• Zalo

Nhức đầu với máy lạnh trường học

Giáo dụcThứ Hai, 04/11/2013 07:38:00 +07:00 Google News

Huy động phụ huynh lắp máy lạnh đã là chuyện không dễ làm.

Huy động phụ huynh lắp máy lạnh đã là chuyện không dễ làm. Lắp đặt xong, biết bao phiền toái lại nảy sinh: tiền điện, tiền bảo trì, học trò em kêu nóng em than lạnh, nhiệt độ bao nhiêu là vừa? Nhiều ban giám hiệu phải xử lý bở hơi tai.

Chưa có một thống kê nào cụ thể, song số phòng học có gắn máy lạnh tại TP.HCM ngày càng nhiều. Cùng với bảng tương tác, LCD, sàn gỗ, tủ giày..., việc gắn máy lạnh cũng khiến số lượng phòng học VIP chất lượng “năm sao” tăng cao, cùng với đó là sự chênh lệch trường lớp, chênh lệch giàu nghèo trong trường học ngày càng lộ rõ.

Không mua được thì... thuê

Chị Thu Tâm, phụ huynh có con học ở một trường tiểu học có tiếng tại Q.1, kể: “Lớp học nhỏ xíu mà các phụ huynh đại gia cũng vẽ vời lắp hai máy lạnh. Có vị bảo: “Ở nhà một mình tôi còn lắp được huống gì đây cả mấy chục con người, mỗi người có đáng bao nhiêu mà con mình được mát mẻ trong lành”.

Học sinh một trường tiểu học ở Q.1, TP.HCM trong giờ học phải mặc thêm áo vì lạnh
Học sinh một trường tiểu học ở Q.1, TP.HCM trong giờ học phải mặc thêm áo vì lạnh 
Tưởng máy lạnh là xong, ai ngờ đèo bòng theo máy lạnh còn có các khoản tiền làm cửa kính khung nhôm (để hơi lạnh không thoát ra ngoài), dán decal kính mờ (để các cháu không nhìn ra sân trong giờ học), rồi công thợ, dây, phí bảo trì và còn phải lắp luôn... khóa cửa để bảo quản đồ đạc trong lớp.

Thôi thì ai cũng đóng nên mình cũng đóng chứ con tôi không quen ngồi máy lạnh nên cháu toàn phải mang theo áo khoác vào lớp, đến giờ chơi lại cởi ra”.

Chị Tâm cho biết tiền máy lạnh khoảng 15 triệu đồng nhưng tiền lắp khung cửa, dán decal, khóa cửa... cũng đã gần 10 triệu đồng nữa.


 

Nếu có sự đồng tình của toàn thể phụ huynh và các em đều được hưởng quyền lợi như nhau thì nhà trường làm, nếu chỉ làm một vài lớp thì không nên, vì qua đó sẽ tạo ra sự phân biệt của các em trong cùng một môi trường

Thầy TỪ QUỐC TUẤN (Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM)
 
Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh cho rằng lắp máy lạnh là quá sang, không cần thiết, trường học chứ không phải khách sạn và kiên quyết không đóng góp.

Tại Trường tiểu học Thiên Hộ Dương, Q.10, khi ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp vận động mua sắm máy lạnh, nhiều phụ huynh không đồng ý vì cho rằng cơ sở vật chất của trường khá thoáng mát, không cần có thêm máy lạnh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh một số lớp phải chia nhau gặp từng người để vận động nhưng vẫn không được. Vì vậy năm học mới này chỉ có bảy lớp đăng ký gắn máy lạnh với 100% phụ huynh đồng tình.

Có lớp phụ huynh sốt ruột nên đứng ra bỏ tiền mua máy lạnh và tự cho thợ lắp ráp, thi công, gắn kính nên các phụ huynh khác không cần phải góp tiền.


Còn ở Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, ban đại diện cha mẹ học sinh một lớp thuộc khối 8 khi vận động phụ huynh gắn máy lạnh không được đồng tình 100% đã rất linh động gửi thư ngỏ đến tất cả phụ huynh với nội dung: Việc gắn máy lạnh cho phòng học của các cháu đã được quý phụ huynh nêu ra bàn bạc nhưng chưa có quyết định cuối cùng.

Nay đã tìm được đơn vị cho thuê máy lạnh với giá 8 triệu đồng dùng trong chín tháng, lớp buổi sáng đã đồng ý thuê, nếu lớp buổi chiều đồng ý nữa thì chi phí chia đôi, mỗi lớp 4 triệu đồng, mỗi phụ huynh dự kiến đóng 100.000 đồng và thêm tiền điện 25.000 đồng/tháng. Nếu phụ huynh đồng ý thì điền thông tin con mình, ký xác nhận và gửi cho các cháu nộp cô giáo chủ nhiệm.


Chín người mười ý


Thầy Cao Đức Khoa - hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1 - cho biết: “Trường không chủ trương gắn máy lạnh vì cơ sở vật chất không đảm bảo để trang bị lâu dài, nếu gắn phải được tất cả phụ huynh đồng thuận và không được chia tiền cào bằng. Tuy nhiên có lớp đã gửi thư ngỏ xin ý kiến phụ huynh về việc thuê máy lạnh, nếu phụ huynh không đồng ý thì không cần hồi đáp.

Thực tế là nhiều học sinh đã quen học phòng máy lạnh từ cấp tiểu học nên phải ngồi từ 7g-11g trưa nóng nực thì không chịu nổi, chưa kể học trò đang tuổi lớn đổ mồ hôi nhiều vào mùa nắng nóng. Tuy vậy hiện nay các lớp trong trường đều tận dụng những máy lạnh cũ đã có sẵn, chưa có lớp nào đăng ký gắn mới máy lạnh mà mới chỉ xin ý kiến phụ huynh”.


Tại nhiều trường tiểu học, khối lớp 1 thường là khối được các phụ huynh nhiệt tình chăm sóc nhất, và cũng là khối có nhiều phòng học được lắp máy lạnh nhất. Vị trưởng ban đại diện một trường tiểu học tại Q.7 nhẩm tính: “Lắp hai máy lạnh khoảng 20 triệu đồng, trung bình mỗi phụ huynh đóng 500.000 đồng nhưng các cháu sử dụng tới năm năm, tính ra một năm chỉ có 100.000 đồng tiền máy lạnh. Con mình chính là người thụ hưởng chứ đâu ai khác. Nhiều người phản đối nhưng tôi thấy đó là bài toán rất kinh tế. Chúng tôi cũng sẵn sàng “choàng gánh” cho những phụ huynh không có điều kiện đóng góp chứ không ép buộc ai cũng phải như ai”.

 

Nhu cầu của phụ huynh gắn máy lạnh cho lớp học theo phương thức xã hội hóa là có. Nhưng do chủ trương chung, nhiều năm nay trường không trang bị máy lạnh trong lớp học nhằm tiết kiệm điện và tránh việc học sinh so bì

Cô PHẠM THỊ LỆ NHÂN (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM)
 
Cô Phan Thị Yến, hiệu trưởng Trường tiểu học Trương Quyền, Q.3, kể để tiết kiệm điện, trường có quy định các máy lạnh chỉ mở sau 9g và tắt sau 16g.

Có phụ huynh kêu như vậy nóng quá không chịu nổi nhưng trước đó đã từng có phụ huynh đến gặp giáo viên phản ảnh con mình bị lạnh khi ngồi trong phòng học. Ở trường này mỗi phòng học đã trang bị bốn quạt máy, nay một số phòng học được gắn thêm hai máy lạnh nữa từ đóng góp của phụ huynh.

Tương tự, khi tiếp xúc với phụ huynh có con học phòng máy lạnh, nhiều người than máy lạnh “một ngựa” không đủ mát trong khi các cháu chạy nhảy giờ ra chơi thường toát mồ hôi, nhất là những học sinh có thân hình “mỡ màng” hơn các bạn cùng lứa.


Nhiều giải pháp

Theo thầy Từ Quốc Tuấn - hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM, hiện nay do nhu cầu của phụ huynh gắn máy lạnh cho lớp học rất cao, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học rất nhiều phụ huynh yêu cầu nhà trường cho gắn máy lạnh từng lớp học nhưng trường chưa thể làm được với lý do: khi làm phải đồng đều tất cả các lớp để học sinh được hưởng các quyền lợi như nhau, không có chuyện lớp có lớp không, muốn vậy phải cải tạo toàn bộ hệ thống điện bởi hệ thống điện của trường cũ kỹ, nhiều năm nay chỉ hư đâu sửa đó chứ không được phép cải tạo toàn bộ hệ thống.

Để thực hiện việc gắn máy lạnh cho lớp học theo nhu cầu của phụ huynh trước hết phải có sự đồng thuận của tất cả phụ huynh, do vậy nhiều năm nay trường không có chủ trương gắn máy lạnh cho học sinh, nhưng học sinh vẫn học tập bình thường vì do trường trang bị cho mỗi lớp học 6-8 cái quạt máy.

Trường gắn thêm hệ thống phun sương ngoài hành lang nhằm giảm bớt sức nóng cho các em trong mùa nắng nóng, phần nào đáp ứng được việc học tập. Ngoài ra nhà trường vẫn đảm bảo sự thoáng mát cho các em sinh hoạt học tập, tránh để các em ngồi lâu trong lớp, đưa các em ra ngoài sân học các môn như múa, thể dục thể thao, đá banh, học võ... 3-4 tiết/tuần.

Đó cũng là một cách giảm bớt sức nóng cho các em và quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn hệ thống điện.


Cô Phạm Thị Lệ Nhân - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM - nói trường đang xây dựng và mở rộng một số công trình như nhà thư viện điện tử, khu TDTT, khu nhà bán trú...

Theo thiết kế đã được duyệt vẫn giữ lại cảnh quan chung vì đây là trường có lịch sử gần 100 năm, là kiến trúc nghệ thuật và là di tích lịch sử. Tuy nhiên khi thiết kế vẫn giữ được nét riêng của trường nhưng hiện đại. Đây là dự án do UBND Q.3, TP.HCM làm chủ đầu tư.

Cũng theo cô Lệ Nhân, chủ trương chung của trường nhiều năm nay không trang bị máy lạnh nhưng vẫn đảm bảo độ thông thoáng trong lớp học cho học sinh. Mùa nóng có những lớp học bị nóng nhà trường tăng cường thêm quạt đứng để học sinh thoải mái trong việc học.




Theo Lưu Trang- Như Hùng / Tuổi trẻ
Bình luận
vtcnews.vn