• Zalo

Nhu cầu ngà voi và sừng tê giác châu Phi của người Việt làm tăng nguy cơ tuyệt chủng những loài này

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 31/10/2018 11:00:00 +07:00Google News

Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) nhu cầu của người Việt đối với ngà voi và sừng tê giác châu Phi đã góp phần làm giảm quần thể những loài này, thổi bùng lên các thương vụ buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã trên toàn cầu.

Ngày 30/10, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) vừa công bố Báo cáo Hành tinh sống 2018 tại Thụy Sỹ, cho biết loài người và cách chúng ta sản xuất thực phẩm, nhiên liệu và tài chính cho xã hội và nền kinh tế của mình đang đẩy thiên nhiên và các dịch vụ của nó, những yếu tố quan trọng để có thể duy trì cuộc sống của chúng ta, tới bờ vực.

Đưa ra một bức tranh đáng lo ngại về tác động từ các hoạt động của con người lên cuộc sống động-thực vật hoang dã, rừng, biển, sông ngòi và khí hậu trên toàn cầu, báo cáo nhấn mạnh chúng ta không còn nhiều cơ hội để hành động.

Original_WW24369 1 3

những bằng chứng khắc nghiệt về những gì các cánh rừng, đại dương và dòng sông đang phải chịu đựng dưới tác động của con người. (Ảnh: WWF)

Ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc của WWF Quốc tế cho biết: “Khoa học cho chúng ta những bằng chứng khắc nghiệt về những gì các cánh rừng, đại dương và dòng sông đang phải chịu đựng dưới tác động của con người. Sự sụt giảm về số lượng các loài hoang dã và sinh cảnh tự nhiên là một chỉ số về những tác động và áp lực to lớn mà chúng ta đang gây ra cho trái đất. Những điều cơ bản nhất duy trì sự sống của loài người: thiên nhiên và đa dạng sinh học đang bị phá hoại.”

Chỉ số Hành tinh Sống theo dõi xu hướng phát triển quần thể của các loài hoang dã. Theo những dữ liệu mới nhất hiện có, số lượng các loài cá, chim, động vật có vú, động vật lưỡng cư và bò sát đã giảm trung bình 60% từ năm 1970 – 2014.

Báo cáo chỉ ra những mối đe doạ lớn nhất đối với các loài có liên hệ trực tiếp tới các hoạt động của con người, bao gồm suy giảm và mất sinh cảnh sống và việc khai thác quá mức động thực vật hoang dã.

Original_WW187043

Nhu cầu của người Việt đối với ngà voi và sừng tê giác châu Phi đã góp phần làm giảm quần thể những loài này. (Ảnh: WWF)

Tiến sỹ Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn của WWF - Việt Nam cho biết: “Sự thay đổi cần phải diễn ra nhanh chóng, bao gồm cả tại Việt Nam. Việt Nam cũng góp phần làm suy giảm quần thể các loài hoang dã của chính mình và các quốc gia khác. Nhu cầu của người Việt đối với ngà voi và sừng tê giác châu Phi đã góp phần làm giảm quần thể những loài này, thổi bùng lên các thương vụ buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã trên toàn cầu. Các loài động vật có xương sống của Việt Nam cũng bị sụt giảm nghiêm trọng, phần lớn là do việc đặt bẫy trộm – loại bẫy làm bằng dây kim loại và giết chết bất kể loài nào dính phải.”

Báo cáo Hành tinh Sống 2018 cũng tập trung vào tầm quan trọng của thiên nhiên đối với sức khoẻ và sự thịnh vượng của loài người, cũng như đối với xã hội và các nền kinh tế. Trên toàn cầu, ước tính hàng năm thiên nhiên cung cấp những dịch vụ trị giá 125 nghìn tỷ đô la. Ngoài ra, thiên nhiên còn cung cấp không khí và nước sạch, thực phẩm, năng lượng, thuốc và các sản phẩm và nguyên liệu khác.

Năm 2010, WWF công bố sự tuyệt chủng của loài tê giác tại Việt Nam, cá thể tê giác cuối cùng bị giết chết để lấy sừng. Hiện tại, WWF đang hỗ trợ thực hiện bảo tồn quần thể voi hoang dã của Việt Nam, hiện chỉ còn khoảng 100 cá thể.

Small_WW22624 6

 Theo WWF, con tê giác một sừng cuối cùng trên thế giới ở Việt Nam đã bị giết chết để lấy sừng và loài này chính thức bị tuyệt chủng. (Ảnh: WWF)

Trong những thập kỷ gần đây, các hoạt động của con người đã tác động nghiêm trọng lên sinh cảnh và nguồn tài nguyên thiên nhiên mà các loài hoang dã và con người đều phụ thuộc, bao gồm đại dương, rừng, rạng san hô, đất ngập nước và rừng ngập mặn.

Trong vòng 50 năm, diện tích rừng Amazon đã biến mất 20%, trong khi đó trái đất mất đi khoảng một nửa rạng san hô tại vùng nước nông trong 30 năm qua.

Báo cáo Hành tinh Sống 2018 nhấn mạnh các cơ hội mà cộng đồng quốc tế phải thực hiện từ nay tới 2020, nhằm bảo vệ và phục hồi thiên nhiên. Năm 2020 là một mốc quan trọng bởi các nhà lãnh đạo sẽ xem xét tiến độ thực hiện Mục tiêu Thiên niên Kỷ, thoả thuận Khí hậu Paris và Công ước về Đa dạng sinh học (CBD).

Original_WW294064 2 5

Báo cáo chỉ ra những mối đe doạ lớn nhất đối với các loài có liên hệ trực tiếp tới các hoạt động của con người. (Ảnh: WWF)

WWF kêu gọi mọi người, doanh nghiệp và chính phủ huy động nguồn lực và đưa ra một khung thoả thuận toàn diện cho con người và thiên nhiên trong khuôn khổ thực hiện CBD, một công ước nhằm thúc đẩy các hành động từ lĩnh vực công và tư để bảo vệ và phục hồi thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu, đồng thời thay đổi xu hướng suy thoái đang diễn ra.

Báo cáo Hành tinh Sống 2018 là ấn phẩm thứ 12 của WWF, phát hành hai năm một lần. Chỉ số Hành tinh sống của báo cáo lần này theo dõi xu hướng phát triển quần thể của 4.005 loài động vật có xương sống từ 1970 tới 2014

Video: Hành tinh của chúng ta đang ở tình trạng nào? (Nguồn: WWF)

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wide Fund For Nature - WWF) là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên.

WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế đầu tiên hoạt động tại Việt Nam.

Từ thập niên 90, WWF đã hợp tác với chính phủ trong các chương trình bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai bằng việc tài trợ và thực hiện các chương trình nhằm duy trì, bảo vệ và phát triển một cách bền vững cơ sở nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Từ đó cho đến nay,WWF đã cộng tác với chính phủ Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực liên quan đến các vấn đề môi trường và thực hiện các chương trình hoạt động tại các địa phương trên khắp cả nước.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn