Nhóm học sinh lớp 11 gồm: Lưu Toàn Thắng, Nguyễn Đức Việt, Đặng Minh Đan và Ngô Quang Tú sinh ra và lớn lên trên mảnh đất là thủ phủ của vải thiều đã khiến nhóm tác giả trẻ nảy sinh ý tưởng làm sao để có thể diệt được sâu bọ mà không cần phải sử dụng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Cơ chế hoạt động của máy dựa trên việc sử dụng nguyên lý hoạt động Cơ - Lý – Hóa, sử dụng năng lượng từ pin mặt trời và ắc quy.
Minh Đan cho biết: "Ban ngày, máy dẫn dụ các loại côn trùng hại cây trồng bằng mồi chứa dung dịch pheromone. Dựa trên đặc tính của côn trùng luôn hướng về phía có ánh sáng, buổi tối, máy sẽ được thêm bộ phận để thắp bóng đèn. Phía dưới của máy có quạt hút để giữ lại những côn trùng đã dính bẫy".
Theo nhóm bạn trẻ này, mồi sử dụng để dẫn dụ các loại côn trùng được trộn với dung dịch pheromone, an toàn với con người khi tiếp xúc nhưng có hiệu quả đặc biệt đối với những loại côn trùng.
Để tăng năng suất và hiệu quả sử dụng, máy được thiết kế có chiều cao 1,5m; rộng 0,7m nhưng khối lượng toàn máy chỉ nặng từ 7-8kg. Do đó, máy có thể dễ dàng và tiện lợi để treo lên các tán cây nhãn, vải,... Với mỗi hecta cây trồng, chỉ cần sử dụng khoảng 5 máy.
Sau hơn 2 tháng được các thầy cô góp ý, bổ sung, 4 bạn trẻ đã cho ra đời chiếc máy bắt bọ xít đầu tiên.
Về ý nghĩa của việc sử dụng sản phẩm này trong nông nghiệp, bạn Ngô Quang Tú cho biết: "Việc sử dụng máy bắt bọ xít và côn trùng gây hại có thể diệt trừ triệt để các loại bọ xít và côn trùng gây hại cho cây trồng. Nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó tăng giá thành sản phẩm đồng thời hướng nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, sạch, và bảo vệ môi trường".
Ngoài sử dụng để diệt bọ xít, côn trùng cho cây nhãn, vải, sản phẩm có thể sử dụng trong việc bảo vệ các loại cây trồng khác khỏi côn trùng có hại.
Bình luận