Ngày 9/2, trao đổi với PV VTC News về vụ ép cô gái lên xe để "cướp vợ" tại Nghệ An, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: “Hành vi cướp vợ tại huyện Quỳ Hợp như phản ánh trên báo chí là vi phạm pháp luật".
Theo luật sư Thanh: "Pháp luật quy định, việc kết hôn giữa vợ chồng phải được tiến hành trên cơ sở tự nguyện. Không ai được đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ. Luật sư Giang Hồng Thanh dẫn chứng Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014, quy định việc Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.
Video: Nhóm thanh niên ép cô gái lê xe máy để "cướp vợ" tại Nghệ An
Theo đó, luật cấm các hành vi như: Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn. "Như vậy, việc nam thanh niên ở Nghệ An bắt ép cô gái lên xe chở đi dưới hình thức "cướp vợ" trong khi cô gái cố gắng chống cự là hành vi cưỡng ép kết hôn là vi phạm quy định của pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng ", luật sư Thanh nói.
Luật sư Thanh cũng cho biết thêm, qua một loạt các sự việc "cướp vợ" mà người bị "cướp" không đồng ý và chống cự quyết liệt xảy ra đã được báo chí, mạng xã hội đăng tải trong thời gian gần đây, có thể thấy rằng ranh giới giữa phong tục và hủ tục là rất mong manh, rất dễ bị biến tướng. Thậm chí có thể còn có tình trạng nhiều người lợi dụng phong tục này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Liên quan đến vụ việc, trong một bài phỏng vấn trước đó trên VTC News, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái - Phó hiệu trưởng trường Đại học khoa học - Đại học Thái Nguyên cho rằng: "Tục "cướp vợ" hay còn gọi là "kéo vợ" là một phong tục đẹp của dân tộc H'Mông, khi mà nam nữ yêu thương nhau tổ chức hình thức nam giả vờ giằng kéo nữ về làm vợ, còn nữ giả vờ chống cự nhưng cuối cùng vẫn theo nam về. Thế nhưng khi đã bị biến tướng, đã bị lợi dụng thì phong tục đẹp này lại trở thành nỗi sợ hãi, lo lắng của nhiều cô gái".
PGS.TS Phạm Thị Phương Thái cho rằng, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, Nhà nước cần vận động các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong xã hội giải thích để đồng bào và người dân hiểu được ý nghĩa thực sự của tục lệ "cướp vợ", đồng thời có hình thức xử phạt trong cộng đồng nếu ai đó vi phạm. Có như vậy thì các giá trị truyền thống vừa được gìn giữ, bảo tồn, vừa hạn chế được các hành vi biến tướng xâm phạm đến quyền tự nguyện kết hôn của người phụ nữ.
Bình luận