Theo Mirror, thời điểm đó, Bình Nhưỡng coi đơn vị sát thủ này là một trong số ít những công cụ có thể sử dụng để tiêu diệt kẻ thù của mình. Vì mục tiêu quan trọng như vậy, không phải ai cũng có cơ hội được trở thành một phần của biệt đội khét tiếng này.
Sau khi được tuyển lựa, các thành viên của 124 sẽ phải làm quen với những cuộc hành quân kéo dài hàng giờ dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt, học cách đào mộ và ẩn nấp bên cạnh xác chết, theo Mirror, đó là cách Triều Tiên dùng để đào tạo đội ngũ sát thủ của họ.
Tuy được đào tạo bài bản và mất 2 năm luyện tập để chờ đợi thời cơ, lực lượng này vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình và đón nhận một cái kết đau đớn khi 29/31 người trong số họ bị tiêu diệt sau một nhiệm vụ bất thành.
Gần nửa thập kỷ đã trôi qua kể từ đó, mọi chuyện dường như đã chôn vùi theo thời gian. Nhưng gần đây, sau hàng loạt các vụ đào tẩu của giới tinh hoa Bình Nhưỡng và mới nhất là trường hợp Phó đại sứ tại Anh sang Hàn Quốc, người ta lại lo sợ rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ 'hồi sinh' đơn vị khét tiếng này để thủ tiêu những người được cho là phản bội lại tổ quốc.
Mục tiêu
Theo Mirror, bất cứ quan chức cao cấp nào đào tẩu hoặc thân nhân của họ đều được coi là những kẻ phản quốc và sẽ phải nhận lấy những hậu quả thảm khốc, có thể là bị ám sát.
Năm 1997, một người Triều Tiên có tên Yi Han-yong bị toán sát thủ được cho là do quân đội Triều Tiên phái tới bắn chết. Ông này đào thoát sang Hàn Quốc vào năm 1982 và thậm chí đã phẫu thuật thẩm mỹ để che giấu danh tính của mình.
Hơn 10 năm sau, vào năm 2010, một kế hoạch tương tự bị phát giác và lần này nhân vật bị nhắm đến là ông Hwang Jang-yo, quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Bình Nhưỡng từng đào tẩu và cũng là người đứng sau chính sách cô lập Triều Tiên thời điểm đó.
Hai sát thủ nhận được lệnh ám sát nhân vật này phải luyện tập trong suốt 4 năm ròng để chờ thời cơ thực hiện nhiệm vụ. Nhưng khi mà họ chưa kịp động thủ, cả hai bị bắt và kết án 10 năm tù ở Hàn Quốc sau khi kế hoạch bị phát giác.
Paul Fischer, tác giả của cuốn sách “A Kim Jong-Il Production” nói rằng không thể xem thường hay đánh giá thấp mối đe dọa đến từ các ám sát và bắt cóc được Triều Tiên lên kế hoạch.
"Họ sẵn sàng làm bất cứ thứ gì và họ cũng tự nói bản thân mình rằng ám sát là công việc chính đáng", Mirror dẫn lời Fischer cho hay.
Vụ ám sát hụt Tổng thống Hàn Quốc
Cho đến nay, vụ ám sát nổi tiếng được nhắc đến nhiều nhất là vụ mưu sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee do đơn vị 124 đảm trách vào năm 1968.
Trong sự kiện năm đó, gần 100 người thiệt mạng và bị thương sau khi 31 lính Triều Tiên thuộc đơn vị 124 cố gắng đột nhập nơi làm việc Tổng thống Hàn Quốc, Nhà Xanh ở Seoul. Nỗ lực của họ đã thất bại, kết quả là 29 trong số 31 thành viên của đội sát thủ này bị tiêu diệt.
Thành viên bị bắt và sống sót duy nhất sau chiến dịch này là Kim Shin-jo tiết lộ những bí mật đằng sau các vụ ám sát Triều Tiên lên kế hoạch và hi vọng lật đổ Hàn Quốc của Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi được dạy rằng Mỹ biến Hàn Quốc thành thuộc địa và sứ mệnh của chúng tôi là phải loại bỏ chính quyền bù nhìn”, Kim nói.
Theo cựu sát thủ này, chìa khóa thành công với bất cứ sát thủ nào là phải vượt những thử thách khó khăn nhất và phải đủ tận tâm với những nhiệm vụ được giao.
Video sốc về đường phố Triều Tiên
Trước khi vượt qua điều đó, họ phải quen với việc hành quân hàng giờ dưới trời đông giá rét, bị bỏ đói, buộc ăn rắn rết trong rừng và khó khăn nhất phải kể đến là đào mộ để ẩn nấp.
“Chúng tôi phải ngủ với xác chết. Điều này có thể làm bạn sợ hãi nhưng rõ ràng không ai sẽ nghĩ đến chuyện tìm kiếm bạn ở những ngôi mộ như vậy”, Kim kể lại.
Theo sát thủ này, để chuẩn bị ám sát Tổng thống Hàn quốc vào 4h sáng ngày 18/1/1968, giới quân sự Triều Tiên khi đó xây dựng một mô hình với kích cỡ tương đương với Nhà Xanh để vạch ra kế hoạch với tính khả thi cao nhất.
Họ còn được sắm những bộ quân phục của lính Hàn Quốc và được đào tạo để có thể nói chuyện như người Seoul bản địa. Tất cả được lên kế hoạch tỉ mỉ đến chân tơ kẽ tóc nhưng rồi một sự cố nằm ngoài dự định đã khiến tất cả các tính toán trong hàng năm trời đổ xuống sông xuống bể.
Theo đó, khi 124 tiếp cận gần khu vực Dinh Tổng thống Hàn Quốc, một số người người dân sống ở gần đó phát hiện ra họ và báo lại với chính quyền. Giới chức Hàn Quốc nhanh chóng triển khai kế hoạch phòng bị và đặt quân đội trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Kết quả của vụ ám sát hụt này là 68 người Hàn Quốc, 3 lính Mỹ thiệt mạng. 29 lính Triều Tiên bị săn đuổi và tiêu diệt 9 ngày sau đó.
Chỉ có duy nhất một người trốn thoát được và trở về Triều Tiên trong khi Kim đầu hàng và bị bắt. Sau thất bại này, Triều Tiên vẫn không từ bỏ kế hoạch đào tạo sát thủ để ám sát Tổng thống Hàn Quốc.
Năm 1974, Mun Se-gwang, một người Nhật Bản gốc Triều Tiên dùng súng tấn công Tổng thống Park Chung-hee tại nhà hát quốc gia ở Seoul. Không hoàn thành nhiệm vụ, Mun bị xử tử 4 tháng sau đó, Mirror cho biết thêm.
Năm 1982, âm mưu thuê hai sát thủ người Canada để ám sát Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Chun Doo-hwan của Triều Tiên bị phát giác. Và cũng chỉ một năm sau đó, ông Chun tiếp tục trở thành mục tiêu trong một lần tới thăm Myanmar.
Ba sát thủ người Triều Tiên kích nổ quả bom được đặt tại đài tưởng niệm Rangoon ở thủ đô Myanmar làm 21 người thiệt mạng trong đó có 4 chính trị gia cấp cao của Hàn Quốc. Tổng thống Chun khi đó may mắn thoát chết vì tới muộn do tắc đường.
Bình luận