 trong dịp đi thực tế ở chiến trường Trị Thiên. Đồng cảm với nhà thơ, Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc bài thơ thành ca khúc nổi tiếng cùng tên, với giai điệu thổn thức, nhớ thương.



Thuyền và biển

Nhà thơ Xuân Quỳnh viết bài thơ Thuyền và biển vào những năm 1960 khi đang yêu đắm đuối và đau khổ trong cuộc tình tuyệt vọng. Sau gần hai thập niên, bài thơ tình tuyệt vời của nữ thi sĩ được chắp cánh bay cao, bay xa qua bút pháp tài hoa của Phan Huỳnh Điểu.

Trước khi Xuân Quỳnh mất ít lâu, ông có dịp gặp nhà thơ và được nhà thơ cho biết rất xúc động khi nghe ca khúc Thuyền và biển. Chị chỉ muốn xin giữ nguyên văn câu thơ: 'Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố', mong các ca sĩ, nhất là nam ca sĩ, đừng đổi lại là 'Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố'.

Chị không muốn xóa đi kỷ niệm buồn đau của mình trong cuộc tình đã qua và theo chị chắc gì nam giới đã có được tình yêu đằm thắm, đắm say và có lúc bão tố như người phụ nữ.


Yên Thảo

Bình luận
vtcnews.vn