• Zalo

Nhóm nữ sinh đánh bạn, bắt liếm chân: Mối nguy hiểm của xã hội

Giáo dụcThứ Hai, 31/10/2016 07:28:00 +07:00Google News

Chuyên gia giáo dục cho rằng, nhóm nữ sinh này nếu không bị xử lý và giáo dục lại sớm chắc chắn sẽ trở thành mối nguy hiểm tiềm ẩn cho xã hội.

Một đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh nhảy vào đánh hội đồng bạn nữ và bắt bạn liếm chân vừa được đưa lên mạng xã hội đã khiến dư luận rất bức xúc, phẫn nộ.

Chia sẻ với VTC News, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) tỏ ra rất bất bình khi xem clip và thông tin vụ việc.

ts-vu-thu-huong

 

- Gần đây, khi xem clip và thông tin về một nhóm nữ sinh đánh hội đồng bạn, bắt bạn liếm chân, dí thuốc lá đang cháy vào tay bạn, khiến bà có suy nghĩ gì?

Tôi thấy thật sự kinh khủng. Giáo dục đạo đức giới trẻ bị bỏ quên từ lâu khi tiết học Giáo dục công dân bị coi nhẹ, cha mẹ lại không chú tâm dạy con mà chỉ quan tâm đến điểm số, đến các kỳ thi.

Đã đến lúc chúng ta phải gánh chịu hậu quả từ những sai lầm này. Giờ thì bạo lực không còn là điều tồi tệ dành riêng cho các bạn nam giới nữa rồi.

Một số bạn nữ cũng đã tìm cách "giành" lại cho mình "vị thế" cao trong chuyện như thế này cho thấy đạo đức xuống cấp không phải là "dấu hiệu" nữa mà thực sự đã trở thành hiện trạng đáng báo động.

Video: Lời kể của gia đình nữ sinh bị bạn đánh, bắt liếm chân

- Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên nhóm nữ sinh này đánh bạn?

Đám nữ sinh này đã vi phạm pháp luật nhiều lần thì đây không còn là câu chuyện đơn giản nữa. Các nữ sinh này nếu không bị xử lý và giáo dục lại sớm chắc chắn sẽ trở thành mối nguy hiểm tiềm ẩn cho xã hội nhanh thôi.

- Sau khi đánh, nhóm nữ quái này còn dọa dẫm “sẽ giết” nếu nữ sinh bị đánh kể lại với gia đình. Phải chăng điều đó thể hiện sự ngông cuồng, thách thức pháp luật?

Có thể nói, với suy nghĩ bọn trẻ còn nhỏ, các bậc cha mẹ đã để mọi chuyện đi quá xa rồi. Những nữ sinh này đã không đơn giản là bạo lực học đường nữa mà đã lớn tiếng thách thức pháp luật, thách thức xã hội.

 
Những tội lỗi các bạn trẻ này mắc phải không còn đơn giản là do thiếu hiểu biết nữa mà đã là thái độ coi thường pháp luật

TS Vũ Thu Hương

Những tội lỗi các bạn trẻ này mắc phải không còn đơn giản là do thiếu hiểu biết nữa mà đã là thái độ coi thường pháp luật.

Thái độ thường thấy của những kẻ muốn đứng ngoài pháp luật.

-Trong trường hợp này, nữ sinh bị đánh có nên kể với gia đình về vụ việc không, thưa bà?

Cha mẹ luôn là người sẵn sàng bảo vệ các bạn. Vì thế, trong những trường hợp tương tự, cha mẹ là người đầu tiên chúng ta cần báo. Trong mọi trường hợp, hãy lắng nghe cha mẹ và giáo viên của mình.

Đã có rất nhiều trường hợp các bạn không chia sẻ với cha mẹ và sau đó hậu quả còn lớn hơn rất nhiều so với những gì các bạn hình dung được.

- Tâm lý của nữ sinh bị đánh sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sau những vụ việc nguy hiểm như thế này, thưa bà?

Mọi trường hợp bị bạo hành đều để lại di chứng tâm lý. Cảm giác hoảng loạn sợ hãi đeo bám nạn nhân rất lâu về sau. Tâm lý nạn nhân còn bị ảnh hưởng bởi cảm giác bất lực khi không thể bảo vệ được chính bản thân, cảm giác nhục nhã của kẻ yếu ớt....

Tất cả những cảm giác này đều quá mạnh sẽ rất dễ khiến nạn nhân suy sụp. Đã có không ít nạn nhân hoảng loạn và phải mất nhiều thời gian và công sức mới có thể trở lại bình thường.

Cũng có người không vượt qua được nên đã hành động thiếu kiểm soát, mất tự chủ như câu chuyện cậu học sinh tại Lào Cai đã tự tử sau khi bị hành hung.

Có những trường hợp bị hoảng loạn khi chỉ chứng kiến những vụ hành hung nhưng nỗi ám ảnh còn tồn tại mãi về sau.

- Trong trường hợp này, bố mẹ có vô tâm hay không khi không hề phát hiện ra những dấu hiệu con bị đánh đập, làm nhục?

Theo tôi, cha mẹ thực sự không chỉ là vô tâm mà còn hơi thiếu trách nhiệm khi không phát hiện ra dấu hiệu con bị hành hung. Đứa trẻ vừa bị đánh bao giờ cũng mang nhiều dấu hiệu khác lạ như ngơ ngác, giật mình khi có tiếng động nhỏ, hoảng hốt, sợ hãi, lấm lét nhìn quanh hoặc giam mình tại phòng riêng. 

Ngoài ra, nhưng tổn thương trên cơ thể cũng khiến các em có hành động lạ để tránh bị đau đặc biệt khi ai đó vô tình chạm nhẹ vào người. Với từng đó dấu hiệu, không khó để cha mẹ nhìn ra sự khác thường của con sau khi bị hành hung.

- Không chỉ trường hợp này mà gần đây liên tiếp xuất hiện rất nhiều clip nữ sinh đánh hội đồng bạn một cách dã man ở nhiều địa phương như TP.HCM, Thái Bình, Quảng Nam, Đắc Lắc… được tung lên mạng. Tại sao nữ sinh ngày càng có hành vi ngông cuồng, tàn bạo với chính bạn học của mình?

Ngoài lý do lơ là việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ, chúng ta đã tiếp tay cho các hành vi bạo lực khi chưa có chế tài xử lý nghiêm những vụ việc tương tự.

Ngoài ra, mạng xã hội được sử dụng như công cụ tuyên truyền cũng đã khiến những hành động này dễ lây lan. Cha mẹ cho con sử dụng mạng xã hội thiếu kiểm soát dễ dẫn đến tình trạng này.

Đó là chưa kể việc trẻ ngày nay vi phạm nội quy nhà trường đôi lúc còn được bố mẹ bao che, xin tội hoặc bao biện.

-Cơ quan chức năng, nhà trường, phụ huynh liệu còn có thể tiếp tục thờ ơ để những vụ việc đau lòng này xảy ra ?

Điều đáng mừng nhất gần đây theo tôi chính là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định đưa môn Giáo dục Công dân vào thành một trong những nội dung thi tốt nghiệp THPT.

Nếu các gia đình, nhà trường thật sự quan tâm và đồng lòng với bộ GD-ĐT thì những vụ việc thế này sẽ nhanh chóng chấm dứt. Tôi tin rằng những vụ việc thế này sẽ khiến gia đình, nhà trường không còn thờ ơ việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ.

Xin cảm ơn bà!.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn