Tại buổi tập huấn toàn quốc Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ ngày 1/8, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội y học Việt Nam cho biết, đến nay, Việt Nam chưa phát hiện ca mắc. Tuy nhiên, ông lưu ý 2 nhóm người nguy cơ cao nhất là người trực tiếp chăm sóc người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm làm việc với các mẫu bệnh phẩm được gửi đến để chẩn đoán đậu mùa khỉ.
Bộ Y tế thông tin, số ca mắc đậu mùa khỉ tăng mạnh trên toàn thế giới, đến nay là hơn 22.000 ca.
"Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào xâm nhập, nhưng trước tình hình dịch lây lan ở nhiều quốc gia, Bộ Y tế đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng dịch khẩn cấp và triển khai các biện pháp phòng chống dịch", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.
Ông đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch, gồm phát hiện sớm dựa trên lâm sàng, tìm nguồn cung cấp xét nghiệm chẩn đoán để chủ động phát hiện sớm ca bệnh xâm nhập để cách ly và điều trị kịp thời.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh đề xuất nhu cầu để chuẩn bị thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm cho chẩn đoán và điều trị; tiếp tục tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị đậu mùa khỉ theo khuyến cáo và bảo đảm các nguồn cung ứng các thuốc điều trị nói chung, thuốc điều trị biến chứng...
Bệnh đậu mùa khỉ có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Bình luận