Phát biểu tham luận tại Hội thảo "Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều - cung ít - vì sao?", PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, hiện nay, nhu cầu căn hộ bình dân rất bức thiết.
Theo ông Chung, người dân có nhu cầu nhà ở cao do sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn, di dân đô thị hóa, mong muốn có nhà ở Hà Nội và TP.HCM của người dân các địa phương cũng như học sinh, sinh viên.
Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo điện tử Dân Việt, Báo Nông thôn Ngày nay cũng cho rằng, nhu cầu nhà giá rẻ rất lớn, nhưng trên thị trường, nhà đầu tư lại tập trung nhiều cho tầng lớp trung lưu, với các sản phẩm cao cấp hoặc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng… Chính sự lệch pha cung - cầu này tạo ra khan hiếm nhà ở bình dân và khiến giá nhà bị đẩy lên cao hơn giá trị thực.
Đáng chú ý, tại Việt Nam, giá nhà vừa túi tiền đã cao gấp 22-25 lần so với thu nhập trung bình của xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 4/2014, cả nước có 98 dự án xã hội; đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ; có 96 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) với số lượng ban đầu là 44.700 căn hộ điều chỉnh thành 60.000 căn hộ.
Trước nhu cầu lớn về nhà giá bình dân, nhà đầu tư buộc phải nghiên cứu, hướng đến việc phát triển các sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu người có mức thu nhập trung bình, chiếm đến 65% dân số.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, trung bình mỗi năm hơn 1 triệu dân nông thôn di cư vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Con số nay vẫn tiếp tục tăng lên.
Cùng với đó là nhu cầu nhà ở bình dân của một số cán bộ công chức, viên chức có lương bình quân dao động ở mức 6-7 triệu đồng/tháng. Nhu cầu nhà ở cho người dân ở phân khúc bình dân đang rất lớn, chiếm tới 60 - 70% tổng nhu cầu thị trường. Thế nhưng, nguồn cung nhà giá rẻ dưới 1 tỷ đồng lại rất khan hiếm.
“Năm 2018, cung phân khúc nhà giá rẻ ít hơn trung và cao cấp. Phân khúc giá rẻ chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20%; loại căn hộ có diện tích chỉ 60m2 và giá bán 700 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 5%”, ông Chung nói.
Để giải quyết vấn đề cầu nhiều - cung ít trong phân khúc nhà giá rẻ này, PGS.TS Trần Kim Chung kiến nghị cần nghiên cứu, chuẩn hóa định danh nhà giá thấp.
Ông Chung cho rằng, cơ quan chức năng cần có chính sách thỏa đáng đối với nhà giá thấp như đối với nhà ở xã hội gồm: Đất, thuế, lãi suất, tín dụng, thế chấp. Chính phủ cần lập các quỹ tài chính hỗ trợ phát triển nhà giá thấp – như gói 30.000 tỷ đồng. Thêm nữa, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà giá thấp, đa dạng hóa diện tích căn hộ phù hợp nhu cầu xã hội.
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng đưa ra 5 giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà giá rẻ.
Thứ nhất, phải thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối các khu vực ngoại thành với nhau và với trung tâm thành phố. Thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng đô thị và dịch vụ tại các khu vực này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống tại các dự án nhà ở xa trung tâm.
Thứ hai, xây dựng và ban hành chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong đó cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ và bình dân.
Thứ ba, có chính sách cho người thu nhập thấp được vay tiền mua nhà ở với lãi suất ưu đãi.
Thứ tư, thí điểm mô hình Hợp tác xã nhà ở và quỹ đất phát triển nhà ở giá rẻ.
Thứ năm, thúc đẩy phát triển nhà ở giá rẻ cho thuê.
>>> Đọc thêm:Nhà ở xã hội Eurowindow River Park giá 15,1 triệu đồng/m2 có thực sự rẻ?
Bình luận