Việc Như chưa hề có cuộc chia ly ngừng phát sóng trên VTV sau số 134 (ngày 7/6) để lại dư vị chua xót cho cả khán giả và ê kíp thực hiện, bởi nguyên nhân chương trình có ảnh hưởng xã hội rộng lớn, giá trị nhân văn sâu sắc này không thể đi tiếp là không gọi đủ tiền quảng cáo để sản xuất.
13 năm tồn tại trong trầy trật
Kể từ số đầu tiên được phát tối 1/12/2007 đến nay, chương trình truyền hình Như chưa hề có cuộc chia ly đã tìm được 2.500 người lạc mất thân nhân và tổ chức đoàn tụ cho 1.800 trường hợp. Mỗi lần phát sóng, câu chuyện chia cắt và hội ngộ của các nhân vật lấy đi bao nhiêu nước mắt đồng cảm, sẻ chia và cả mừng vui, hạnh phúc của người xem truyền hình. Bởi vậy, việc chương trình này phải dừng phát sóng vì hết tài trợ khiến khán giả sốc và xót xa, tiếc nuối.
Đến lúc này, nhiều người xem mới biết Như chưa hề có cuộc chia ly không do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trực tiếp sản xuất bằng tiền Nhà nước, mà được thực hiện bằng nguồn tiền xã hội hóa. "Thực lòng, tôi cứ nghĩ đó là một trong những chương trình quan trọng nhất của Chính phủ thông qua Đài Truyền hình Việt Nam", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thốt lên.
Nhà báo Thu Uyên - người phụ trách chương trình, cho biết suốt thời gian qua Như chưa hề có cuộc chia ly hoạt động theo mô hình kêu gọi tài trợ cho một chương trình truyền hình, và dùng kinh phí đó trang trải cho cả hoạt động xã hội ở phía sau (tìm kiếm người thất lạc). Với mô hình này, Như chưa hề có cuộc chia ly tồn tại trong trầy trật, bởi dù tiết kiệm hết sức, kinh phí cho việc tìm kiếm rất lớn. Năm 2018, chương trình từng bị tạm dừng một thời gian vì thiếu tiền.
Cũng vì chuyện tiền nong mà kênh phát sóng bị thay đổi. 10 năm đầu tiên, Như chưa hề có cuộc chia ly được phát sóng mỗi tối thứ 7 trên kênh VTV1, nghĩa là vào giờ vàng trên kênh quan trọng nhất của Đài Truyền hình Quốc gia. Bước qua năm 11, do không bán được nhiều quảng cáo, chương trình được chuyển sang kênh VTV9, thời gian phát là 16h chủ nhật đầu tiên trong tháng.
“Ê-kíp Như chưa hề có cuộc chia ly chỉ làm được việc cung cấp một chương trình uy tín, tin cậy, nhân văn; nhưng để góp doanh thu đáng kể cho đài thì chúng tôi không làm được", nhà báo Thu Uyên ngậm ngùi thừa nhận, cho biết tiền tài trợ để thực hiện chương trình đã hết từ tháng 1.
Hiện tại, những người thực hiện chương trình đang tìm kiếm dở dang 30.000 trường hợp trong số 80.000 hồ sơ đăng ký, sau khi xác minh và loại trừ những trường hợp không có khả năng tìm. Nếu dừng Như chưa hề có cuộc chia ly, 30.000 hồ sơ này sẽ bị gác lại và trông chờ vào sự may rủi, chẳng hạn như chờ có ai đó lên tiếng, cung cấp thông tin… Nhưng khả năng này rất thấp bởi lâu nay, để giúp những người lạc nhau đoàn tụ, ê-kíp thực hiện luôn phải cật lực tìm kiếm, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Có trường hợp hồ sơ được gửi đến từ khi chương trình bắt đầu nhưng mới đây mới được đoàn tụ, mất đúng 13 năm.
Nhân tính đang bị bỏ rơi
Là một trong những khán giả theo dõi Như chưa hề có cuộc chia ly rất sát sao, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá: "Tìm lại những người thân ly tán hàng chục năm không chỉ là câu chuyện đoàn tụ của một gia đình. Nó mang ý nghĩa nhân văn rộng lớn hơn hàng vạn lần. Nó làm cho con người suy nghĩ về mối quan hệ của mình với gia đình mình và với những người thân yêu".
Khi biết Như chưa hề có cuộc chia ly phải dừng, nhiều khán giả khẩn thiết mong chương trình được cứu dù không có nhu cầu tìm thân nhân. Điều này cho thấy chương trình có tầm cỡ lớn, ảnh hưởng, tác động tới cả xã hội và nhân cách con người, gợi nhân tính trong mỗi cá nhân.
“Họ làm vậy vì chương trình đã làm họ xúc động, phải tự nhìn lại chính mình và thay đổi cách hành xử với những người thân”, nhà thơ nói. Theo ông, chương trình đặc biệt có ý nghĩa trong xã hội hiện nay, khi sự ly biệt và cách biệt giữa con người đang ngày càng rộng, không chỉ là khoảng cách vật lý; các giá trị văn hóa đang bị coi nhẹ. Người mẹ có thể bỏ chết đứa con mới sinh dưới hố ga, cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng… có thể giết nhau.
Nguyễn Quang Thiều cho rằng không có gì phòng chống tội phạm tốt hơn bằng việc bồi đắp nhân tính bên trong mỗi con người, và Như chưa hề có cuộc chia ly là chương trình truyền hình hiếm hoi làm được điều đó.
''Chẳng lẽ lòng nhân ái và giáo dục nhân văn lại chỉ có giá trị khi nó mang về nhiều và nhiều tiền hơn nữa hay sao? Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng, vì sao có những công trình như dựng cổng chào… tốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thì người ta cố biện minh mọi nhẽ để làm, còn một chương trình nhân văn sâu sắc như vậy chỉ tốn vài tỉ thì người ta bỏ quên. Cái chết của nhân tính bắt đầu từ đây.
Tiền rất quan trọng. Ai cũng cần tiền, trong đó có tôi. Nhưng nếu chúng ta coi tiền là tất cả thì những chuyện kinh hãi như chuyện cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng… giết nhau sẽ trở thành chuyện thông thường trong một ngày gần đây. Đến lúc đó, tiền sẽ giúp các ngươi được điều gì?" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xót xa đặt câu hỏi.
Còn nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khi hay tin Như chưa hề có cuộc chia ly dừng phát sóng đã thốt lên: "Văn hoá và nhân tính đang bị bỏ rơi, bị chết yểu. Không có gì để biện minh".
Cần Nhà nước vào cuộc
Để Như chưa hề có cuộc chia ly được tiếp tục lên sóng, nhà báo Thu Uyên cho biết cần ít nhất 6 tỷ đồng mỗi năm. Theo chị, đây là con số tối thiếu, và để sản xuất được chương trình (bao gồm hoạt động tìm kiếm ở hậu trường) bằng số tiền này, mọi người trong ê kíp đều làm lượng công việc gấp mấy lần bình thường, dè sẻn tối đa.
Thu Uyên nhận mình có lỗi trong việc để khán giả hiểu lầm Như chưa hề có cuộc chia ly được làm từ ngân sách Nhà nước trong khi thực tế đây là chương trình xã hội hóa, bởi trước nay chị chỉ kêu gọi từ quảng cáo truyền hình mà không kêu gọi trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên hiện chị không còn khả năng kêu gọi quảng cáo để có kinh phí hoạt động.
“Đây là lần đầu tiên tôi dám lên tiếng nói rằng chúng tôi hiện đã quá túng thiếu và cần mọi người cùng giúp, cùng thực hiện trách nhiệm xã hội”, Thu Uyên nói. Chị cho biết, ở Nga, chương trình đoàn tụ, tìm kiếm người thân được Uỷ ban Phát thanh và Truyền hình nước Nga tài trợ mọi chi phí.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ mong muốn Nhà nước vào cuộc, bởi 6 tỷ đồng mỗi năm là phần đầu tư không lớn so với giá trị mà chương trình mang lại. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cũng cho rằng, 6 tỷ đồng “là con số nhỏ bé đối với với một xã hội rộng lớn, đầy truyền thống và đang phát triển như Việt Nam”, nên nếu vì số tiền đó mà Như chưa hề có cuộc chia ly phải dừng lại thì thật đau lòng.
“Tôi cho rằng Chính phủ và Nhà nước phải can thiệp để xã hội hoá chương trình, biến nó thành một chiến lược giáo dục, hình thành nhân cách con người”, nhà thơ nói. Theo ông, kinh phí cho Như chưa hề có cuộc chia ly nên được huy động từ 3 nguồn: Tài trợ của Chính phủ, phần hỗ trợ của doanh nghiệp và đóng góp của người dân. Nguyễn Quang Thiều cho biết ông đang kêu gọi, nói chuyện với các doanh nghiệp, cá nhân, những người quen biết… về tầm ảnh hưởng của chương trình để mọi người hiểu rõ hơn vì sao Như chưa hề có cuôc chia ly cần được cứu.
Nhà thơ tin rằng, rất nhiều người dù thu nhập không cao vẫn sẵn sàng trích một phần để đóng góp cho chương trình, bởi: “Nếu Như chưa hề có cuộc chia ly phải dừng lại, đó không phải thất bại của Đài Truyền hình mà đáng sợ hơn, đó là sự thất bại của chủ nghĩa nhân văn”.
Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ mới là đề xuất của người làm Như chưa hề có cuộc chia ly và những người yêu mến chương trình. Số phận của nó thực sự vẫn chưa được quyết định. Và rất nhiều khán giả lo sợ rằng, chương trình rung động hàng triệu trái tim này rồi cũng sẽ khép lại vì thiếu tiền, giống như số phận của hàng loạt gameshow có ý nghĩa nhân văn, xã hội khác như Lục lạc vàng, Vượt lên chính mình...
Bình luận