Từ nhiều năm qua, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, phố ông đồ tại TP.HCM lại nhộn nhịp, tấp nập người đến xin chữ. Phố ông đồ đã trở thành không gian văn hóa truyền thống phục vụ người dân TP.HCM dịp Tết cổ truyền.
Tới đây, khách tham quan có thể bắt gặp những ông đồ, "bà đồ" trong tà áo dài mải miết ngồi viết chữ trên giấy liễn dưới mái lều được trang trí hết sức bắt mắt với hoa mai, hoa đào.
Phố ông đồ không chỉ tái hiện tục xin chữ, cho chữ của dân tộc Việt từ ngàn đời, mà còn ngập tràn sắc xuân với hoa Tết và những gian hàng bán đủ các loại hàng thủ công xinh xắn làm quà tặng. Nơi đây còn có các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…
Năm nay, dù ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng với sự tổ chức công phu, phố ông đồ vẫn thu hút đông đảo người dân tới tham quan. Các biện pháp phòng dịch vẫn được thực hiện nghiêm đối với cả khách tham quan và nhân viên phục vụ.
Phố ông đồ năm nay có khoảng 30 ông đồ, "bà đồ", có nhiều người ở tỉnh, thành khác cũng đến để hòa cùng không khí mùa xuân của những ngày giáp Tết. Đặc biệt, có nhiều ông đồ, "bà đồ" trẻ tuổi tham gia là tín hiệu vui về việc truyền thống thư pháp của dân tộc được người trẻ yêu thích và gắn bó.
Những người này cùng chung niềm say mê thư pháp, yêu quý những khoảnh khắc tỉ mẩn, đưa nét bút gửi gắm ước vọng, lời cầu chúc của những người xin chữ đến người thân, bạn bè của họ.
Sự góp mặt của những "bà đồ" trẻ tại các gian hàng luôn thu hút rất đông khách bởi ai cũng tò mò và thích thú khi được "bà đồ" cho chữ.
Trong một lần tình cờ xin chữ tại phố ông đồ, Võ Thị Kiều Trâm (24 tuổi, ngụ TP.HCM) bị những nét chữ cuốn hút và bắt đầu miệt mài luyện tập. Theo Kiều Trâm, thư pháp không đơn giản chỉ là tìm đến nó bằng sự tò mò hay ham học hỏi, mà điều quan trọng là nhìn ra phần hồn tàng ẩn bên trong con chữ.
"Bà đồ" trẻ Kiều Trâm cho biết, nhờ có thư pháp mà cuộc sống của cô thú vị hơn rất nhiều, sau những giờ làm việc căng thẳng hay áp lực, chỉ cần ngồi lại viết chữ là mọi mệt mỏi tan biến hết.
"Ra phố ông đồ, thư pháp giúp tôi gắn kết được với nhiều người, những người lạ thành quen và thậm chí trở nên thân thiết", Trâm nói.
Kiều Trâm chia sẻ thêm, với tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, Trâm cố gắng tham gia và cầm bút cho chữ đến với mọi người, cầu mong một năm mới bình an, sức khỏe.
"Năm nay sẽ để lại nhiều dấu ấn, nhiều đặc biệt nhất trong tôi. Bởi TP.HCM vừa trải qua nhiều điều đau thương, những người tới đây xin chữ, ngoài cầu bình an, tiền tài, sức khỏe thì họ mong thành phố sẽ không còn tang thương như thời gian vừa rồi", Kiều Trâm nói.
Trước đó, nhiều người nghĩ rằng phố ông đồ năm nay sẽ không mở vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, song thành phố đã tạo điều kiện để phố được đón khách như mọi năm.
"Ông đồ, bà đồ cho chữ tại đây đều phải thực hiện quy định phòng dịch, test COVID-19 trước khi đón khách và đeo khẩu trang thường xuyên", Kiều Trâm cho hay.
Cũng ngồi cho chữ tại đây, "bà đồ" trẻ Minh Anh (24 tuổi) cho biết, gian hàng của cô lúc nào cũng đông, vì mọi người tò mò muốn xem “bà đồ" trẻ có cho chữ được không.
"Lớn hay trẻ tuổi thì khi đến với nghệ thuật thư pháp cũng phải tự rèn luyện, học và hiểu từng câu chữ, rồi làm sao nhìn từng gương mặt mỗi người có thể hiểu và tặng cho họ những chữ phù hợp. Tặng xong, mọi người hỏi ngược lại mình tại sao lại cho họ chữ này thì bản thân cũng phải giải thích thật sâu sắc câu chữ đó", Minh Anh nói.
Theo Minh Anh, con gái theo nghề này buộc phải có sức khỏe để ngồi được lâu, luôn giữ được nét mặt tươi vui chào đón khách và cho chữ.
"Có nhiềungười trẻ đam mê thư pháp như tụi em thì loại hình nghệ thuật truyền thống này mới được duy trì và phát triển hơn nữa”, Minh Anh chia sẻ.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thư pháp và tham gia cho chữ tại phố ông đồ nhiều năm qua, "bà đồ" Tường Nhàn (ngụ Tây Ninh) cảm thấy vui mừng, khi những năm trở lại đây có nhiều bạn trẻ tham gia cho chữ.
"Trước đây phố ông đồ này có những cô chú lớn tuổi, nhưng vài năm gần đây có những bạn trẻ tiếp nối niềm đam mê thư pháp. Thấy những bạn trẻ chăm chú từng nét bút, tôi thấy vui lắm. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều bạn trẻ tiếp nối với thư pháp này hơn nữa", bà đồ Tường Nhàn nói.
Bình luận